Thứ Sáu, 27/9/2024
Thể thao
Thứ Năm, 26/2/2009 16:35'(GMT+7)

TTVN “vượt dốc” cho Sea games 25

TTVN kỳ vọng Sea Games thành công. Ảnh: Tuấn Tú

TTVN kỳ vọng Sea Games thành công. Ảnh: Tuấn Tú

Một khó khăn mà TTVN đang phải đối mặt là sự xuống cấp của cơ sở vật chất và sự lạc hậu, thiếu thốn của các trang thiết bị phục vụ cho tập luyện và thi đấu. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Trung tâm), nơi tập trung phần lớn VĐV chuẩn bị cho Sea Games 25, nhiều phòng tập đã bị xuống cấp, dột nát, cần phải sửa chữa. Các thiết bị trong phòng tập cũng bị quá tải, chẳng hạn như một chiếc thảm tập cho các môn đối kháng được mua từ đợt chuẩn bị cho Sea Games 22, cách đây đã 6 năm, chỉ “đủ sức” cho khoảng 40 VĐV tập luyện trong khoảng 3-4 năm. Nhưng hiện thời đã bị quá tải vì lượng VĐV đã lên tới 60-70 người, lại tập luyện nhiều ca trong ngày khiến thảm không kịp hồi phục nên bị lún, chất lượng tập luyện vì thế cũng bị ảnh hưởng. Ở môn TDDC, thiết bị tập luyện không những chưa hiện đại mà còn bị xuống cấp sau 6 năm sử dụng quần quật đến mức các ván giậm nhảy cũng bị hỏng. Cho đến giờ Trung tâm cũng chưa có nổi một phòng tập tạ cho đúng nghĩa, các dụng cụ tập luyện vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được chuẩn quốc tế... Tuy gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng Giám đốc Trung tâm, ông Phạm Ngọc Viễn vẫn tin rằng với quyết tâm của các HLV, VĐV, nhất định TTVN sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Không những thế sắp tới Trung tâm còn được Bộ VH, TT&DL hỗ trợ kinh phí để sửa chữa phòng tập nên những khó khăn sẽ giảm đi ít nhiều.

Về công tác chăm sóc y tế, TTVN cũng có những khó khăn không nhỏ. Đó là việc thiếu các thiết bị điều trị tại chỗ, thiếu phòng phục hồi chức năng ở qui mô lớn. Hiện nay số lượng VĐV thường xuyên tập luyện tại Trung tâm đã lên tới gần 600 người nhưng chúng ta chưa có nổi một phòng phục hồi chức năng để các VĐV có thể tắm hơi, mát xa, giúp nhanh chóng phục hồi sau một ngày tập luyện vất vả. Với việc phải tham gia nhiều đấu trường lớn trong năm 2009 ngành TDTT đã phải triệu tập nhiều VĐV nên kinh phí được cấp chỉ đáp ứng được khoảng 70-80% so với yêu cầu. Nhiều đội tuyển đã phải huỷ những chuyến tập huấn, thi đấu ở nước ngoài vì thiếu tiền. Chế độ dinh dưỡng cho VĐV, HLV tuy đã được tăng lên 120.000 đồng/người/ngày nhưng chủ yếu mới chỉ được thực hiện ở các đội tuyển quốc gia, còn ở các địa phương, chế độ dinh dưỡng và tiền công cho VĐV còn thấp so với chế độ. Trên thực tế nhiều tài năng thể thao vẫn chưa thể yên tâm cống hiến cho đội tuyển quốc gia khi chế độ tiền công chưa cao, chỉ khoảng 70.000đồng/người/ngày (trừ những ngày nghỉ). Thêm vào đó, trong những năm gần đây do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác đào tạo lực lượng VĐV trẻ ở một số môn thể thao chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng VĐV trẻ kế cận... Vì những lý do đó việc đua tranh thứ hạng và huy chương tại các đấu trường khu vực và châu lục trong năm 2009 và những năm tiếp theo sẽ vô cùng khó khăn.

Trong lúc TTVN đang phải đối mặt với nhiều bài toán hóc búa như vậy thì nhiều nước trong khu vực và châu lục lại đang đẩy mạnh đầu tư cho các đội tuyển QG, buộc chúng ta phải đối mặt với một áp lực mới. Tuy nhiên Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng lại nhìn thấy những thuận lợi trong một “núi” khó khăn mà ngành gặp phải. Đó là chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV đã được nâng lên một bước (từ 60.000 đồng/người/ngày lên 120.000 đồng/người/ngày). Sự quan tâm ủng hộ của Nhà nước, của Bộ, của các địa phương và toàn xã hội đối với công tác TDTT đang ngày càng nâng cao. Ngành lại có lực lượng cán bộ, HLV nhìn chung rất tận tâm với nghề, nhất là sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đội ngũ VĐV... Vì thế, chúng ta vẫn nhìn thấy những tín hiệu khả quan để hoàn thành nhiệm vụ ở kỳ Sea Games này.

Theo Văn Hoá online

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất