Các ngoại trưởng của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) sẽ tìm kiếm một giải pháp “toàn diện và bền vững” cho vấn đề
người Rohingya khi có cuộc gặp không chính thức tại Chiang Mai, miền Bắc
Thái Lan, vào cuối tháng này.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan - nước Chủ tịch ASEAN năm nay, đề
xuất trên được đưa ra trong một dự thảo tuyên bố chung, dự kiến sẽ được
đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không chính thức (AMM) từ ngày
17-18/1 tới.
Các nước ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết về một giải pháp “để giải quyết
các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột” ở bang Rakhine của Myanmar,
cũng như “tạo dựng một môi trường thuận lợi để các cộng đồng bị ảnh
hưởng có thể xây dựng lại đời sống”.
Trong văn bản này, các ngoại trưởng ASEAN cũng tái khẳng định sự ủng hộ
đối với Myanmar để hồi hương người tị nạn Rohingya từ Bangladesh một
cách an toàn cùng với sự hợp tác toàn diện của các cơ quan liên quan của
Liên hợp quốc.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, quyền điều phối viên
của Liên hợp quốc về vấn đề cư trú và nhân đạo tại Myanmar, ông Knut
Ostby, đã nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên xung đột ở Myanmar tìm
kiếm giải pháp hòa bình ở Rakhine trong bối cảnh nguy cơ xung đột giữa
quân đội chính phủ và phiến quân ly khai tại bang này đang ngày càng
hiện hữu.
Trước đó, hôm 4/1 vừa qua, phiến quân ly khai đã tấn công vào các đồn
cảnh sát ở bang Rakhine khiến 13 nhân viên cảnh sát thiệt mạng.
Quan chức Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại giao tranh bùng phát sẽ ảnh
hưởng đến các cộng đồng dân cư và dẫn tới một đợt di tản lớn, khiến nhu
cầu hỗ trợ nhân đạo tăng trong khi việc tiếp cận nhân đạo bị cản trở.
Quan chức của Liên hợp quốc chỉ rõ trong những tuần gần đây, có khoảng
4.500 người đã phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn do các cuộc xung đột, trong
khi chính quyền Myamar đang lên kế hoạch đẩy lùi nhóm nổi dậy Quân đội
Arakan tự xưng tại Rakhine.
Tháng 8/2017, quân đội Myanmar đã tiến hành chiến dịch truy quét các
phần tử nổi dậy tại bang Rakhine, miền Tây nước này, sau các vụ tấn công
của phiến quân nhằm vào một số chốt an ninh tại bang này.
Theo Liên hợp quốc, hơn 720.000 người Rohingya tại bang Rakhine đã sang tị nạn tại Bangladesh kể từ đó.
Tháng 11/2017, Myanmar và Bangladesh công bố một kế hoạch hồi hương
người Rohingya, nhưng không xúc tiến được vì nhiều trở ngại và hai bên
đổ lỗi cho nhau cản trở quá trình thực hiện thỏa thuận.
Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Myanmar đạt thỏa thuận với Cao ủy Liên hợp
quốc về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc
(UNDP) nhằm tạo điều kiện cho người Rohingya hồi hương./.
(TTXVN)