Trong đó, ba môn trọng điểm luôn có tên trong các kỳ Thế vận hội Olympic
là điền kinh đã giành được 11 huy chương vàng; bơi lội giành được 10
huy chương vàng; thể dục dụng cụ được 9 huy chương vàng.
Các môn còn lại như đua thuyền (9 vàng), đấu kiếm (8 vàng), taekwondo (5
vàng) và bắn súng (4 vàng) cũng thành công rực rỡ, đóng góp vào thành
tích chung cho đoàn Thể thao Việt Nam tại đấu trường thể thao lớn nhất
khu vực Đông Nam Á.
Nguyễn Thị Ánh Viên là cái tên của Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn cả
tại SEA Games lần này. Cô gái trẻ 19 tuổi không hổ danh là "kình ngư
Việt Nam" vì thành tích thi đấu xuất sắc, nổi bật, phá 8 kỷ lục SEA
Games 28. Cô gái "vàng" được đánh giá xuất sắc không chỉ của đoàn thể
thao Việt Nam mà còn của cả Đại hội thể thao Đông Nam Á. Bên cạnh đó,
Đội tuyển Điền kinh cũng có điểm sáng là Nguyễn Thị Huyền, cô đã xuất
sắc trở thành vận động viên đầu tiên đạt chuẩn Olympic 2016 với hai huy
chương vàng ở nội dung 400m và 400m rào nữ…
Với kết quả thi đấu tại SEA Games lần này cho thấy tính đúng đắn của chủ
trương đầu tư trọng điểm cho khoảng 50 vận động viên xuất sắc để hướng
tới những đấu trường cao hơn, trong đó tập trung cho năm môn Olympic gồm
điền kinh, bơi lội, thể dục, bắn súng và cử tạ.
Thể thao Việt Nam cần đi theo hướng đầu tư trọng điểm này để giành thành
tích xuất sắc hơn nữa. Ngay từ đầu năm 2015, Tổng cục trưởng Tổng cục
Thể dục thể thao Vương Bích Thắng khẳng định sẽ có 50-60 vận động viên
được chọn lựa đưa vào danh sách đầu tư đặc biệt để giành thành tích cao
tại đấu trường châu Á và đạt chuẩn đến Olympic.
Khi được chọn vào danh sách trọng điểm loại một, các vận động viên sẽ
được hưởng chế độ tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày và tiền công 400.000
đồng/người/ngày. Tổng cục Thể dục thể thao cũng sẽ ưu tiên tìm huấn
luyện viên, chuyên gia có chất lượng cho các vận động viên này. Các vận
động viên này cũng sẽ đi thi đấu tại các giải đấu quan trọng để giành
thành tích tốt nhất cho thể thao nước nhà.
Ngoài ra, ngành thể thao Việt Nam cũng sẽ đầu tư cho khoảng 100 vận động
viên trọng điểm loại hai ở các môn thi có khả năng tranh chấp huy
chương vàng tại các kỳ SEA Games và các vận động viên trẻ tiềm năng. Các
vận động viên này sẽ được thực hiện các chế độ như đối với vận động
viên đội tuyển quốc gia, thêm vào đó là được đầu tư đặc biệt về chế độ
dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thuốc bổ hỗ trợ. Tất cả kinh phí đầu tư
cho các vận động viên trọng điểm nhóm một, nhóm hai đều được trích từ
ngân sách Nhà nước cấp cho sự nghiệp thể thao hàng năm.
Ngày 16/6, với huy chương bạc đạt được ở môn Bóng chuyền nam và là môn
thi đấu cuối cùng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 28 (SEA Games 28),
đoàn Thể thao Việt Nam đã khép lại hành trình thi đấu tại Singapore với
73 huy chương vàng, 53 huy chương bạc và 60 huy chương đồng. Với thành
tích này, Việt Nam đứng vị trí thứ ba toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy
chương tại SEA Games 28.
Thái Lan giành vị trí nhất toàn đoàn tại Đại hội
năm nay khi có được 95 huy chương vàng, 83 huy chương bạc và 69 huy
chương đồng. Đoàn chủ nhà Singapore đứng vị trí thứ hai với 84 huy
chương vàng, 73 huy chương bạc và 102 huy chương đồng./.
(TTXVN)