Mục tiêu giáo dục là bảo đảm cho học sinh, sinh viên phát triển toàn
diện cả về sức khỏe, đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và có ý thức tuân thủ
pháp luật, đề cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và đất nước. Để hiện
thực hóa mục tiêu này, một mình ngành giáo dục không thể kham nổi, mà đòi hỏi phải có sự
chung tay góp sức của toàn xã hội...
Có
những con số đưa ra làm chúng ta vui mừng, phấn chấn; nhưng cũng có con
số khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở. Đó là trong 6 tháng
đầu năm 2019, cả nước phát hiện khoảng 2.300 vụ phạm tội với hơn 3.600
tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên.
Thông tin trên được nêu ra tại Hội thảo “Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức mới đây tại TP. Hải Phòng.
Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có gần 13 vụ phạm tội với 20 tội phạm ở độ tuổi chưa thành niên. Nếu như trước đây, tội phạm chưa thành niên hầu hết là nam giới, thì trong nửa đầu năm nay, có 100 tội phạm là nữ giới. Xu hướng gia tăng các vụ phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên cũng như sự gia tăng vi phạm pháp luật của các “nữ quái” ở tuổi trăng rằm là hồi chuông rất đáng báo động.
Ngoài nguyên nhân từ mặt trái của quá trình hội nhập, mở cửa và mạng xã hội, còn một nguyên nhân căn bản dẫn đến thực trạng trên được các chuyên gia giáo dục, nhà văn hóa, nhà tâm lý đưa ra là do cha mẹ hoặc nuông chiều con thái quá, hoặc ngược đãi con đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ em.
Trong khi đó, môi trường học đường ở nhiều nơi chưa được vun trồng, bồi đắp những giá trị lành mạnh cũng khiến việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Cổ nhân đã đúc kết: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hàm ý của câu châm
ngôn này là trước khi chê trách, phê bình, đổ lỗi cho ai đó, trước hết,
mỗi người hãy tự xem xét trách nhiệm cá nhân mình đã làm đến nơi đến
chốn chưa. Soi vào việc giáo dục, rèn luyện trẻ em nói chung, học sinh
nói riêng, mỗi bậc phụ huynh và mỗi thầy, cô giáo cũng phải tự hỏi mình
đã làm tròn bổn phận, nghĩa vụ dìu dắt, chỉ bảo, dạy dỗ, kèm cặp con em
mình thật sự sâu sát, đúng mực, hiệu quả hay chưa.
Là người đi trước, người lớn thì phải có trách nhiệm làm bệ đỡ cho tâm
hồn trẻ em phát triển đúng hướng, lành mạnh. Tiếc rằng, có lúc, có nơi,
có người lớn chưa ý thức và thực hiện tốt điều này, khiến trẻ em bị rơi
vào tình trạng lệch chuẩn về đạo đức, lối sống.
Thế nên, không ngẫu
nhiên mà tại Diễn đàn quốc gia lần thứ 6 vừa diễn ra cuối tuần qua tại
Hà Nội, các em thiếu nhi đưa ra một số thông điệp khiến người lớn phải
thức tỉnh, như: “Bạo lực đối với trẻ em là hành vi hủy hoại tuổi thơ,
cần phải kiên quyết loại trừ”, “Không còn bạo lực ở nhà trường và gia
đình là hạnh phúc của trẻ thơ”, “Giá trị của con người không đến từ vật
chất mà đến từ lối sống, đạo đức tốt đẹp”…
Mục tiêu giáo dục là bảo đảm cho học sinh, sinh viên phát triển toàn
diện cả về sức khỏe, đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và có ý thức tuân thủ
pháp luật, đề cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và đất nước. Để hiện
thực hóa mục tiêu này đối với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên hiện
nay, một mình ngành giáo dục không thể kham nổi, mà đòi hỏi phải có sự
chung tay góp sức của toàn xã hội, của các ngành, các cấp và mỗi gia
đình.
Nhất là trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin thì càng phải có
sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, mật thiết hơn nữa giữa gia đình-nhà
trường-xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện, quản lý học sinh, sinh
viên. Bởi thực tế cho thấy, bất cứ một sự lỏng lẻo, sơ hở nào của một
trong 3 chủ thể giáo dục nêu trên đều có thể tạo ra những lỗ hổng làm
chênh chao, thậm chí nhấn chìm phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách
học sinh, sinh viên./.
Bảo Như (qdnd.vn)