Thứ Bảy, 21/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 18/10/2012 20:18'(GMT+7)

Còn ai biết ru con?

Ảnh  minh họa

Ảnh minh họa

 “Công nghệ ru” thời hiện đại

Đến thăm cô bạn mới sinh con, thấy hai mẹ con đánh vật với nhau trên võng. Con bé cứ ọ ẹ, nhăn nhó mãi mà không chịu ngủ. Cô bạn kéo chiếc đài đĩa lại gần bật đĩa hát ru. Giọng hát ru ngọt ngào vang lên da diết “Cái cò đi đón cơn mưa...”. Con bé vẫn không chịu ngủ, tay chân quẫy đạp, miệng mếu máo. Cô bạn lại thay đĩa khác, giai điệu trữ tình Bét-thô-ven, Mô-za, Trai-côpxki vang lên cũng không làm con bé ngủ yên... Thấy vậy, bà ngoại cháu ôm bé vào lòng khe khẽ vỗ về và hát ru, lời hát không trầm đục, trong trẻo như nghệ sĩ Thúy Mùi nhưng lạ thay, con bé lim dim chìm vào giấc ngủ say nồng. Cô bạn cười ngượng nghịu, tắt đài, cất vào dưới ngăn tủ...

Cô bạn của tôi không là trường hợp hiếm. Với những người mẹ trẻ, nhất là chốn thành thị, việc ru con bây giờ đã có… đĩa CD làm hộ. Những âm hưởng ngọt ngào đầy màu sắc dân gian, cổ tích như “con cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về”, “cái ngủ mày ngủ cho ngoan, mẹ còn đi cấy đồng xa chưa về” hay “công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… được thay thế bằng những CD “chuyên dụng” dành cho các bé từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Đó là những đĩa nhạc symphony của Bét-thô-ven, Mô-za, Trai-copxki mang tên “âm nhạc cho trẻ em phát triển trí thông minh, sự sáng tạo”. Không phủ nhận tác dụng tốt của âm nhạc đối với sự phát triển trí não của trẻ nhưng đến nay chưa nghiên cứu nào khẳng định những đĩa nhạc trên có thể thay thế được lời ru truyền cảm của mẹ dành cho con.

Hát ru chìm vào quên lãng?

Theo nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, thể loại hát ru ra đời khá sớm, được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Mỗi vùng miền có những bài hát ru với giọng điệu riêng như ví ru em ở Hà Tĩnh, lý ru con ở Nam Trung Bộ… Nhưng dù ở vùng miền nào, mang âm sắc nào thì những bài hát ru đều ẩn chứa tính giáo dục và tính thẩm mỹ cao. Những lời hát ru góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách, thái độ ứng xử và bồi đắp thế giới tâm hồn thơ trẻ thêm phong phú. Những hình ảnh gợi cảm như cánh cò, đồng lúa, làng mạc, con cá, con tôm, vầng trăng, hàng cây, dòng sông… thấm đẫm tình người mang đậm bản sắc phong tục văn hoá qua lời hát ru êm ả của người mẹ đã gieo những hạt giống tốt lành về lòng nhân hậu, tình yêu thương con người, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong đứa con thân yêu của mình. Có thể bé còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa giáo dục sâu sắc về nhân tình thế thái hay cái hồn của dân tộc Việt trong những bài hát ru nhưng chắc chắn bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự chở che vĩnh cửu của người mẹ.

Khác với hàng triệu bà mẹ trên thế giới, phụ nữ Việt Nam nuôi con không chỉ bằng dòng sữa trắng trong ngọt lành mà còn bằng những lời ru thiết tha, trìu mến - “dòng sữa thứ hai” dành cho đứa con yêu. Nhưng đáng buồn là hình như trong xã hội hiện đại, “dòng sữa thứ hai” đang dần bị lãng quên. Sợ rằng đến một lúc nào đó, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên sẽ không còn biết đến khái niệm lời ru của mẹ và những lời ru từng làm nao lòng biết bao thế hệ mỗi khi nghĩ về tuổi thơ cũng chỉ tồn tại một cách rêu phong trong viện bảo tàng. 

Thanh Giang/Văn hóa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất