Những nguy cơ tiềm ẩn của bất ổn kinh tế vĩ mô làm chậm lại kinh tế toàn
cầu có thể trở thành đòn bẩy giúp ASEAN đẩy nhanh tiến trình cải cách
mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2019.
Đây là thông tin được công bố trong báo cáo vừa phát hành của Tập đoàn HSBC ngày 11/2.
DÒNG CHẢY THƯƠNG MẠI ĐỔ VÀO ASEAN
Cụ thể, trong bối cảnh tăng cường dòng chảy thương mại nội khối để bù
đắp thương mại toàn cầu đi xuống, các nền kinh tế ASEAN có thể cải thiện
phần nào tình hình thương mại đi xuống nếu sự dịch chuyển chuỗi cung
ứng từ Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc sang Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hỗ trợ các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ
trong nội khối ASEAN diễn ra thuận lợi sẽ khiến cho xu hướng dịch chuyển
này diễn ra sâu rộng hơn.
Việt Nam với lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ngày càng tăng
trở thành thị trường có thể hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển
thương mại đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dẫn chứng cụ thể, báo cáo từ Khối Nghiên cứu Kinh tế Tập đoàn HSBC quý
I/2019, một nền kinh tế khu vực châu Á nắm bắt được 1% lượng xuất khẩu
của Trung Quốc vào Mỹ hay 1% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào
Trung Quốc, GDP của thị trường đó sẽ tăng đáng kể.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong các thị trường với
tiềm năng tăng trưởng tăng tới 1,2%, đây là lợi thế mà Việt Nam có thể
tận dụng để đẩy mạnh hơn nữa dòng chảy thương mại trong nội khối ASEAN.
Ngoài ra, có thể kể đến một số bước tiến quan trọng đã thực hiện như
việc triển khai cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ trong khối ASEAN cho phép
các nhà xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn
thương mại cho hàng xuất khẩu.
Song song đó, cơ chế một cửa ASEAN (ASEAN Single Window) được triển khai
tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore, cho phép số hóa các hồ
sơ chứng từ thương mại trao đổi trong nội khối, cũng đồng nghĩa với việc
các dòng chảy hàng hóa giữa các thị trường sẽ giảm từ 5 - 10 ngày xuống
còn một ngày.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đẩy nhanh hơn nữa dòng chảy
hàng hóa và dịch vụ giữa các thị trường ASEAN, bao gồm việc triển khai
cơ chế một cửa ASEAN đến tất cả các thị trường trong khối, chuẩn hóa chi
phí và thời gian thực hiện các thủ tục hải quan giữa các nước Đông Nam Á
và cho phép sự dịch chuyển thuận tiện hơn nữa của các chuyên gia giữa
các thị trường trong khu vực.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, năm
2019 đã bắt đầu như một năm chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn khi
các thị trường đang dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục
chính sách thắt chặt, liệu Vương quốc Anh có đạt được một thỏa thuận về
Brexit hay không... dẫn đến các loại thuế thương mại và giá dầu có tiếp
tục biến động.
Trong bối cảnh những bất ổn này, ASEAN tiếp tục duy trì là một trong các
khu vực cởi mở và lạc quan nhất trên thế giới và trong năm 2019 khu vực
ASEAN có cơ hội tiếp tục phát huy thế mạnh này bằng việc tiếp tục đẩy
mạnh cải cách và tăng cường mở rộng tự do thương mại.
CƠ HỘI THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Mặt khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á đã làm dịu
hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nguồn vốn cần được hướng nhiều
hơn nữa vào các thị trường như Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines nơi
chuỗi cung ứng được kỳ vọng sẽ phát triển trong tương lai.
Đặc biệt, đòn bẩy giúp thu hút đầu tư vào ASEAN rộng rãi hơn nữa rất rõ
ràng, gồm: chi phí sản xuất hợp lý, tính ổn định của các thể chế, cải
thiện công nghệ, hàng rào thuế quan cho các sản phẩm đầu vào giảm và kỹ
năng lao động đang dần nâng cao.
Riêng Việt Nam, có nền tảng vững chắc của một nền kinh tế ủng hộ tự do
thương mại và tăng trưởng mạnh, dự báo tiếp tục duy trì là điểm đến đầu
tư thu hút cho các doanh nghiệp quốc tế.
