Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 30/8/2013 0:6'(GMT+7)

“Công Bằng là nhà, là quê hương thứ hai của mình”

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Nghệ An, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Vinh, năm 2006, Ngô Thị Thanh (sinh 1983) - dân tộc Kinh đã tình nguyện về dạy học tại trường THCS Chu Hương, THCS Bành Trạch, huyện Pác Nặm từ những năm 2006 đến năm 2008. Cũng chính trong thời gian này Thanh đã lập gia đình và gắn bó với quê hương xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm.

Không ngại khó, ngại khổ

Năm 2011, khi biết có Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo, Thanh đã có nguyện vọng tham gia và đã trúng tuyển.

Trong Thanh không khỏi có những băn khoăn trăn trở khi tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, điều hành còn lúng túng sẽ làm ảnh hưởng hưởng đến nhiệm vụ khi về công tại xã. Bản thân là người địa phương khác đến công tác nên Thanh vẫn lo mình chưa hiểu sâu về phong tục tập quán của bà con cũng như tiếng địa phương, nên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ sẽ gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Được người thân và gia đình động viên, khi cầm quyết định phân công về làm Phó Chủ tịch xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, Thanh xác định đây là cơ hội giúp những trí thức trẻ như mình được rèn luyện trưởng thành từ thực tiễn, có cơ hội để đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xã Công Bằng, nơi Ngô Thị Thanh đến công tác là một trong 10 xã nghèo của huyện Pác Nặm. Nằm cách trung tâm huyện 12km, có diện tích tự nhiên 5.335ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 480 ha, với 570 hộ và 2.849 khẩu với 6 dân tộc anh em: Tày, Dao, Sán Chỉ, Mông, Hoa và dân tộc Kinh cùng sinh sống ở 13 thôn bản.

 
 

Ngô Thị Thanh (đứng) chia sẻ kinh nghiệm công tác tại diễn đàn tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn vừa qua

Bên cạnh đó, Công Bằng còn là xã miền núi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Vì vậy, đời sống của nhân dân gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn cao, số hộ nghèo theo chuẩn mới năm 2013 là 282 hộ, chiếm 49,47%.

Với nhiều khó khăn trước mắt, nhưng với quyết tâm và ý chí của tuổi trẻ, Ngô Thị Thanh không hề băn khoăn và dao động với con đường đã lựa chọn, mà còn coi đó là là niềm tự hào, niềm vinh dự mà Đảng, Nhà nước nhân dân giao phó.

Ngay khi về xã, được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, tại xã Thanh đã được sắp xếp chỗ làm việc, chỗ nghỉ, có máy tính riêng để làm việc.

Thời gian rảnh rỗi, Thanh thường đi xuống thôn, bản để hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, tìm hiểu về phong tục tập quán, nét văn hóa của đồng bào dân tộc.

Không ngừng học hỏi

Trong thời gian đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, như: Trưởng Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham gia công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, chương trình 30a, … Thanh đã luôn được các đồng chí lãnh đạo quan tâm giúp đỡ, chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm trong giải quyết công việc. 

Phụ trách mảng Văn hóa - xã hội, Thanh đã nhanh chóng bắt tay vào việc và trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền trong nhân dân về lao động xuất khẩu mà trước đó trong xã chưa có trường hợp nào. Vừa là người trực tiếp đi phát tờ rơi và vừa tuyên truyền đến người dân, kết quả năm 2012 đã có 4 trường hợp được đi xuất khẩu đã bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhờ đó nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 54,07% năm 2012 xuống 49,47%.

Sang năm 2013, Thanh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về việc xuất khẩu lao động, con số người đăng ký lên tới 40, trong đó, gần 20 người sẽ được đi xuất khẩu lao động trong năm nay.

“Những đề xuất và việc làm của tôi đều đưa ra tập thể bàn bạc và được Đảng ủy – HĐND – UBND xã, các tổ chức đoàn thể và nhân dân ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ” – Thanh cho biết.

Chính từ việc gần gũi và hiểu được đời sống của bà con nhân dân nên trong mảng Giáo dục, Thanh đã tích cực tham gia vận động toàn dân đưa trẻ đến trường và ngày càng được đông đảo tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ vậy tỷ lệ trẻ từ 3-5 tuổi trong xã đi mẫu giáo đạt 100%, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. “Đối với những học sinh bỏ học tôi thường xuyên cùng với nhà trường đến động viên các em học sinh ra lớp” – Ngô Thị Thanh khẳng định.

Thanh còn cho biết thêm, đến nay xã đã thành lập được Câu lạc bộ người cao tuổi quy tụ chủ yếu các già làng, trưởng bản, những người có uy tín tham gia. Hàng tháng, trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ, Thanh đều sắp xếp công việc để dành thời gian đến tham dự cùng giao lưu văn nghệ và lồng ghép công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới các hội viên Câu lạc bộ.

Với những kết quả đạt được bước đầu, Thanh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cho riêng mình, đó là sự kiên trì, khiêm tốn, không ngừng học hỏi các đồng chí lãnh đạo, đồng nghiệp, bà con nhân dân. Thường xuyên đi xuống thôn bản để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương những nội dung phù hợp. Chủ động nghiên cứu và nắm bắt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, tăng cường học tiếng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

“Những tháng  ngày ở Công Bằng, tôi cảm thấy yên tâm công tác, tôi luôn coi các cô, các bác, các anh, các chị trong xã là người thân của tôi. Với tôi, nơi đây là nhà, là quê hương thứ hai của mình” – Ngô Thị Thanh chia sẻ.

 Hà Đông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất