Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 24/10/2013 13:57'(GMT+7)

Con đường chông gai tới Giơ-ne-vơ

Hội nghị nhóm "Những người bạn của Xy-ri" tại Luân Đôn ngày 22/10. (Ảnh: Getty Images).

Hội nghị nhóm "Những người bạn của Xy-ri" tại Luân Đôn ngày 22/10. (Ảnh: Getty Images).

Nguy cơ tái bế tắc dù đã đi vào giải pháp

Những diễn biến phức tạp như trên dường như đang đe dọa tới triển vọng diễn ra Hội nghị quốc tế về Xy-ri lần thứ hai (Hội nghị Giơ-ne-vơ 2), nơi được hy vọng sẽ giúp giải quyết dứt điểm cuộc xung đột ở Xy-ri. Hiện nay, nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột đã và đang đi vào giải pháp, không còn bế tắc như trước đây khi cộng đồng quốc tế còn loay hoay tìm phương cách giải "bài toán hóc búa Xy-ri". Tuy nhiên, nỗ lực này đang có nguy cơ gặp bế tắc trở lại vì Liên minh Dân tộc Xy-ri, nhóm đối lập chính, vẫn tuyên bố sẽ không tới Giơ-ne-vơ nếu có sự tham gia của các nhân vật trong chính quyền Tổng thống An Át-xát và vai trò của ông An Át-xát không bị loại bỏ.

Tuyên bố trên của Hội nghị nhóm "Những người bạn của Xy-ri" rất có thể là một động thái nhằm thuyết phục phe đối lập Xy-ri ngồi vào bàn đàm phán ở Giơ-ne-vơ. Nhưng nỗ lực này xem ra cũng khó đem lại kết quả mong đợi vì chính Tổng thống An Át-xát dù tuyên bố sẵn sàng tham gia hội nghị, nhưng đồng thời khẳng định chưa có "các yếu tố thích hợp" để Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 diễn ra thành công. Ông An Át-xát cũng "giội một gáo nước lạnh" vào nỗ lực tổ chức Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 theo sáng kiến của Nga và Mỹ, khi tuyên bố đầy tự tin rằng, sẽ không từ chức và không thấy có bất cứ lý do nào khiến ông không nên tái tranh cử.


Các nước phương Tây và các nước A-rập hy vọng sẽ tổ chức hội nghị này vào tháng 11, nhằm khởi động quá trình chuyển giao chính trị để ông An Át-xát từ bỏ quyền lực. Nhưng xem ra triển vọng tổ chức hội nghị vẫn rất mờ mịt trong bối cảnh các bên đều theo đuổi những mục đích không thể nào chấp nhận đối với bên kia trên bàn đàm phán.


Lợi thế của ông An Át-xát


Trong khi con đường đi tới Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 còn lắm chông gai, các nhà quan sát và giới phân tích đang "đặt cược" vào khả năng tại vị của Tổng thống An Át-xát. Không thể phủ nhận hiện nay, cộng đồng quốc tế đang dành ưu tiên cho kế hoạch tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Xy-ri hơn là tìm cách loại bỏ ông. Chính Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri cũng khẳng định, ưu tiên này của Oa-sinh-tơn trong nỗ lực liên quan tới Xy-ri.


Rõ ràng không ai muốn loại bỏ Tổng thống An Át-xát vào lúc ông đang giữ vai trò là một đối tác tham gia tiến trình giải pháp vũ khí hóa học như vậy. Theo ông Ni-cô-lát Van Đam (Nikolas van Dam), học giả người Hà Lan chuyên nghiên cứu về Xy-ri: "Trên thực tế, thỏa thuận (tiêu hủy vũ khí hóa học) nói trên hợp pháp hóa sự tồn tại của chế độ Tổng thống An Át-xát, ít nhất là tới giữa năm 2014".


Nhiều học giả và nhà báo của Mỹ cũng đã thừa nhận, ông An Át-xát có lợi thế là lực lượng ủng hộ trung thành. Chung quan điểm với cây bút về Xy-ri, Mai-cơn Uây-ít (Michael Weiss) và ông Ri-chác Bét (Richard Betts) thuộc Đại học Columbia, cựu Đại sứ Mỹ tại Xy-ri, Ri-chác Mơ-phi (Richard Murphy) thừa nhận: "Ông An Át-xát có những người ủng hộ trung thành-yếu tố mà chúng ta đã bỏ quên khi đánh giá rằng, đã đến lúc ông ta phải đứng sang một bên".


Trong khi đó, dường như các cuộc tranh luận tại Oa-sinh-tơn về việc sử dụng vũ lực tấn công Xy-ri đã bớt nóng hơn trước rất nhiều. Các tin tức về cuộc chiến ở Xy-ri cũng đang nguội dần trên các phương tiện truyền thông. Cũng dễ hiểu bởi vấn đề Xy-ri hiện đã đi vào giai đoạn giải pháp. Còn có thành công hay không lại là câu chuyện của tương lai.


Xích mích đang xảy ra giữa Mỹ và A-rập Xê-út - nước ủng hộ phe đối lập Xy-ri, cùng động thái "quay lưng" với phe đối lập của Ca-ta mới đây, cũng là điều kiện thuận lợi cho quyền lực của ông An Át-xát. Ca-ta vừa qua đã bất ngờ đề nghị bình thường hóa quan hệ với chính quyền Xy-ri.


Ngoài ra, chính sự chia rẽ trong phe đối lập tại Xy-ri hiện nay đang là cơ hội để Tổng thống An Át-xát duy trì được quyền lực. Hội đồng dân tộc Xy-ri, tổ chức đối lập lớn nhất của Xy-ri ở nước ngoài đã tuyên bố sẽ từ bỏ Liên minh dân tộc Xy-ri và lực lượng cách mạng Xy-ri nếu liên minh này tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ 2. Sự chia rẽ này càng tạo động lực và tiếp thêm tự tin cho ông An Át-xát tái tranh cử để tiếp tục tại vị.
/.

Mai Nguyên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất