Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 25/11/2008 19:33'(GMT+7)

Công bố kết quả 3 cuộc kiểm toán năm 2008

Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ (giữa) chủ trì họp báo - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ (giữa) chủ trì họp báo - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Tính đến hết 31/12/2007, tổng tài sản của EVN là 185.180 tỷ đồng, trong đó tổng tài sản của Công ty mẹ là 118.242 tỷ đồng, doanh thu năm 2007 gần 58.204 tỷ đồng, tăng 29,57% so với năm 2006. Doanh thu bán điện đạt 50.270,51 tỷ đồng tương ứng với tổng sản lượng điện tiêu thụ 58.444 triệu KWh, giá bán thực tế bình quân 860,14đ/KWh.

Cơ cấu tài chính của EVN khá vững chắc nhưng chưa tập trung nguồn lực cho mục tiêu chính

Theo kết quả kiểm toán, EVN đã có nhiều cố gắng trong việc huy động mọi nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh đồng thời cơ cấu tài chính của EVN khá vững chắc.

Khả năng thanh toán nợ của EVN tại thời điểm 31/12/2007 cơ bản đảm bảo. Khả năng thanh toán hiện hành (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) của Công ty mẹ là 1,85 lần, của EVN là 1,73 lần. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu khá lành mạnh, tại Công ty mẹ là 1,17 lần, EVN là 1,44 lần cho thấy EVN và Công ty mẹ có nội lực khá vững vàng. Tiền lương bình quân năm 2007 của khối sản xuất, kinh doanh điện EVN là 4,386 triệu đồng/người; khối các đơn vị cổ phần tư vấn xây dựng là 6,889 triệu đồng/người.

Báo cáo kiểm toán cũng chỉ rõ, trong tổng số vốn đầu tư tài chính dài hạn của EVN, thì lượng vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện (Viễn thông điện lực chiến 2,24% vốn đầu tư; chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, 4 lĩnh vực này chiếm 2,38% vốn đầu tư...) là 3.590,5 tỷ đồng, chiếm 7,22% vốn đầu tư và 4,82% tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy EVN chưa huy động và tập trung hết các nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu chính của EVN.

EVN đã thực hiện bán buôn điện nông thôn với giá ưu đãi nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân, tuy nhiên nông dân chưa được hưởng đầy đủ sự ưu đãi này và chất lượng dịch vụ chưa tốt do ở một số địa phương nông dân vẫn phải mua điện qua các tổ chức kinh doanh trung gian.

Kết quả kiểm toán đã điều chỉnh tăng doanh thu 70,567 tỷ đồng do hạch toán thiếu doanh thu, sai niên độ, điều chỉnh nguồn thu sự nghiệp sang doanh thu dịch vụ và xác định lại doanh thu nội bộ đối với lượng điện tự dùng để sản xuất điện của một số nhà máy điện

Cũng theo kết quả kiểm toán, tổn thất điện năng năm 2007 của EVN là 10,56%, vượt 0,06% so với kế hoạch EVN đề ra (10,50%). Tổn thất này không vượt quá tổn thất tại Đề án “Giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2004-2010” của Bộ Công nghiệp (cũ), nhưng nếu xét chỉ tiêu hạ mức tổn thất chung đến năm 2010 còn 8% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu này khó thực hiện. Nếu đến năm 2010, giảm tổn thất điện năng xuống còn 8% thì sẽ tiết kiệm được 1.439 tỷ đồng.

KTNN kiến nghị EVN thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thành viên nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc triển khai chậm, không đáp ứng tiến độ của một số dự án đầu tư hệ thống điện quốc gia. KTNN cũng kiến nghị với Chính phủ xem xét điều chỉnh giá bán điện theo nguyên tắc bù đắp được chi phí sản xuất, có mức lãi phù hợp, không bao cấp tràn lan, không bù chéo, đồng thời đảm bảo nguyên tắc nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp và các hộ sinh sống ở nông thôn.Việc điều chỉnh giá phải gắn với lộ trình cụ thể nhằm từng bước thực hiện chủ trương xoá bao cấp giá điện đối với hộ sản xuất nói chung, cũng như dần xoá bỏ tình trạng Nhà nước phải hỗ trợ qua bù chéo giá nhiên liệu.

Một số Ban quản lý dự án thuộc Bộ, ngành chưa làm tốt công tác thanh kiểm tra

Về kết quả kiểm toán việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản của các Ban quản lý dự án thuộc một số Bộ, ngành và địa phương cho thấy: Có tới 27/39 Bộ, ngành; 37/64 địa phương; 12/19 tập đoàn, tổng công ty chưa tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các nội dung chỉ đạo theo Chỉ thị số 17 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý tài sản của Ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa làm tốt công tác thanh kiểm tra; quá trình mua sắm tài sản, còn thiết sót về trình tự, thủ tục đấu thầu, xét nhà thầu...

KTNN kiến nghị thu hồi, điều chuyển, bán đấu giá... 156 xe ô tô, 159 xe gắn máy, 1 tàu công tác; thu hồi ngân sách nhà nước số tiền 1,827 tỷ đồng; kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, xác định trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền đối với các sai phạm mà KTNN đã phát hiện.

Phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng tại Dự án hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế)

Đối với Dự án hồ Tả Trạch (Dự án thuỷ lợi chống lũ, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp), kết quả kiểm toán cũng đã xác định và phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng với giá trị lớn trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và đấu thầu đối với hồ sơ thiết kế-dự toán.

KTNN kiến nghị giảm giá trúng thầu, đồng thời điều chỉnh giảm giá đã ký hợp đồng đối với các gói thầu có giá trị trúng thầu được duyệt sai chế độ là 128,6 tỷ đồng (bằng 8,95% giá trị trúng thầu được kiểm toán).

KTNN kiến nghị giảm giá trị dự toán được duyệt do tính sai chế độ quy định 72,623 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 516 triệu đồng, giảm thanh toán cho nhà thầu hơn 33 triệu đồng; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các cá nhân có sai phạm, đặc biệt là sai phạm trong việc lập và duyệt sai chi phí đầu tư làm tăng giá trúng thầu được duyệt trên 128 tỷ đồng, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đến 20/11/2008, KTNN đã triển khai 122/124 cuộc kiểm toán, đã kết thúc 90 cuộc (đạt 80% so với kế hoạch) và đã phát hành 71 báo cáo kiểm toán. Theo số liệu thống kê từ 71 báo cáo, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN và tăng thu khác, giảm chi NSNN, đưa vào quản lý qua ngân sách là 5.020 tỷ đồng


(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất