Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 20/10/2017 21:41'(GMT+7)

Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Toàn cảnh chương trình kiểm tra cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp đối với các TCTD tại TP HCM sáng 20/10/2017

Toàn cảnh chương trình kiểm tra cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp đối với các TCTD tại TP HCM sáng 20/10/2017

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản chỉ đạo liên quan đến cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đặc biệt phải kể tới Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Năm 2017, công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp cũng được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. 

Ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ bằng nhiều chương trình hành động cụ thể. Theo đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 của NHNN (Quyết định số 282/QĐ-NHNN ngày 9/3/2016); Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2017 (Quyết định số 2530/QĐ-NHNN ngày 29/12/2016); Quyết định số 1355/QĐ-NHNN và Quyết định số 259/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động và chương trình hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh; Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 28/6/2016… Việc NHNN tổ chức đoàn kiểm tra thực hiện cải cách hành chính và triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 cũng là hành động thiết thực để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, cải cách chỉ số tiếp cận tín dụng, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong phối hợp thu nộp và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Về cải cách hành chính, trong quý III/2017, NHNN đã ban hành Quyết định công bố Danh mục thủ tục hành chính thực hiện và không thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN. Theo quyết định công bố, trừ 8 thủ tục hành chính thực hiện qua mạng internet hoặc phải nộp trực tiếp, toàn bộ 326 thủ tục hành chính còn lại đều có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tùy thuộc nhu cầu của tổ chức, công dân. NHNN cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” tại NHNN Việt Nam, phấn đấu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ, bãi bỏ các báo cáo không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lắp, không cần thiết, giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo. 

NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, cải tiến, tối ưu hóa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán  khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng… 

Với những nỗ lực đó, 4 năm liên tiếp, từ 2013-2016, theo công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Nội Vụ, trong số 19 Bộ, ngành, NHNN luôn là đơn vị đứng vị trí hàng đầu. Đặc biệt, trong 2 năm 2015 và 2016, NHNN xếp vị trí quán quân về công tác cải cách hành chính. 

Triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và kịp thời, đúng hướng, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ thuận lợi, từ đầu tháng 7/2017, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển (Điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN; Điều chỉnh giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN; Giữ nguyên lãi suất tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng; lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại TCTD)…

Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng; Điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và tăng cường quản lý thị trường vàng. Bên cạnh đó, công tác cơ cấu lại hệ thống TCTD, xử lý nợ xấu và công tác thanh tra, giám sát, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô cũng được ngành Ngân hàng quan tâm đẩy mạnh.

Tại buổi làm việc, Giám đốc NHNN Chi nhánh Thành phố HCM báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính và triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng trên địa bàn Thành phố HCM góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực theo Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. 

Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai chủ trương, chỉ đạo của NHNN và đạt được những kết quả bước đầu như: cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng  vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn trong hoạt động cho vay; tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch bằng các phương tiện điện tử trên môi trường mạng với tính năng an toàn, bảo mật cao, nâng cao khả năng phục vụ; thực hiện cải tiến hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác nhằm đơn giản hóa quy trình luân chuyển chứng từ trong hệ thống ngân hàng, giảm bớt khâu trung gian và sự cồng kềnh trong bộ máy, do đó giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian chờ đợi của khách hàng đến giao dịch; thực hiện công khai trên trang tin điện tử của các tổ chức tín dụng về thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ đối với khách hàng; rà soát việc xác định mức phí đối với từng loại dịch vụ, xây dựng lộ trình giảm phí tương ứng với giảm chi phí hoạt động và giảm chi phí cung cấp dịch vụ trên cơ sở ứng dụng CNTT trong việc cấp dịch vụ, đồng thời loại bỏ các loại phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay; tổ chức các khóa đào tạo nhân viên nhằm một mặt rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, mặt khác, giúp giảm khối lượng công việc thẩm định, giảm chi phí, nâng cao chất lượng tín dụng tại ngân hàng…

Trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2017, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố HCM tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp thông qua 4 hoạt động chính: Một là, thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN trên địa bàn về cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên (đến 31/8/2017 đạt 152.772 tỷ đồng, với 37.920 khách hàng, tăng 5,3% so với cuối năm trước), hỗ trợ doanh nghiệp thông qua yếu tố lãi suất; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp (hỗ trợ 6.179 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh theo Quyết định 780 ngày 23/4/2012 của NHNN đạt 155.779 tỷ đồng); Hai là, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (16 ngân hàng thương mại đã ký cam kết gói tín dụng hỗ trợ cho năm 2017 với hạn mức 226.177 tỷ đồng và 10 triệu USD; chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện hỗ trợ với tổng hạn mức 241.957,6 tỷ đồng cho 13.075 khách hàng vay vốn. Chỉ trong 10 tháng đầu năm, chương trình đã thực hiện bằng cả năm 2016 – năm đạt doanh số cho vay cao nhất và kết quả cao nhất), đối thoại doanh nghiệp và giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp trên cơ sở danh sách nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp từ Sở Công thương và các Quận, huyện chuyển đến; Ba là, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN và UBND TP HCM như chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay hỗ trợ nhà, cho vay bình ổn thị trường, cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất và cho vay kích cầu đầu tư…; Bốn là, hỗ trợ chuyển đổi doanh nghiệp và tham gia hoạt động phát triển, tạo môi trường sinh thái khởi nghiệp.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác cải cách hành chính và Kế hoạch hành động, Chương trình hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị NHNN chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cần tích cực, chủ động triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính của Ngành, chú trọng vào cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh kỷ luật kỷ cương hành chính, ứng dụng công nghệ tin học trong điều hành, cơ chế một cửa; tiếp tục duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của chi nhánh, mở rộng các quy trình ISO đối với các công việc chuyên môn khác của chi nhánh để nâng cao hiệu quả công việc; tiếp tục triển khai cơ chế một cửa theo hướng dẫn của NHNN tại văn bản số 8670/NHNN-VP ngày 11/11/2016; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đặc biệt là triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng; chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn các lĩnh vực ưu tiên, triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các chương trình tín dụng đặc thù, chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Công bố, công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương về những đóng góp của hệ thống ngân hàng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cụ thể về cắt giảm lãi suất, cải tiến quy trình, thủ tục dịch vụ ngân hàng...

Đồng thời, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến các quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, bảo mật đặc biệt là phải phòng ngừa rủi ro trong việc cung ứng dịch vụ, nhất là lĩnh vực thanh toán, tín dụng, tiền tệ...; phát triển đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng phải gắn với đổi mới quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ, đảm bảo thuận tiện, đơn giản, dễ thực hiện, giảm thấp nhất về chi phí và thời gian đi lại, hồ sơ giao dịch... để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch với tổ chức tín dụng… 

Tuấn Nghĩa

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất