Để công nghệ thông tin và viễn thông trở
thành công cụ hỗ trợ tốt cho Chính phủ, điều cần thiết chính là việc các
cấp, các ngành hiểu được vai trò quan trọng của công nghệ thông tin
trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trong công tác quản
lý; từ đó các địa phương mạnh dạn đầu tư vào hoạt động công nghệ thông
tin, củng cố và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng
cao...
Trong 2 ngày 25-26/8, tại huyện đảo Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam lần thứ XX năm 2016 với chủ đề “Công nghệ thông tin và truyền thông với biển - đảo Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, để đẩy mạnh và định hướng triển khai ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong giai đoạn tới, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ chính như: Phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo lập nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai minh bạch phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Là sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông tầm quốc gia diễn ra hàng năm, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ phân tích, thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm như: Công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; những giải pháp để triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đây là những vấn đề vừa có tính thực tiễn vừa có tính khoa học, liên quan đến phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, xây dựng Chính quyền điện tử mà Đảng, Nhà nước đang quyết tâm thực hiện.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã giới thiệu một số nội dung quan trọng về chính sách phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam như: Triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; hiện trạng hạ tầng viễn thông với bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển, đảo; giải pháp di động vệ tinh Vinaphone S kết nối biển, đảo; một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống - xã hội...
Một số tham luận của các đại biểu tập trung vào những giải pháp khả thi cho thông tin biển, đảo; hiện trạng, giải pháp xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin cho biển, đảo; hệ thống liên lạc cho tàu, thuyền của ngư dân; thông tin dự báo thời tiết cũng như các giải pháp bảm bảo môi trường xanh bền vững. Trong đó, một số thông tin về hỗ trợ ngư dân tiếp cận công nghệ thông tin cũng được các đại biểu tập trung thảo luận như: Các thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị đầu cuối, thiết bị tích hợp lắp trên tàu cá để nhận thông tin dự báo thời tiết, dự báo ngư trường từ các trạm bờ gửi ra và gửi các thông tin vị trí tàu cá, máy thu thanh có độ nhạy cảm cao, máy ICOM liên lạc tầm xa và thiết bị thu xem truyền hình di động vệ tinh kỹ thuật số...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng: Để công nghệ thông tin và viễn thông trở thành công cụ hỗ trợ tốt cho Chính phủ, điều cần thiết chính là việc các cấp, các ngành hiểu được vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trong công tác quản lý; từ đó các địa phương mạnh dạn đầu tư vào hoạt động công nghệ thông tin, củng cố và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao...
Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận các chuyên đề về công nghệ thông tin như: Triển khai các mô hình chính quyền điện tử - kết quả, khó khăn, vướng mắc trong kết nối, liên thông; giám sát, điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cho Chính phủ điện tử...
Nhân dịp này, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số đơn vị, doanh nghiệp đã trao tặng 12.000 cuốn tập cho hơn 2.000 học sinh tiểu học tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi./.
Sỹ Thắng/TTXVN