Hôm qua 28-2, lãnh đạo Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn với HLV các đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ đang tập trung tại đây nhằm lắng nghe ý kiến về những thực trạng đang tồn tại ở các đội tuyển và trung tâm. Ý kiến đưa ra nhiều, nhưng để giải quyết thì...
Đau đầu việc học văn hóa
Theo số liệu do Phòng quản lý huấn luyện cung cấp. Hiện có 31 đội tuyển và tuyển trẻ tập huấn với 486 VĐV, trong đó có khoảng 40 VĐV đang học lớp 12, nhưng chưa được nhập học với lý do văn bản đề xuất của các đội gửi chậm, lại rơi đúng vào thời điểm các trường không tiếp nhận học sinh vào học giữa chừng như hiện nay (chỉ nhận học sinh vào đầu năm học, hoặc sau khi kết thúc học kỳ 1). Vì thế, các VĐV đành chấp nhận nghỉ học.
Để giải quyết vấn đề này, cần có ý kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội. Song, việc này vượt ngoài khả năng của trung tâm nên phải nhờ đến sự can thiệp của Tổng cục TDTT. Trong khi đó, Tổng cục TDTT lại đợi văn bản đề xuất của trung tâm. Đá qua, đá lại gần cả tháng nay mà mọi việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và có khả năng kéo dài thêm. Đó là trường hợp VĐV đội tuyển quốc gia, còn VĐV các đội tuyển trẻ thì sao?
Nếu Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng tổ chức cho VĐV học tại chỗ thì Trung tâm HLTTQG Hà Nội lại gửi học sinh tại 3 địa điểm là Trung tâm giáo dục thường xuyên xã Xuân Phương, Trường PTTH huyện Từ Liêm (hệ bổ túc) và Trường văn hóa thể thao Hà Nội (12 Trịnh Hoài Đức, hệ chính quy). Các lớp học tổ chức vào buổi tối, bắt đầu 19g từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Để đến lớp đúng giờ, các VĐV phải thật khẩn trương tắm rửa, ăn uống sau buổi tập thì may ra mới kịp thời gian, vì quãng đường từ Nhổn đến trường học gần nhất là 3 km và xa nhất là 10 km.
|
Việc tập luyện nặng nhọc khiến các tuyển thủ rất “ngại” chuyện học văn hóa, đặc biệt là khi địa điểm học lại quá xa. |
VĐV nhảy cao Nguyễn Văn Bình quê Bắc Ninh kể: “Kết thúc buổi tập chiều, tắm rửa qua loa trước 18 giờ, không kịp ăn cơm, cháu phải đi xe buýt hoặc xe ôm từ Nhổn lên Trịnh Hoài Đức gần 10 km để học. Có hôm đói quá, vừa học vừa gặm bánh mì. Tan học, cũng là lúc hết giờ xe buýt, nên lại phải đi xe ôm về, vì thế, bữa cơm tối thường ăn vào lúc 22 giờ. Tốn kém, vất vả quá nên mấy lần định bỏ học, nhưng lại tiếc vì đang là lớp 12 đành phải cố...”.
Tập luyện ban ngày với khối lượng nặng, kết thúc buổi tập chưa kịp hồi phục, các em lại phải đến lớp ngay, trong khi phương tiện đi lại khó khăn, sự đôn đốc nhắc nhở không thường xuyên của ban huấn luyện (các HLV thường chỉ tập trung vào chuyên môn) nên việc bỏ học luôn xảy ra...
Nhiêu khê chuyện thủ tục
Chuyện học văn hóa chưa tìm được lối thoát khả dĩ thì chuyện ăn, nghỉ cũng được nhiều HLV đề nghị sớm cải thiện, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và chuyên môn của VĐV.
Với chế độ ăn 120.000đ/ngày/người (đội tuyển) và 80.000đ/ngày/người (đội trẻ) được chia thành 3 mức: bữa sáng 20.000đ, trưa 40.000đ và tối 40.000đ, số còn lại dùng cho nước uống và trái cây tráng miệng. Song, các HLV đề nghị nên để số tiền còn lại 20.000đ/ngày giao cho VĐV tự mua thì chủ động và hợp sở thích hơn, đồng thời các VĐV cũng cần tiền để mua thuốc men bổ trợ. Tuy nhiên, ý kiến đề xuất của các HLV không được trung tâm ủng hộ. Vì kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, tính tự giác của VĐV chưa cao, họ thường dùng số tiền này không đúng mục đích, nên phát tiền là không hợp lý.
Ngoài ra, các đội cũng nêu ý kiến về việc những vật dụng như chăn màn, giường chiếu quá cũ kỹ, cũng như chỗ ở đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tại khu A, dành cho các đội điền kinh, bắn súng, đá cầu.. với số lượng gần 300 giường, nhưng chỉ có hơn 30 phòng có máy điều hòa nhiệt độ. Khu B giành cho các môn võ gồm 250 giường, nhưng chỉ có 1/5 số phòng có điều hòa. Với thời thời tiết như hiện nay thì còn đỡ, nhưng đến mùa hè thì đúng là... thảm họa.
Tuy nhiên, do rất nhiêu khê trong thủ tục như “mua một bộ quần áo tập phải có đủ 8 chữ ký mới mua được”, theo lời của các HLV. Thế nên, dự toán sửa chữa nhà ở cho VĐV, nhà tập các môn võ, cũng như mua sắm nhiều trang thiết bị khác vẫn trong tình trạng đợi cấp kinh phí. Mà bao giờ mới có thì... có trời mới biết!./.
(Theo: Võ Hùng/SGGP)