Trong khi Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đang ngồi ở phòng Bầu dục trong Nhà Trắng bàn về tương lai của giải pháp hai nhà nước Pa-le-xtin và I-xra-en cùng tồn tại, thì ở đâu đó trên các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin, bạo lực vẫn leo thang căng thẳng. Nhưng dù sao chuyến thăm Mỹ vừa kết thúc của Thủ tướng I-xra-en vẫn mang lại chút nào đó hy vọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông sau một thời gian dài gần như bị “bỏ rơi” giữa một loạt vấn đề quốc tế nóng bỏng nổi cộm.
Thực tế là trong chuyến thăm, chương trình nghị sự giữa Mỹ và I-xra-en còn bao gồm nhiều chủ đề trọng tâm như quan hệ song phương, an ninh của I-xra-en, chương trình hạt nhân I-ran hay cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Tuy nhiên, trong bối cảnh máu đang tiếp tục đổ trên các vùng lãnh thổ của người Pa-le-xtin do các cuộc đụng độ kéo dài suốt mấy tuần qua, dư luận lại mong muốn nhiều hơn là được thấy những nỗ lực mới của Oa-sinh-tơn cùng thiện chí của I-xra-en trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông ở cuộc gặp lần này.
Hơn nữa, trong bối cảnh Tổng thống B.Ô-ba-ma sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ, người ta cũng muốn xem nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có những nỗ lực cuối cùng ra sao để tránh cho “bảng thành tích đối ngoại” khá ấn tượng trong nhiệm kỳ của mình bị tì vết. Không thể phủ nhận ông B.Ô-ba-ma đã ghi được nhiều dấu ấn nhiệm kỳ quan trọng trong chính sách đối ngoại khi Mỹ đã bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Cu-ba và đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với I-ran.
Tuy nhiên, chính sách Trung Đông trong vòng 7 năm qua dưới nhiệm kỳ của Tổng thống B.Ô-ba-ma lại thất bại hoàn toàn khi vẫn chưa đem lại một nền hòa bình thực sự cho khu vực, nếu không muốn nói là tình hình đang có chiều hướng xấu đi, bất chấp các nỗ lực của Oa-sinh-tơn.
Kết quả chuyến thăm không nằm ngoài dự đoán khi không có gì nổi bật. Vẫn là những lời lẽ ngoại giao quen thuộc được đưa ra trong cuộc gặp và hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và I-xra-en. Tổng thống B.Ô-ba-ma bày tỏ mong muốn thảo luận với người đứng đầu Chính phủ I-xra-en về khả năng nối lại các vòng đàm phán hòa bình sau những căng thẳng gần đây giữa người Pa-le-xtin và I-xra-en. Đáp lại, Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu khẳng định, ông vẫn chưa từ bỏ nỗ lực đem đến hòa bình với người Pa-le-xtin và ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Để không chỉ là những lời nói suông, cả Mỹ và I-xra-en cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, không chỉ bằng ý chí chính trị chung mà còn phải bằng cả hành động. Nhưng tiếc rằng, kể từ sau tuyên bố lịch sử của Tổng thống B.Ô-ba-ma năm 2008 về “một sự khởi đầu mới” trong mối quan hệ giữa Mỹ với thế giới A-rập tại Cai-rô nhân chuyến công du tới Ai Cập khi ông mới nhậm chức, vẫn chẳng có “sự khởi đầu mới” nào xuất hiện. Sự cảm thông hiếm hoi của người đứng đầu chính quyền Oa-sinh-tơn đối với dân tộc Pa-le-xtin khi đó thực sự đã tạo ra tâm lý phấn chấn cho người Pa-le-xtin. Với niềm hy vọng mới nhen nhóm, họ đã bàn luận nhiều tới khẩu hiệu “Có, chúng ta có thể làm được” mà ông B.Ô-ba-ma đã sử dụng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ lần đầu tiên vào năm 2009. Còn nhớ khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Pa-le-xtin, Ma-mút Áp-bát (Mamud Abbas) đã gọi thông điệp của Tổng thống Mỹ là “sự khởi đầu tốt đẹp”, hướng tới một chính sách mới của Mỹ ở Trung Đông. Ông B.Ô-ba-ma nói rằng: “Hoàn cảnh của người dân Pa-le-xtin thật không thể chịu đựng được. Và nước Mỹ sẽ không quay lưng lại với khát vọng chính đáng của người Pa-le-xtin để có được nhân phẩm, cơ hội và một nhà nước của chính mình”.
Nhưng niềm hy vọng đã nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng và gần như tắt ngấm ngay trong những năm đầu cầm quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma, khi Tổng thống Mỹ còn đang bận bịu với chương trình nghị sự bộn bề.
Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và I-xra-en lần này thu hút nhiều sự chú ý nhưng đúng như dự đoán, không có bước đột phá nào cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Nhưng dù sao cũng cần ghi nhận đây là cơ hội hiếm hoi để hai bên nhất trí quan điểm chung, đó là thúc đẩy hòa bình ở khu vực, hướng tới giải pháp 2 nhà nước, sau một thời gian dài hai nhà lãnh đạo “không nhìn mặt nhau”. Đây sẽ là cơ sở để cho các mối quan hệ hợp tác sau này hướng tới thực thi giải pháp 2 nhà nước đã được các bên đồng thuận này, cho dù hiện thực còn rất xa vời.
