(TG) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng cho rằng, công tác kiểm toán cũng góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Sáng 5/2, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác của Kiểm toán Nhà nước năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, trước tình hình thực tiễn đã và đang đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao, toàn ngành phải tập trung kiểm toán để đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cả về tính hiệu lực, hiệu quả, bám sát những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành kiểm toán phải chủ động hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; kiên quyết xử lý các biểu hiện sai phạm; kiến nghị việc hoàn thiện, sửa đổi bổ sung chế độ chính sách, góp phần tích cực vào việc xây dựng chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, sát với thực tiễn hơn.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng, phát triển Kiểm toán Nhà nước , đảm bảo cho ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Việc xây dựng đội ngũ kiểm toán viên đoàn kết, tinh thông nghề nghiệp và hoàn thiện bộ máy, tổ chức nền hành chính kiểm toán theo hướng khoa học, hiện đại cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Đánh giá công tác Kiểm toán Nhà nước năm 2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ngành đã có những bước đổi mới tích cực, hoạt động trải rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Công tác kiểm toán cũng góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhiệm vụ hoàn thiện địa vị pháp lý của ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước là một cơ cấu không thể thiếu trong bộ máy Nhà nước, một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện chức năng kiểm toán. Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước nhằm đảm bảo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được áp dụng và thực thi đúng đắn, hiệu quả trong thực tế.
Qua kiểm toán, biểu dương những cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân làm tốt, đồng thời cũng phát hiện, xác định trách nhiệm những cá nhân, tập thể làm chưa tốt, làm sai, vi phạm pháp luật. Hoạt động kiểm toán cũng là công cụ hữu hiệu góp phần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật của Nhà nước
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng, năm 2012, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã xét duyệt 160/161 báo cáo kiểm toán, ký phát hành 148 báo cáo kiểm toán. Trong đó, có 10 cuộc kiểm toán chất lượng vàng đã được bình chọn.
Tổng hợp kết quả kiểm toán 148 cuộc năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 13.688,6 tỷ đồng bao gồm các khoản tăng thu; các khoản giảm chi, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bỏ sung hoặc hủy bỏ 74 văn bản của các bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành, góp phần vào việc quản lý và sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Cùng thời gian này, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 4 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để đề nghị điều tra làm rõ (số vụ nhiều nhất từ trước đến nay) và đề nghị cơ quan thanh tra của các bộ, ngành, địa phương xem xét, thanh tra nhiều vụ việc.
Các vụ việc này gồm Nghiệm thu khống khối lượng tại 2 công trình do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Nông thôn Hưng Yên làm chủ đầu tư; cho vay sai quy định tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; nhận chuyển nhượng đất tại Công ty cổ phần Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai; ứng tiền mua hàng không có tài sản bảo đảm dẫn đến nguy cơ mất vốn tại Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
Theo kế hoạch, năm 2013, Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm toán đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong tổ chức thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm toán lĩnh vực đầu tư công, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, lĩnh vực thương mại và các tổ chức tài chính.
Ngành cũng sẽ kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm: quản lý đất đai gắn với các dự án phát triển nhà và đô thị, kinh doanh bất động sản; quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường; chống thất thu ngân sách đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp, quản lý thu tạm nhập, tái xuất./.
TG