Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và phương châm hội nhập quốc tế
“chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, sâu
rộng và có nhiều sáng kiến, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh
vực hợp tác của ASEAN.
Ngày 18/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam tổ
chức phiên họp giải trình về Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) nhằm cung cấp thông tin cập nhật về Cộng đồng ASEAN, tình hình
triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN, giải đáp khó khăn, thuận lợi của
Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn
Hằng nhấn mạnh, năm 2015 là dấu mốc quan trọng khi ASEAN sẽ hoàn thành
xây dựng Cộng đồng vào ngày 31/12/2015, với ba trụ cột chính là Chính
trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội.
Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và phương châm hội nhập quốc tế
“chủ động, tích cực và có trách nhiệm,” Việt Nam đã tham gia đầy đủ, sâu
rộng và có nhiều sáng kiến, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh
vực hợp tác của ASEAN.
Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu về cơ hội và thách thức khi
tham gia vào Cộng đồng ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung
nhấn mạnh, tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan
trọng và thiết thực, mà bao trùm là góp phần duy trì môi trường hòa
bình, ổn định thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như triển
khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa, hội
nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Việt Nam sẽ được Cộng đồng ASEAN hỗ trợ bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông
Về Chính trị-An ninh, tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tạo dựng mối quan
hệ mới về chất giữa các nước Đông Nam Á theo chiều hướng hữu nghị, ổn
định, lâu dài và hợp tác toàn diện ngày càng chặt chẽ cả về đa phương và
song phương cũng như trong quan hệ giữa các Đảng cầm quyền, Chính phủ,
Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân.
Việt Nam có thể xác định lập trường phù hợp và phối hợp lập trường với
các nước ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế phức tạp;
hỗ trợ đáng kể cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở
Biển Đông.
Tham gia hợp tác ASEAN đã tạo những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam
nâng cao vị thế, mở rộng và tăng cường quan hệ song phương với các nước
ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN; tạo thế cho Việt Nam trong quan hệ
với các đối tác bên ngoài cũng như trong việc xử lý nhiều vấn đề khu
vực và quốc tế; giúp Việt Nam có nhiều kinh nghiệm để tham gia các hợp
tác liên kết khu vực rộng lớn hơn.
Làm rõ vấn đề quan tâm của nhiều đại biểu về hoạt động của ASEAN liên
quan ở Biển Đông, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu rõ, đảm bảo ổn định, hòa
bình và an ninh ở Biển Đông là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu
của các nước ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN.
Trước hết, các nước đối tác cũng như ASEAN nhất trí cho rằng việc bảo
đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông gắn chặt với vấn đề bảo đảm
hòa bình, an ninh khu vực Đông Nam Á và liên quan đến hòa bình, an ninh
kinh tế.
ASEAN đã có văn bản pháp lý, nguyên tắc liên quan đến vấn đề giải quyết
tranh chấp ở Biển Đông. Ví dụ như Hiến chương ASEAN đã nêu rất rõ về
nguyên tắc là tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia, giải quyết
hòa bình mọi tranh chấp. Đó là những nguyên tắc định hướng đối với quan
hệ các nước ASEAN, cũng như là giữa các nước ASEAN với đối tác.
Các cơ chế của ASEAN cũng là các diễn đàn để các nước trao đổi về những
quan tâm, lo ngại đối với những diễn biến ở Biển Đông. ASEAN cũng có
những cơ chế để bàn về những biện pháp thực hiện Tuyên bố về ứng xử của
các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó, có nhiều điều khoản, có những điều
khoản rất quan trọng là điều 5 và điều 6 liên quan đến việc các bên
không có những hành động có thể làm căng thẳng hoặc làm xấu đi tình
hình, vì vậy làm ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp.
Cùng với đó, Việt Nam và các nước ASEAN mong muốn sớm tiến tới thương lượng để xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các nước ASEAN cũng như các đối tác đã trao đổi về các biện pháp tạm
thời, các biện pháp mang tính chất là xây dựng lòng tin để giảm những
rủi ro, những biện pháp liên quan đến thiết lập đường dây nóng thông tin
cho nhau.
Cũng phải nói thêm là khi nói về vấn đề Biển Đông trong các hoạt động
của ASEAN thì bao gồm cả các nội dung rộng khác ví dụ như những hoạt
động liên quan đến hợp tác để chống cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia,
bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển, biến đổi khí hậu… Do
đó, vấn đề hợp tác ở Biển Đông cũng là một nội dung quan trọng trong
những trao đổi, hoạt động của ASEAN liên quan đến biển Đông.
Mở rộng thị trường nội khối
Về kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Cộng đồng
Kinh tế ASEAN được hình thành sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho các
nước thành viên ASEAN, trước hết đó là cơ hội mở rộng thị trường trong
nội khối với khu vực kinh tế hơn 600 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần
3000 tỷ USD.
Hàng rào thuế quan được loại bỏ, các hàng rào phi thuế được cắt giảm sẽ
giúp hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động lưu chuyển thông thoáng hơn, tạo
tiền đề nâng cao sức mạnh kinh tế của khu vực ASEAN.
Thị trường khu vực được liên kết là điều kiện thuận lợi để các doanh
nghiệp giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường
xuất khẩu. Hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt
Nam (sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu). Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội
tiếp cận các thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Việt Nam phát huy tiềm năng và lợi thế phát triển như dịch vụ du lịch,
vận tải hàng không, đồng thời tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp có
năng lực đẩy mạnh đầu tư ra các nước ASEAN.
Các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tuyển dụng lao động có trình độ
chuyên môn, kỹ năng từ các nước ASEAN để bổ sung vào nguồn lực có sẵn,
khắc phục tình trạng thiếu lao động trình độ cao hiện nay.
Trao đổi về những thách thức đối với nền kinh tế và doanh nghiệp nội
địa, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, thách thức về khả năng hoàn
thành các biện pháp, khả năng thực hiện cam kết của các nước theo Kế
hoạch tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN; nâng cao nhận thức của
xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các nước
thành viên mới, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ phải đối
mặt với sức ép cạnh tranh cao hơn từ hàng hóa ASEAN sau 2015.
Làm rõ hơn về tính tương thích của pháp luật Việt Nam hiện nay với việc
gia nhập Cộng đồng ASEAN, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho
biết, hệ thống pháp luật Việt Nam đã phù hợp với các cam kết của Việt
Nam trong ASEAN và đã đáp ứng được yêu cầu của việc tham gia xây dựng
hình thành Cộng đồng ASEAN.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn tiếp cận ở tình trạng
“thụ động,” tức là không vi phạm cam kết quốc tế mà còn “chủ động” tức
là khai thác các cơ hội hay “kẽ hở” của các điều ước quốc tế để Việt Nam
chủ động, chiếm lĩnh thành công không chỉ tại Việt Nam mà cả thị trường
đất nước khác trong ASEAN.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trước những băn khoăn của đại biểu, khi Cộng đồng ASEAN chính thức được
thành lập vào cuối năm 2015 về kỹ năng của nguồn nhân lực, lao động
thiếu hoặc không có kỹ năng sẽ đối mặt với khó khăn tìm việc làm, Thứ
trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, trong
dài hạn, Việt Nam sẽ có cơ hội dịch chuyển lớn về tỷ trọng lao động qua
đào tạo vì lao động không có kỹ năng sẽ không được di chuyển tự do, với
quy định này, lao động thiếu kỹ năng ít có cơ hội tìm việc làm ở các
nước ASEAN.
Khi Cộng đồng Kinh tế được hình thành năm 2015, sẽ cho phép dịch chuyển
lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia và lao động
có tay nghề trong ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan tới thương mại
và đầu tư qua biên giới.
Tám lĩnh vực nghề lao động trong Cộng đồng Kinh tế được tự do di chuyển
thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau gồm kế toán, kiến trúc sư,
nha sỹ, bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du
lịch. Điều này cho thấy yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cao, nhân
lực phải được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ đại học trở lên, thông
thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Trao đổi về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thứ trưởng Doãn
Mậu Diệp cho biết: Tăng cường công tác truyền thông về ASEAN và một số
các chương trình hợp tác quốc tế để dân chúng, người lao động, các doanh
nghiệp nhận thức đúng tầm quan trọng, sự cần thiết phải nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới, chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập.
Việt Nam tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng tăng
khả năng thực hành và kỹ năng nghề nghiệp cho người học, ưu tiên giáo
dục đào tạo nghề và giáo dục định hướng nghề nghiệp; tăng cường khả năng
sử dụng kỹ năng mềm như giao tiếp, ngoại ngữ, lập kế hoạch.
Trong tương lai không xa sẽ diễn ra việc công nhận lẫn nhau về trình độ
đào tạo, cơ hội dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN và thế giới, do
đó cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc phát triển nguồn
nhân lực và trong chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước
thời kỳ 2011-2020 để chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của
Bộ, ngành địa phương và tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi các nội dung về việc tiếp cận
thông tin của các doanh nghiệp, các pháp luật liên quan đến hệ thống
thuế, hải quan, xuất nhập cảnh, giao thông-vận tải, liên kết thị trường
tài chính, liên kết giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong
ASEAN, vai trò của Quốc hội đối với việc thúc đẩy hợp tác trong Cộng
đồng ASEAN./.
(TTXVN)