Thứ Sáu, 20/12/2024
Thể thao
Thứ Năm, 18/6/2015 23:3'(GMT+7)

Công Phượng và thế hệ 1995: Hy vọng vàng cho SEA Games 29

8/11 vị trí trong đội hình xuất phát của U23 Việt Nam trận giao hữu với U23 Myanmar đủ tuổi dự SEA Games 29. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

8/11 vị trí trong đội hình xuất phát của U23 Việt Nam trận giao hữu với U23 Myanmar đủ tuổi dự SEA Games 29. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

1. Trong chưa đầy một năm ngắn ngủi ở Việt Nam, huấn luyện viên Miura đã và đang làm được rất nhiều điều. Chiến lược gia người Nhật Bản là người đã trực tiếp phát hiện và mài dũa cho hai thế hệ mới đầy tài năng của bóng đá Việt Nam.

Tại ASIAD Incheon 2014, ông Miura là người đã trực tiếp phát hiện Huy Toàn, Ngọc Thắng, trọng dụng Ngọc Hải, Thanh Hiền, Huy Hùng... Cùng với Mạc Hồng Quân và Ngô Hoàng Thịnh, nhóm cầu thủ sinh năm 1992 đổ lại đã lột xác từ những cái tên vô danh trở thành các ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam. Thành công của tuyển Việt Nam tại AFF Cup sau đó vài tháng in đậm dấu ấn của thế hệ này.


Huấn luyện viên Toshiya Miura là người đã trực tiếp phát hiện tài năng của Huy Hùng (áo tập). (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Chưa đầy nửa năm sau thành công với “thế hệ 1992”, hình bóng một thế hệ mới đang được huấn luyện viên Miura tạo lập ở U23 Việt Nam. Trong đội hình xuất phát của U23 Việt Nam gặp U23 Myanmar ở bán kết SEA Games hôm 13/6, 4/11 vị trí là những người sinh năm 1995 đổ lại. Họ là Công Phượng, Minh Long, Tiến Dũng và Duy Mạnh (1996). Tất cả đều chưa vượt quá tuổi 20.

Nếu Tuấn Anh, Xuân Trường không chấn thương, Văn Toàn, Thanh Bình, Hữu Dũng được tung vào sân, “thế hệ 1995” sẽ còn đông đảo và hùng hậu hơn nữa.

2. Giống như “thế hệ 1992”, những cầu thủ này đều rất trẻ, ít kinh nghiệm, phần lớn còn vô danh. Đặc biệt, khá nhiều người trong số họ từng khoác áo U19 Việt Nam. Minh Long, Tiến Dũng còn đang chơi ở giải hạng dưới, Hữu Dũng, Thanh Bình có rất ít kinh nghiệm V-League. So với những người đàn anh 1992, họ ít kinh nghiệm hơn, sở hữu xuất phát điểm thấp hơn.

Bất chấp điều đó, những chàng trai 19, 20 ấy vẫn đánh chiếm gần nửa đội hình xuất phát của U23 Việt Nam ở SEA Games. Công Phượng, Duy Mạnh, Minh Long, Tiến Dũng chắc chắn có suất đá chính. Hữu Dũng thậm chí được gọi lên tuyển Việt Nam, Văn Toàn là dự bị chiến lược. Cùng với nhau, họ hợp thành một thế hệ mới đầy tiềm năng.


5/11 vị trí của U23 Việt Nam trận gặp U23 Malaysia ở vòng bảng SEA Games 28 là những cái tên sinh năm 1995 đổ lại. (Ảnh: AFF)

Thông thường, khoảng cách cho một cuộc chuyển giao thế hệ trong bóng đá là 5 năm. Nhưng ở U23 Việt Nam lúc này, khoảng cách chỉ là 3 năm. Chúng ta có được thành tựu ấy là nhờ sự phát hiện và nỗ lực rất lớn của ông Miura. Chiến lược gia người Nhật Bản đã trực tiếp “khai quật” Hữu Dũng, Thanh Bình từ “bóng tối,” trọng dụng Minh Long, Tiến Dũng, Duy Mạnh đồng thời giúp Công Phượng, Văn Toàn thay đổi và tỏa sáng.

Chúng ta cũng không thể quên vai trò của U19 Việt Nam và huấn luyện viên Guillaume Graechen. Nếu không có sự rèn giũa đặc biệt từ U19 Việt Nam, những Minh Long, Tiến Dũng sẽ không thể đạt được như ngày hôm nay.

3. Sự xuất hiện của thế hệ 1995 ở sân chơi SEA Games dành cho lứa tuổi U23 còn là một thông điệp khẳng định trình độ bóng đá trẻ của Việt Nam. Thất bại trước U23 Myanmar và U23 Thái Lan có thể được thông cảm khi U23 Việt Nam là một trong những đội bóng trẻ nhất giải đấu.

Bất chấp xuất thân khác nhau từ các hệ thống đào tạo khác nhau, cầu thủ trẻ Việt Nam vẫn cho thấy một trình độ không thể xem thường. Với hàng chục cái tên còn rất trẻ, họ chính là niềm hy vọng “vàng” của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 29 ở Malaysia./.


Ông Graechen Guillaume có vai trò lớn trong việc rèn giũa nhiều tài năng của “thế hệ 1995”. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất