Thứ Ba, 1/10/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 30/9/2008 21:22'(GMT+7)

Công nghệ cao: Có đi lên được từ… gia công, lắp ráp?

Đào tạo chuyên viên phầm mềm tại Công viên phần mềm Quang Trung

Đào tạo chuyên viên phầm mềm tại Công viên phần mềm Quang Trung

Phần thấp của... công nghệ cao

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, thì một vấn đề khó khăn đối với thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao là các tập đoàn lớn thường chỉ đặt bộ phận nghiên cứu triển khai ngay tại nước của họ.

Một trong các lý do là vì các doanh nghiệp này sợ sẽ bị ăn cắp bản quyền khi mang các nghiên cứu của họ ra nước ngoài. Cũng vì lý do này, những dây chuyền hiện đại nhất, những công đoạn sản xuất mang các bí quyết công nghệ cao của các tập đoàn lớn cũng ít được mang ra nước ngoài.

Một lý do khác, đối với các tập đoàn toàn cầu, các phòng nghiên cứu triển khai của họ thường được đặt tại doanh nghiệp mẹ, còn tại các doanh nghiệp thành viên, như các doanh nghiệp được đầu tư vào Việt Nam, họ chỉ triển khai các nghiên cứu đã được định hình từ tập đoàn, mà hoàn toàn không có nhu cầu xây dựng thêm một phòng nghiên cứu triển khai nào nữa.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực KHCN, bởi những lý do rất… hợp lý đó, mà hiện nay, ngay cả doanh nghiệp đã tuyên bố đầu tư cả tỷ USD tại khu công nghệ cao của Việt Nam cũng sẽ chủ yếu chỉ làm công việc… lắp ráp, đóng gói sản phẩm.

Ở một góc độ khác của công nghệ cao, trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh việc phát triển mô hình các công viên phần mềm (CVPM) tập trung với mong muốn phát triển nhanh lĩnh vực công nghệ rất cao, rất quan trọng này. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại các công viên phần mềm được những ưu đãi rõ rệt cho một ngành được ưu tiên khuyến khích phát triển.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, hiện nay phần lớn các CVPM của chúng ta được phát triển máy móc theo đơn vị hình thành, đơn vị chủ trì phát triển và điều kiện của địa phương, thiếu tính quy hoạch, thiếu tính liên kết. Các CVPM này chủ yếu mới chỉ giúp cho các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về giá thuê đất, văn phòng, hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới, hạ tầng viễn thông, thuế…

Các doanh nghiệp trong các CVPM vì có các ưu đãi này, có xu hướng tập trung nhiều vào gia công hoặc các dịch vụ phần mềm, nhằm tận dụng các ưu đãi, ít tạo ra sản phẩm sáng tạo. Theo ông Cường, nguyên nhân là môi trường để phát triển sáng tạo như các dịch vụ hạ tầng, dịch vụ hành chính, dịch vụ xúc tiến thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế để kích cầu thị trường… chưa đủ hấp dẫn đầu tư nghiên cứu phát triển sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Dù không muốn nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế đáng buồn là hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam chỉ đang làm phần thấp, nếu không nói là thấp nhất, trong cái quy trình công nghệ cao đó.

Phát triển từ nơi thấp nhất, cách nào?

Ông Nguyễn Đình Mai, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM nói rằng: thực ra cho dù các doanh nghiệp nước ngoài mang dây chuyền lắp ráp và đóng gói vào các khu công nghệ cao thì việc đóng gói, lắp ráp các sản phẩm đó cũng là một công nghệ không đơn giản như đối với các loại sản phẩm thông dụng khác.

Hơn nữa, điều đặc biệt quan trọng là việc có mặt của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam, cũng là một cách giới thiệu rất tốt về môi trường đầu tư, là cách để Việt Nam có thể được biết đến nhiều hơn trên bản đồ công nghệ thế giới.

Đối với việc phần lớn các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay đang làm công việc gia công phần mềm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng bày tỏ: “Trước đây, người Nhật cũng đã chia ra làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu là “làm cho Mỹ”. Sau đó, họ “làm với Mỹ”. Chúng ta cũng cần phải tích lũy kinh nghiệm, trải qua giai đoạn gia công phần mềm để từ đó phát triển”.

Quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng rõ ràng là một quan điểm đúng, nhưng vấn đề là làm sao để chúng ta có thể phát triển qua khỏi giai đoạn gia công, bởi nếu không có những chính sách đúng đắn, hợp lý, dài hơi và kịp thời, thì có thể ngành công nghiệp phần mềm của chúng ta sẽ tích lũy kinh nghiệm gia công phần mềm chỉ để… gia công phần mềm lâu dài!

Khi các đối tác của chúng ta xây dựng được thương hiệu ngày càng chắc chắn, thì các doanh nghiệp phần mềm của chúng ta sẽ phải làm gì để giới thiệu được thương hiệu riêng của mình, hay mãi mãi, công nghiệp phần mềm cũng sẽ giống như công nghiệp giày da, dệt may hiện nay: gia công là chủ lực? Cũng tương tự như vậy, vấn đề đặt ra với các khu công nghệ cao là chúng ta sẽ nghiên cứu thế nào, phát triển công nghệ nội sinh thế nào sau khi được thế giới biết đến Việt Nam?

Hiện nay, trong lúc chúng ta đang có nhiều khu phần mềm tập trung được xây dựng, nhiều khu công nghệ cao đang thu hút đầu tư, thì một định hướng - từ chính sách tổng thể đến định hướng thu hút đầu tư của các khu công nghệ cao, các CVPM - là cần thiết để bắt đầu đi lên từ gia công, từ lắp ráp. Đối với một lĩnh vực thay đổi liên tục như công nghệ cao, một mục tiêu phát triển nhanh hơn, cao hơn lúc nào cũng là cần thiết.

(Theo Báo SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất