Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách
Thứ Năm, 1/12/2011 20:36'(GMT+7)

Thực hiện giảm đầu tư công, ưu tiên các công trình dân sinh

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ông Nguyễn Doãn Khánh, Bí thư tỉnh Phú Thọ.

Phú Thọ: Tập trung vốn cho các công trình trọng điểm

Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, Bí thư tỉnh Phú Thọ, năm 2011, tỉnh đã cắt giảm hơn 90 tỷ đồng trong vốn đầu tư các công trình xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách.

Thay vào đó, tỉnh Phú Thọ tập trung vốn vào 3 nhóm công trình thiết yếu, trọng điểm.

Thứ nhất, đó là dành vốn cho các tuyến đường trọng điểm quốc gia trên địa bàn như tuyến đường xuyên Á, các đường 32A, 32C, tuyến đường Chiến thắng Sông Lô, tuyến đường Âu Cơ. Có thể nói đây là hệ thống giao thông huyết mạch, không chỉ gắn Phú Thọ với các tỉnh Tây Bắc mà kết nối chung với các tỉnh miền Bắc và đặc biệt là những tuyến đường xuyên Á.

Ông Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, trong phát triển kinh tế thì hạ tầng đóng vai trò hết sức quan trọng, đây cũng là điều kiện để cải thiện môi trường thu hút đầu tư. Nếu giải quyết tốt bài toán về giao thông sẽ góp một phần rất quan trọng cùng các hạ tầng khác cải thiện môi trường đầu tư, huy động được nguồn lực xã hội, đặc biệt là thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn.

Nhóm công trình thứ hai là đường kết hợp với đê. Trong những năm vừa qua, nông nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng và trở thành một trong những lý do, điều kiện thuận lợi, đồng thời đóng góp vai trò to lớn trong việc ổn định tình hình lạm phát và kiềm chế lạm phát. Nông nghiệp cũng gắn với vấn đề an sinh xã hội vì trên 70% dân cư của tỉnh Phú Thọ là sống bằng nông nghiệp. Bởi vậy, việc kiên cố hoá các tuyến đê gắn với giao thông đóng vai trò quan trọng là phòng chống được thiên tai và giữ được sản xuất nghiệp ổn định. Các cụ ta xưa có nói "nông suy thì bách nghệ suy", nông nghiệp giữ được ổn định và phát triển thì các ngành khác cũng phát triển và vấn đề đời sống, vấn đề an sinh, vấn đề an ninh khu vực địa bàn nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như từng tỉnh sẽ được giữ vững.

Nhóm thứ ba là hoàn thiện thiết chế về lĩnh vực xã hội. Ông Nguyễn Doãn Khánh cho biết, trong thiết chế này tỉnh tập trung hoàn thiện việc kiên cố hoá hệ thống trường lớp theo chương trình kiên cố hoá của Chính phủ, cũng như vốn đầu tư của địa phương. Tiếp đến là thực hiện chuẩn hoá y tế. Sau đó là hoàn thành toàn bộ thiết chế văn hoá tức là các nhà văn hoá của khu dân cư.

Ông Nguyễn Doãn Khánh cho biết, hiện còn gần 300 nhà văn hoá trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chưa xây dựng được thì đều ở những địa bàn khó khăn nên tỉnh dự kiến là trong kỳ họp HĐND tới quyết định nâng mức hỗ trợ cho các nhà văn hoá sẽ xây dựng trong thời gian tới là 50 triệu đồng. Như thế đối với những khu vực đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhiều hơn để hoàn thành đúng thời hạn cũng như đảm bảo được chất lượng để phục vụ nhân dân.

Ông Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Sơn La: Khó khăn vẫn dành ưu tiên cho những con đường trong dân

Ông Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện tiết kiệm chi, giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Sơn La đã cắt giảm trên 80 công trình, với 157 tỷ đồng.

Trong tình hình chung, tỉnh Sơn La đã xác định cụ thể những công trình trọng điểm cần được ưu tiên đầu tư. Trong đó, một là, tuyến đường liên xã của các huyện. Bởi có những tuyến đường liên quan đến 7-8 xã mà hiện nay vẫn chưa được rải nhựa, hoặc bê tông hóa, hiện chủ yếu là đường đất chưa đi được 4 mùa.

Hai là, hệ thống thủy lợi cần được đẩy mạnh triển khai để đảm bảo tưới tiêu cho đồng ruộng đủ nước sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân.

Ba là, các trường học, bệnh viện.

Bốn là, hệ thống kè sông, suối, các công trình khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống bão lũ đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Ông Cầm Ngọc Minh cho biết, trong việc tổ chức triển khai các tuyến đường giao thông trong toàn tỉnh, tỉnh Sơn La còn 78 xã/188 xã chưa có đường rải nhựa. Đây cũng là những xã đặc biệt khó khăn, nếu đầu tư thì tốn kém rất lớn.

“Mặc dù khó khăn nhưng địa phương vẫn xác định chú trọng các công trình dân sinh phục vụ nhân dân. Tỉnh Sơn La mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, đồng thời địa phương sẽ nỗ lực huy động các nguồn lực để triển khai các tuyến đường đến trung tâm xã đi được 4 mùa cho bà con”, ông Cầm Ngọc Minh nói.

Ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thừa Thiên Huế: Ưu tiên các công trình giáo dục, y tế

Trao đổi vể việc đầu tư một số công trình dân sinh trong tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, theo ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc đầu tư trường học được thực hiện theo chương trình kiên cố hóa của Chính phủ từ nguồn vốn trái phiếu. Đồng thời, trên cơ sở đó huy động các tổ chức trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ đầu tư cho trường học.

Hiện nay, một số dự án trên địa bàn tỉnh đang kết hợp thụ hưởng từ chương trình Câu lạc bộ A-un của Nhật Bản hỗ trợ đầu tư trong 3 năm xây dựng 30 trường tiểu học. Rồi với các công trình trường học khác thì ngoài ngân sách của địa phương năm nay tỉnh cũng huy động nhiều nguồn vốn, tăng cường xã hội hóa để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục-đào tạo.

Đối với y tế, tỉnh đang cố gắng tập trung hoàn thiện, nâng cấp các bệnh viện y tế tuyến huyện, các phòng khám đa khoa khu vực, các bệnh viện chuyên ngành, chuyên khoa. Với tuyến y tế cơ sở, tỉnh kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ ngoài, đang xây dựng mới và tầng hóa 73 trạm y tế cơ sở, đồng thời tổ chức đào tạo để nâng cao trình độ và tăng cường trang thiết bị cho trạm y tế.

Ông Ngô Hòa cho biết, cũng nằm trong các chương trình dân sinh của tỉnh Thừa Thiên - Huế, để đạt mục tiêu 152 xã, phường thị trấn trong toàn tỉnh đều có bác sĩ, hiện địa phương cũng chú trọng đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng. Tiền đầu tư từ ngân sách địa phương, liên kết với trường Đại học Y Dược đào tạo cán bộ y tế cho tỉnh nhà và các tỉnh lân cận.

Theo ông Ngô Hòa, đối với giảm đầu tư công, vấn đề đặt ra là trong một loạt các công trình cần đầu tư thì cần biết sắp xếp các công trình trên khả năng nguồn vốn mà khả năng có thể cho phép được, đặc biệt là các công trình chuyển tiếp. Với những công trình mới, nếu thấy cấp thiết, có thể tạo ra những đột phá với kinh tế- xã hội của địa phương thì tỉnh sẽ báo cáo Trung ương để xin chủ trương tiến hành./.

(Theo: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất