XÃ HỘI KHÔNG BAO GIỜ THIẾU NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT
Một xã hội văn minh, tiến bộ bao giờ cũng dựa trên nền tảng cơ bản là tôn trọng, đề cao các giá trị chân - thiện - mỹ và tất cả những cá nhân, tổ chức làm nên các giá trị ấy. Một nền báo chí nhân văn bao giờ cũng lấy dòng chủ đạo thông tin người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội làm kim chỉ nam trong hoạt động tuyên truyền. Bởi một trong những sứ mệnh của báo chí là nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng, mang đến cho công chúng thông điệp tốt đẹp từ chính những tấm gương cá nhân, tập thể đã nỗ lực học tập, công tác tốt, tự nguyện cống hiến, hy sinh vì mục tiêu cao cả của cộng đồng, xã hội và đất nước.
Xã hội ta hiện nay có thiếu người tốt, việc tốt không? Chắc chắn người làm báo nào cũng hiểu rằng, với một đất nước gần 100 triệu dân thì xã hội ta không những không thiếu người tốt, việc tốt, mà những tấm gương này thường xuyên xuất hiện ở mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, mọi địa bàn, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Hay nói cách khác, hầu như ở đâu có tổ chức, có hoạt động là ở đó có những con người tốt, việc làm tốt. Thế nhưng tại sao thời gian gần đây, trên nhiều mặt báo, nhiều trang điện tử, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình lại thưa thớt, thiếu vắng những nhân vật, những tấm gương đã góp phần làm nên những giá trị tiến bộ của xã hội? Phải chăng những người tốt, việc tốt thời nay không đủ sức lôi cuốn và làm lay động tâm can người cầm bút, cầm máy? Hay phải chăng một số cơ quan báo chí và người làm báo đã trở nên sao nhãng, thờ ơ, thậm chí lạnh lùng, vô cảm trước vẻ đẹp chân chính của những tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện xung quanh chúng ta?
Không ai yêu cầu báo chí lúc nào cũng chỉ nói toàn điều tốt, điều hay trong xã hội. Vì nếu chỉ ca ngợi, tô hồng một chiều cũng dễ làm báo chí phai nhạt, suy giảm tính chiến đấu - vốn là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Nhưng báo chí cũng không nên và rất cần tránh thông tin, tuyên truyền theo kiểu chỉ nhăm nhăm “săm soi” vào những mặt trái, tiêu cực của xã hội, khiến cho công chúng mỗi khi nhìn vào mặt báo, trang tin điện tử, hay khi nghe phát thanh, xem truyền hình lại có cảm giác bất an về xã hội. Nếu làm như vậy là báo chí đã vô hình trung “bôi đen” hình ảnh xã hội, gây ra tâm trạng hoài nghi, phân tâm lòng người và kéo theo hệ lụy là làm tâm thế xã hội bị rạn nứt - một trong những nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.
“MỎ VÀNG” LỚN CẦN TIẾP TỤC KHAI THÁC
Đừng đơn thuần nghĩ rằng, tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến sẽ ít người đọc, người nghe, người xem. Xét về bản tính của con người, ai cũng muốn học tập, tiếp thu những cái hay, cái tốt, cái đẹp của người khác. Quan trọng là người cầm bút, người cầm máy có đủ nhiệt huyết và tài năng để phác họa, lột tả được chân dung cũng như truyền tải thông điệp - thông qua những cử chỉ, việc làm, hành động cao cả của các tấm gương - đã mang đến cho xã hội, công chúng hay không. Trên thực tế, tự thân những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến đã có giá trị. Nhưng giá trị ấy sẽ có cơ hội phát huy, tỏa sáng khi được cấp trên và các cơ quan báo chí, nhà báo động viên, khích lệ kịp thời, đúng lúc. Vì được xã hội, cộng đồng và người khác tôn trọng, ngưỡng mộ là một trong những nhu cầu chính đáng của con người và đó cũng là động lực để người được khen ngợi, tôn vinh tiếp tục phấn đấu tốt hơn. Do vậy, việc báo chí thường xuyên quan tâm, coi trọng thông tin, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội mỗi ngày thêm lành mạnh, văn minh.
Ở một khía cạnh khác, được gần gũi, tiếp xúc, trò chuyện, tìm hiểu về những việc làm hay, cử chỉ đẹp, tinh thần tự nguyện cống hiến, đức tính hy sinh cao cả vì tập thể, cộng đồng, xã hội của những con người tốt cũng khiến ngòi bút của nhà báo trở nên nhân văn hơn, từ đó cái tốt, cái hay, cái đẹp của họ cũng sẽ tác động, lan tỏa, thẩm thấu vào trái tim, khối óc của người làm báo. Hay nói cách khác, một khi bền bỉ, kiên tâm khai thác về đề tài người tốt - việc tốt, tự thân nhà báo cũng sẽ có cơ hội học hỏi, tiếp thụ được nhiều nét đẹp nhân văn, tư duy tích cực, cách làm sáng tạo từ chính những tấm gương điển hình, những con người bình dị mà cao quý. Và đó cũng là một cách để người cầm bút, cầm máy tự trau dồi, hoàn thiện nhân cách bản thân.
Người tốt, việc tốt đang hiển diện ở khắp nơi trên đất nước ta. Nếu nhà báo chịu khó đi sâu vào cơ sở, đi sát quần chúng, lặn lội đến khắp các hang cùng ngỏ hẻm ở địa bàn nông thôn miền núi, ngược lên vùng sâu, vùng xa “cùng ăn, cùng ở” với đồng bào dân tộc thiểu số, hay chịu khó ra khơi, vào lộng với bà con ngư dân, tình nguyện đặt chân lên những hòn đảo ngày đêm có bộ đội canh giữ,… nhất định chúng ta sẽ có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu về muôn vàn tấm gương trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, huấn luyện chiến đấu, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội… Từ những chuyến đi thực tế như vậy, người cầm bút, cầm máy sẽ tìm được những “hạt ngọc, hạt vàng” lấp lánh trong “mỏ vàng” người tốt - việc tốt đang tiềm ẩn trên mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội.
THỂ HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CAO CẢ CỦA BÁO CHÍ
Báo chí có sứ mệnh cao cả là góp phần “khuyến thiện, diệt ác”, “phò chính, trừ tà”. Vì vậy, Luật Báo chí 2016 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản, chủ yếu của báo chí là “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến”. Bên cạnh đó, việc nhà báo và các cơ quan báo chí chủ động, tích cực tuyên truyền về chủ đề người tốt, việc tốt cũng không ngoài mục đích góp phần “vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân” (Điều 1); “Nêu cao tinh thần nhân văn” (Điều 4) và thể hiện “lương tâm và trách nhiệm của người làm báo” (Điều 10) - đã được nêu ra tại “Những điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” năm 2016.
Điều có ý nghĩa căn bản hơn, việc coi trọng tuyên truyền đề tài người tốt, việc tốt là thiết thực góp phần hiện thực hóa một trong những tiêu chí của cơ quan báo chí văn hóa là: “Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội”. Đây chính là một trong những mục tiêu quan trọng của phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” mà Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động mới đây vào đúng dịp kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Trên phương diện văn hóa chính trị, việc các cơ quan báo chí bền bỉ, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về đề tài người tốt, việc tốt là một cách học tập và làm theo tư tưởng, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sáng và nhà báo lỗi lạc của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người từng nhấn mạnh: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Do đó, báo chí có trách nhiệm, bổn phận giới thiệu, trân quý, nâng niu, cổ vũ người tốt, việc tốt, bởi theo Hồ Chí Minh, đây là việc làm giàu ý nghĩa nhân văn vì “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, và: “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc báo chí đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về người tốt, việc tốt để lan tỏa năng lượng tinh thần tích cực và trao truyền cảm hứng niềm tin cho xã hội, qua đó góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân” như Bác Hồ hằng mong ước. Kiên trì, thường xuyên tuyên truyền hiệu quả về đề tài nhân văn này là các cơ quan báo chí thể hiện rõ sứ mệnh văn hóa và trách nhiệm xã hội cao cả của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
ThS. Nguyễn Văn Hải