Điển hình, báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng lượng vốn đầu tư nước
ngoài vào Việt Nam năm 2018 đạt 35,46 tỷ USD, với tổng vốn giải ngân
tăng 9,1%, đạt 19,1 tỷ USD làm cho năm 2018 trở thành năm thứ sáu liên
tiếp Việt Nam thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục.
Song song đó, các Hiệp định tự do thương mại (FTA) sẽ là một trong những
yếu tố giúp đẩy mạnh hơn nữa sức hút đầu tư từ Đông Nam Á như thu hút
thêm thành viên mới tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ
xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thông qua các hiệp định mới như Hiệp định
Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hiệp định tự do thương mại
ASEAN và Liên minh châu Âu...
Một lĩnh vực đáng chú ý nữa là đầu tư vào kinh tế kỹ thuật số, cải thiện
kết nối kỹ thuật số và đầu tư vào không gian kỹ thuật số của ASEAN nhằm
hỗ trợ lượng người tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh trong khu vực có
thể tạo nền tảng vững chắc cho tiềm năng tăng trưởng chuỗi cung ứng của
ASEAN, đồng thời tạo sức hấp dẫn thu hút các công ty đa quốc gia và các
nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kế hoạch tổng thể cho Kết nối ASEAN đến năm 2025 (ASEAN
Connectivity 2025), cho thấy công nghệ mới và kinh tế mạng có thể đem
lại tác động về lợi ích kinh tế gia tăng cho ASEAN vào khoảng 220-650 tỷ
USD cho tới năm 2030.
Bên cạnh đó, các thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN.
Trên cơ sở đó, thách thức lớn nhất cho ASEAN sẽ đến từ các yếu tố tự
nhiên hơn là từ những sự kiện do con người tạo ra do Đông Nam Á là một
trong những khu vực nhạy cảm nhất với các vấn đề thiên tai trên thế
giới. Điều này, sẽ còn tồi tệ hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn
ra trong những năm gần đây.
Ngoài yếu tố về thiên nhiên, quá trình đô thị hóa đồng nghĩa với việc
đến năm 2030 trong khu vực Đông Nam Á có khoảng hơn 100 triệu người sẽ
chuyển đến thành thị, tạo ra nhiều áp lực lên các nguồn lực như thực
phẩm, sức khỏe, và cơ sở hạ tầng.
Đây cũng sẽ là vấn đề của Việt Nam với khoảng 15 triệu người chuyển tới
thành thị vào năm 2030, chiếm khoảng 16% dân số, theo ước tính của Liên
hợp quốc.
Đơn cử, các lĩnh vực cần tập trung để hướng đến một ASEAN bền vững hơn
như phát triển các chuẩn mực và cơ chế ưu đãi ở tầm khu vực (như hỗ trợ
chi phí tư vấn dịch vụ ngân hàng và tư vấn luật để thúc đẩy các khoản
vay hay trái phiếu xanh) giúp tăng tính hiệu quả về chi phí và từ đó
tăng sức hút của các công cụ tài chính này đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, khởi động chuyển đổi Mạng lưới Thành phố Thông minh (ASEAN
Smart Cities Network); thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng minh bạch với sự
tham gia của các ngân hàng, từ đó tạo ra nhu cầu thương mại và dẫn tới
các khoản vay hiệu quả.
Như vậy cho thấy, các nhà hoạch định chính sách ASEAN có rất nhiều ưu
tiên cần thực hiện trong năm nay và việc tiếp tục hội nhập khu vực là
yếu tố trọng yếu nhằm ứng phó lại các thách thức mang tính toàn cầu
trong năm 2019.
Các doanh nghiệp đang trông chờ những hành động phát triển cụ thể nhằm
giúp dòng chảy thương mại nội khối diễn ra dễ dàng hơn, khuyến khích đầu
tư quốc tế và tạo một tương lai vững bền.
Do đó, việc đạt được nhiều cải cách, hội nhập, và mở cửa trong năm 2019
sẽ giúp khu vực hiện thực hóa dòng chảy thương mại và tự bảo vệ mình
khỏi các rủi ro từ những biến động trên toàn cầu đang nhiều khả năng
diễn ra trong những năm tới.
Việt Nam đã đạt được những lợi thế đáng ghi nhận từ một nền kinh tế tăng
trưởng nhanh cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển của chính phủ.
Chúng ta cần tiếp tục phát huy lợi thế này để có thể hội nhập sâu hơn
nữa vào khu vực và tận dụng được nhiều lợi ích đến từ cơ hội toàn cầu
hóa./.
Mỹ Phương (TTXVN)