Lịch sử xung đột Pa-le-xtin và I-xra-en đã chứng minh luôn nảy sinh nhiều nhân tố bất ngờ cản trở tiến trình hòa bình. Nhưng tựu chung lại, mấu chốt vẫn là do những mâu thuẫn cố hữu mà cốt lõi là vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Các yếu tố tác động từ bên ngoài, bao gồm chính sách Trung Đông của Mỹ, mặc dù có vai trò ảnh hưởng đáng kể, nhưng tiếc là trong suốt cả một thời gian dài, chính sách này hầu như không có thay đổi nào cho phù hợp do luôn chịu chi phối của mối quan hệ đồng minh Mỹ - I-xra-en. Vẫn chưa rõ trong hoàn cảnh sắp kết thúc nhiệm kỳ, liệu Tổng thống B.Ô-ba-ma có chấp nhận đối mặt với các thế lực và các nhóm vận động hành lang của người Do Thái đầy quyền lực để thực thi một chính sách Trung Đông cân bằng hơn hay không? Thực tế là trong vấn đề bình thường hóa quan hệ với Cu-ba và ký thỏa thuận hạt nhân với I-ran, ông B.Ô-ba-ma đã quyết tâm thực hiện chính sách của mình bất chấp sự phản đối của các thế lực chống đối trên chính trường.
Nhưng cho dù thay đổi thế nào (nếu có), chính sách mới của Oa-sinh-tơn cũng phải bảo đảm sự tôn trọng đối với các quyền của dân tộc Pa-le-xtin, của người dân Pa-le-xtin, được cho là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự ổn định lâu dài và hòa bình bền vững ở khu vực. Và người dân Pa-le-xtin phải là một phần của bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột. Nếu không, sự thất vọng sẽ lại biến thành những cuộc đụng độ đẫm máu trên các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin bị chiếm đóng như những gì đang diễn ra hiện nay ở Giê-ru-xa-lem, dải Ga-da hay khu Bờ Tây.
Một trong những mục tiêu chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng I-xra-en được cho là nhằm “hâm nóng” mối quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Ten A-víp vốn trở nên lạnh nhạt sau khi Mỹ nằm trong nhóm P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử với I-ran. Trước đó là những bất đồng liên quan tới chính sách mở rộng khu định cư Do Thái của I-xra-en trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Ngoài vấn đề hạt nhân I-ran, tiến trình hòa bình Trung Đông cũng là một “nút thắt” quan trọng đóng vai trò chi phối mạnh mẽ đối với mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và I-xra-en. Nếu “nút thắt” này được cởi bỏ đương nhiên sẽ góp phần hóa giải phần lớn những khúc mắc trong mối quan hệ giữa hai đồng minh này.
Đó là chưa kể với cả Mỹ và I-xra-en, tiến trình hòa bình Trung Đông nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của mỗi nước. Việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin có chủ quyền vốn là một mục tiêu nằm trong “lợi ích an ninh quốc gia” của Mỹ. Còn I-xra-en cũng sẽ nhẹ gánh phần nào trong vấn đề an ninh nếu cuộc xung đột với người Pa-le-xtin được giải quyết.
Còn trên bình diện khu vực, một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Pa-le-xtin và I-xra-en rất có thể sẽ mở ra xu hướng ôn hòa, hợp tác trong tương lai giữa rất nhiều chủ thể vốn bất đồng ở “chảo lửa” Trung Đông nóng bỏng.
Hơn lúc nào hết, đã tới lúc Mỹ - với tư cách quốc gia chính bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông, cần phải thay đổi cách thức giải quyết vấn đề, tránh đi vào “lối mòn” không hiệu quả hiện nay. Theo Tiến sĩ Mu-ha-mát Sơ-tay-ê (Muhammad Shtayyeh), Chủ tịch Hội đồng Phát triển và Tái thiết kinh tế Pa-le-xtin, Mỹ nên làm việc với nhiều đối tác quốc tế hơn để có một cục diện đa phương mới cho hòa bình Trung Đông. Nếu đã có một Hội nghị Giơ-ne-vơ cho I-ran, với công thức “P5+1” thành công, thì tại sao lại không thể có một hội nghị quốc tế cho Pa-le-xtin, bao gồm nhóm Bộ Tứ, các nước A-rập và các chủ thể quốc tế khác?
Tiến sĩ M.Sơ-tay-ê kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ hãy thực hiện lời hứa mang công lý, hòa bình và an ninh đến vùng đất Thánh và đánh bại vòng xoáy bạo lực, cực đoan trong khu vực. “Đó sẽ là di sản ông để lại cho các thế hệ mai sau”.
Tổng thống B.Ô-ba-ma vẫn còn hơn một năm nữa trước khi kết thúc nhiệm kỳ để xoay chuyển tình hình bằng những chính sách được trông đợi sẽ hiệu quả hơn, quyết liệt hơn, góp phần đem lại hòa bình, ổn định cho khu vực.
Mỹ Hạnh/QĐND