Thứ Sáu, 4/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 23/9/2010 11:31'(GMT+7)

Công tác Tuyên giáo Lào Cai: Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin

Đồng chí Cao Đức Hải - UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Lào Cai.

Đồng chí Cao Đức Hải - UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Lào Cai.

PV: Xin đồng chí cho biết những thành tựu cơ bản của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, trong đó có đóng góp của công tác Tuyên giáo?


Đồng chí Cao Đức Hải: Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIII, BCH Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội bằng 7 chương trình công tác trọng tâm với 29 đề án, nghị quyết chuyên đề phù hợp với địa phương, nên nhiệm ky qua Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mặc dù trong 5 năm gặp không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, song Lào Cai vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 ước đạt 1.650 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2005, trong đó thu nội địa gấp 3,5 lần năm 2005. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và liên tục các năm đều được mùa. Tổng sản lượng lương thực năm 2010 đạt 220 ngàn tấn, vượt mục tiêu đại hội XIII đề ra. 90% diện tích cây lương thực, hoa màu được trồng giống mới cho năng suất cao; các vùng sản xuất hàng hoá tập trung được hình thành khá rõ. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt từ 14 triệu đồng năm 2005 lên 22 triệu đồng năm 2010. Diện mạo nông thôn có bước đổi mới vượt bậc: Tất cả các huyện đã được phủ sóng điện thoại di động. 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, trường học kiên cố.

Đặc biệt, công nghiệp có bước phát triển đột phá, đến nay tỉnh đã hình thành 2 khu công nghiệp lớn (Đông Phố Mới và Tằng Loỏng) thu hút nhiều nhà đầu tư. Tiềm năng thuỷ điện được khai thác hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm tăng 27,6% và tăng gấp 3,5 lần năm 2005. Thương mại dịch vụ mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, song xuất nhập khẩu của tỉnh trung bình hàng năm vẫn tăng 20,2%/ năm. Lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng gần gấp đôi năm 2005.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội: trên 98% số trẻ em trong độ tuổi được huy động tới trường, 106 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 92,3% thôn bản có nhân viên y tế, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm 5% mỗi năm. Trong 5 năm đã giải quyết việc làm cho 47,6 nghìn lao động. Đã thực hiện tốt Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó cơ bản hoàn thành xoá nhà tạm cho hộ nghèo.

An ninh chính trị, tư tưởng được giữ vững ổn định. Quan hệ đối ngoại, nhất là với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào cai - Hà Nội - Hải Phòng ngày càng toàn diện và đi vào chiều sâu; hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế không ngừng được tăng cường và mở rộng. Công tác xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường và có bước tiến bộ rõ nét.

Trong thành tích chung này có phần đóng góp hết sức quan trọng của công tác Tuyên giáo. Trong nhiệm kỳ qua, toàn ngành tuyên giáo của tỉnh đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động đã góp phần làm cho các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và những quyết sách của Đảng bộ, chính quyền địa phương đi nhanh vào đời sống nhân dân; nâng cao nhận thức chính trị, niềm tin và hành động cách mạng của nhân dân, tạo sự đồng thuận, ổn định về chính trị, tư tưởng. Đồng thời tích cực tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Lào Cai, góp phần tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lào Cai.

"Công tác Tuyên giáo cần nói cho dân hiểu,
 làm cho dân tin". Ảnh Quý Trọng



PV: Để Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, theo đồng chí tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh hoạt động Tuyên giáo như thế nào?


Đồng chí Cao Đức Hải: Để góp phần làm cho Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới ngành tuyên giáo Lào Cai chúng tôi xác định tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tập trung và những vấn đề lớn sau:

Thứ nhất: Hướng mạnh hơn nữa công tác Tuyên giáo về cơ sở. Đảm bảo nội dung thông tin, tuyên truyền toàn diện. Cụ thể hoá nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp sát thực với mọi đối tượng. Đưa hoạt động tổ chức Hội nghị Báo cáo viên ở cấp huyện vào nền nếp và đưa thông tin vào nội dung sinh hoạt tư tưởng ở các chi, Đảng bộ cơ sở theo định kỳ hàng tháng. Kết hợp tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, cơ chế, chính sách của địa phương với đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền quảng bá tiềm năng của tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ công tác cho đội ngũ cán bộ cơ sở... Phương thức tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng ở cơ sở cần đảm bảo phong phú, hấp dẫn, cụ thể, sát thực, nói đi đôi với làm, tuyên truyền không chung chung, trừu tượng. Tăng cường đối thoại với quần chúng, lắng nghe và nắm được tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Biết giải đáp thoả đáng những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân. Thực hiện nói cho dân hiểu, làm cho dân tin.

Thứ hai: Chú trọng kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ tuyên giáo cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có kế hoạch và thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này để có đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trên địa bàn.

Thứ ba: Tập trung chỉ đạo tăng cường việc nghiên cứu nâng cao chất lượng công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo hiệu quả các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mới về chất trên các lĩnh vực thuộc khối khoa giáo, bao gồm: Giáo dục - Đào tạo, Y tế - Dân số, Gia đình - Trẻ em, Khoa học - Công nghệ và môi trường. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các huyện, thành phố sẽ tìm chọn những cán bộ có năng lực tham mưu giỏi về làm công tác khoa giáo.

Thứ tư: Huy động tối đa sức mạnh của toàn binh chủng, trong đó nâng cao vai trò tham mưu, định hướng, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc của ban tuyên giáo các cấp, kết hợp chặt chẽ với các ngành trong khối tuyên truyền, khoa giáo và tăng cường sự vào cuộc của các ngành, các cấp cùng tham gia công tác tuyên giáo.

PV: Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV sắp tới của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hiện đang tập trung chỉ đạo những vấn đề gì?

Đồng chí Cao Đức Hải: Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV diễn ra vào tháng 10 tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hiện đang tập trung định hướng chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền – khánh tiết phục vụ Đại hội.

Về nội dung tuyên truyền cho Đại hội, chúng tôi chỉ đạo tập trung tuyên truyền thành tựu đạt được của tỉnh trong nhiệm kỳ qua, định hướng nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong nhiệm kì tới, kết hợp tuyên truyền thành tựu đạt được của đất nước qua 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội X của Đảng, định hướng nhiệm vụ đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của Đảng, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý với Đảng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh theo chủ đề năm 2010, kết hợp tuyên truyền kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, đặc biệt tập trung tuyên truyền về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Các phương tiện thông tin, tuyên truyền của tỉnh đang quyết liệt thực hiện các công việc theo kế hoạch. Báo viết, Báo hình đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Đại hội. Hơn hai chục cụm pa nô và cổng chào lớn đang được khẩn trương xây dựng ở thành phố và các huyện; hàng nghìn tấm pa nô nhỏ và băng rôn khẩu hiệu đang được treo trên các trục đường trong thành phố; 5 ấn phẩm sách, 1 bộ phim phóng sự truyền hình và chương trình văn nghệ, thể thao, triển lãm thành tựu phát triển kinh tế, xã hội đang gấp rút đựơc hoành thành phục vụ Đại hội.


PV : Xin cám ơn đồng chí!


Tuấn Đạt (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất