Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 20/7/2013 11:46'(GMT+7)

Cơ hội đạt tăng trưởng kỳ vọng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế nước ta đang dần hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến, tồn kho giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức hợp lý, lạm phát được nhận diện không còn là mối lo ngại lớn của năm 2013.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt thì chính sách điều hành cuối năm cũng cần ưu tiên hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế thì mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra cho cả năm là 5,5%.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước GDP ước tính tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đạt được kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, cụ thể tăng trưởng GDP quý 1 tăng 4,76%, quí 2 tăng 5%.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp được quan tâm triển khai...

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2013 do Quốc hội đề ra là 5,5% thì 6 tháng cuối năm nay, tăng trưởng GDP phải đạt gần 6%.

Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng cả năm đặt ra là 5,5% là khá khó khăn và phải rất nỗ lực mới có thể đạt được: “Nền kinh tế của Việt Nam năm 2013 còn nhiều khó khăn như: tổng cầu của nền kinh tế đang giảm sút. Sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, doanh nghiệp phá sản, sản xuất chưa mở rộng, tồn kho tuy có giảm nhưng còn cao, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp thấp. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% Chính phủ cần các giải pháp đột phá. Tuy nhiên, nếu đưa ra hệ thống những giải pháp đột phá thì cũng cần lường trước những hệ lụy cho các thời kỳ sau”.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái đã cơ bản đạt được theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao trở lại. Nghiên cứu mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mỗi nền kinh tế có ngưỡng lạm phát khác nhau, với Việt Nam nếu giảm xuống sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng. Ví dụ, đối với nền kinh tế Nhật Bản, lạm phát 1% là hợp lý nhưng đối với Việt Nam, lạm phát 7%-8% vẫn phù hợp và ở mức lạm phát này nền kinh tế mới tăng trưởng tốt.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng Cục Thống kê cho rằng: việc kích thích tăng trưởng là cần thiết nhưng vẫn cần phải hết sức thận trọng trong tăng trưởng cung tiền và tổng cầu: “Trạng thái lạm phát ổn định của ta không vững chắc và rất dễ bị phá vỡ. Trong khi đó, tình trạng lạm phát cao dễ có thể quay trở lại. Vì vậy, vấn đề tập trung tăng trưởng hay lạm phát, tôi nghĩ rằng Chính phủ nên tập trung vào kiểm soát lạm phát. Không chỉ khi lạm phát cao mà kể cả khi lạm phát thấp vẫn phải kiên trì kiểm soát lạm phát để đảm bảo tránh lạm phát quay trở lại. Vì trong năm nay, khả năng lạm phát thấp nhưng nếu ta đầu tư quá nhiều hoặc giải ngân quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến các năm sắp tới”.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát được nhận diện không còn là mối lo ngại lớn của năm 2013; đồng thời, nền kinh tế cũng đang có nhiều dấu hiệu hồi phục, như: chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng dần qua từng tháng và trong 6 tháng qua, chỉ số này ước tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến có xu hướng giảm dần; cùng với đó, xuất khẩu cũng trên đà tăng và chủ yếu do khu vực công nghiệp mang lại… Bên cạnh những thế mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, do đó, thu hút đầu tư nước ngoài tốt sẽ là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Bà Hồ Thanh, Vụ trưởng Vụ Xây dựng và vốn đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Thu hút FDI so với năm trước có khởi sắc cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện. Đóng góp của đầu tư vào GDP trong 6 tháng đầu năm khoảng 29,7% và trong cả năm 2013 dự kiến vẫn phải trên dưới 30%. Việt Nam đang tập trung và vẫn đang thiếu về hạ tầng cơ cở cho nên vẫn phải đầu tư và tăng trưởng nóng, mặc dù không có tiền phát triển những lĩnh vực công nghệ cao nhưng vẫn phải đầu tư để cải thiện dần đời sống của người dân để đưa vào mặt bằng chung của khu vực”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013 có thể là đáy để năm 2014 phục hồi, mô hình tăng trưởng phục hồi đang đi theo đáy chữ U, do đó mức tăng trưởng GDP 5,5% mà Quốc hội đặt ra là khá khó khăn.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm nay cũng có nhiều yếu tố thuận lợi giúp tăng tổng cầu và sức mua như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Do đó, vẫn có khả năng đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng, tuy nhiên, phải rất cần sự nỗ lực của các bộ, ngành mới có thể đạt được mục tiêu này./.

Theo VOVnews


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất