Thứ Sáu, 20/9/2024
Xã hội
Thứ Tư, 14/6/2017 18:23'(GMT+7)

Công tác cai nghiện ma tuý hướng tới thực chất, hiệu quả và điều trị tự nguyện

Ảnh minh hoạ: Internet

Ảnh minh hoạ: Internet

Sáng ngày 14/6/2017, tại Hà Nội, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta”.

Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, Thứ trưởng LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống ma túy trên cả 3 lĩnh vực “giảm cung, giảm cầu và giảm hại”.

Trong đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy không ngừng được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người nghiện.

Cho đến nay, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, về cai nghiện tại trung tâm có 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có trung tâm cai nghiện với tổng số 142 trung tâm. Hàng năm, các trung tâm tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 đến 45.000 người nghiện ma túy.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong nước, người nghiện đang ngày càng tăng. Số người nghiện đếm được là 210.000 người, nhưng số thực tế lớn hơn nhiều, người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng tăng. Người nghiện ma túy chủ yếu  dưới 35 tuổi, 8% người nghiện ở độ tuổi học sinh; 70% số xã, 100% số huyện có người nghiện ma túy.

Chia sẻ về những tồn tại trong công tác cai nghiện, đại diện Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, sau khi chấp hành cai nghiện bắt buộc ở cơ sở cải nghiện từ 1-2 năm, khi trở về cộng đồng, tỷ lệ người nghiện ma túy tái nghiện ở mức trên 90%. Ngoài tỷ lệ tái nghiện cao, tồn tại trong công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam còn thể hiện ở việc số người nghiện không ngừng gia tăng, bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 6-8%. Nhiều loại ma túy mới được đưa vào sử dụng như ATS, cỏ Mỹ, tem cười…

Theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, đã xác định nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn não bộ. Điều trị nghiện là quá trình lâu dài, bao gồm tổng thể các can thiệp, hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi. Qua đó giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.

Qua buổi Tọa đàm, Thứ trưởng LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm đề nghị Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền nhằm thống nhất quan điểm: nghiện ma túy là bệnh mãn tính, cai nghiện là thực hiện đồng bộ các can thiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người nghiện.

Đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học viên trong thời gian chấp hành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện; nghiên cứu ban hành quy chế quản lý người nghiện trong cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện, thực hiện quyền công dân; ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện. Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tại tọa đàm, các diễn giả tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam; một số can thiệp có hiệu quả với người sử dụng ma túy trên thế giới; mô hình điều trị nghiện tự nguyện tại cộng đồng; sự tham gia của các nhóm cộng đồng trong các chương trình can thiệp toàn diện cho người sử dụng ma túy; tình trạng thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp tại nước ta hiện nay; phối hợp các biện pháp trong điều trị cho người nghiện...

Trong đó, đáng chú ý có nhiệm vụ đổi mới công tác cai nghiện hướng tới phát triển các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, với mục tiêu đến năm 2020 có 94% tổng số người được cai nghiện, điều trị là tự nguyện./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất