Các ngân hàng thương mại nhà nước sau cổ phần hóa đã thực hiện rất tốt vai trò dẫn dắt thị trường, trở thành một trong những lực lượng vật chất hiệu quả của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách điều tiết vĩ mô thông qua thị trường tài chính - tiền tệ.
Việt Nam hiện có 5 ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Ngay từ đầu những năm 2000, Chính phủ đã có kế hoạch cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đưa lĩnh vực ngân hàng – tài chính Việt Nam phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực.
Cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước được thực hiện theo các nguyên tắc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại nhà nước phát triển nhanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục là nòng cốt trong cung cấp dịch vụ ngân hàng và nắm giữ thị phần lớn, chi phối.
Vietcombank, Vietinbank và MHB đã cổ phần hóa xong, BIDV đang trong những bước cuối cùng còn Agribank cũng đang tích cực tiến hành cổ phần hóa.
Tháng 12/2007, Vietcombank là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên chính thức đấu giá công khai cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu bước đi đầu tiên của Chính phủ trong việc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước.
Tháng 12/2008, Vietinbank cũng tổ chức thành công việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tiếp tục khẳng định bước đi đúng đắn của Chính phủ trong tiến trình cổ phần hóa, cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước. Tháng 7/2011, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã IPO thành công.
Sau khi cổ phần hóa, cả Vietcombank, Vietinbank và MHB đều tích cực đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động, từng bước triển khai các giải pháp để trở thành ngân hàng có quy mô lớn trong khu vực.
Hiện nay, Vietcombank và Vietinbank là hai ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường, tổng tài sản đã tăng nhiều lần so với thời điểm năm 2001.
Sau cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng của hai ngân hàng này luôn ở mức cao trên tất cả các lĩnh vực. Các chỉ số tài chính chủ yếu đều đạt ở mức cao và đảm bảo các chỉ số an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất trong toàn hệ thống.
Đây cũng là hai ngân hàng luôn giữ vững được vai trò chủ đạo và chủ lực, đáp ứng tốt nhu cầu vốn và dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện có kết quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.
Trong năm 2011, cùng với BIDV (chuẩn bị IPO), Vietcombank, Vietinbank chính là những đầu tàu, dẫn dắt hệ thống ngân hàng thực hiện tốt các chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội của chính phủ.
Mấu chốt thành công
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 8/12/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã coi việc cổ phần hóa thành công một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn là điểm sáng, là thành công quan trọng của công tác đổi mới DNNN.
Thủ tướng cho biết, trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước sau cổ phần hóa đã thực hiện rất tốt vai trò dẫn dắt thị trường, trở thành lực lượng vật chất hiệu quả của chính phủ trong thực hiện các chính sách điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế thông qua thị trường tài chính – tiền tệ.
Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Huy Hùng- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank cho rằng mấu chốt thành công của Vietinbank thời gian qua chính là tầm nhìn và các giải pháp đổi mới quản lý, hoạt động.
“Ngay từ những năm 2000, chúng tôi đã được xác định để trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, được xếp hạng cao trên thế giới. Chủ trương cổ phần hóa Ngân hàng thương mại nhà nước đã thực sự tạo ra động lực và những điều kiện rất tốt để Vietinbank đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước vững chắc thực hiện chiến lược phát triển”, ông Phạm Huy Hùng nói.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm những đối tác nước ngoài lớn, thực sự có tiềm năng cả về vốn, giá trị thương hiệu cũng như kinh nghiệm quản lý là một trong những nguyên nhân chính của thành công.
Đối với Vietinbank, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Nova Scotia với tỉ lệ 15% vốn điều kệ theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Nova Scotia là ngân hàng có quốc tịch Canada, và là 1 trong 10 ngân hàng lớn nhất thế giới. Hai bên hiện đang tiến hành đàm phán để sớm hoàn thành giao dịch trong thời gian sớm nhất. Đây được cho là bước quan trọng để Vietinbank thực hiện mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính – ngân hàng được xếp hạng cao trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Còn đối với Vietcombank, tháng 9/2011, ngân hàng này đã bán 347,6 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 15% vốn tính trên số cổ phiếu đã phát hành đang lưu hành cho Ngân hàng Mizuho – Nhật Bản.
Ngân hàng Mizuho (MHCB) chiếm gần 74% vốn chủ sở hữu của tập đoàn Mizuho- một trong số những định chế tài chính lớn nhất thế giới. Việc MHCB đầu tư vào Vietcombank được kỳ vọng sẽ giúp Vietcombank duy trì vị thế dẫn đầu tại thị trường Việt Nam, mở rộng ra thị trường quốc tế cũng như đạt được mục tiêu nằm trong nhóm 70 tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á ngoài Nhật Bản trước năm 2020./.
(Xuân Tuyến/VGP News)