Những chủ đề, đề mục của Bộ pháp điển sau khi được Chính phủ thông qua
sẽ được đăng tải và duy trì, cập nhật thường xuyên, liên tục trên Cổng
thông tin điện tử pháp điển tại địa chỉ: phapdien.moj.gov.vn để người
dân có thể tra cứu, sử dụng miễn phí.
Lễ ra mắt Cổng thông tin điện tử pháp điển và giới thiệu phần mềm
pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật vừa được Bộ Tư pháp tổ chức ngày
8/4/2016.
Trước đó, vào trung tuần tháng 1/2016, Bộ Tư pháp đã cho biết Cổng thông tin điện tử pháp điển đã được Bộ này xây dựng và đưa vào sử dụng trên mạng Internet tại địa chỉ truy cập: phapdien.moj.gov.vn.
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp cho hay, Cổng thông
tin điện tử pháp điển là điểm truy cập duy nhất về công tác pháp điển hệ
thống quy phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam trên môi trường mạng (phapdien.moj.gov.vn); liên kết, tích hợp Bộ
pháp điển điện tử và các thông tin khác nhằm phục vụ công tác quản lý,
chỉ đạo, điều hành và thông tin giới thiệu về Bộ pháp điển, công tác xây
dựng Bộ pháp điển.
Còn về phần mềm pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, đây là phần
mềm cơ sở để xây dựng Bộ pháp điển điện tử, đồng thời bảo đảm cho Bộ
pháp điển được hiện thị, tra cứu, sử dụng trên Cổng thông tin điện tử
pháp điển.
Các cơ quan tham gia xây dựng Bộ pháp điển sẽ thực hiện pháp điển hệ
thống quy phạm pháp luật theo các đề mục thuộc thẩm quyền chủ trì pháp
điển của cơ quan mình ngay trên phần mềm và gửi bản điện tử kết quả pháp
điển từng đề mục về Bộ Tư pháp thông qua phần mềm.
Sự ra đời của phần mềm này sẽ tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức
có thể tra cứu, tìm kiếm và áp dụng các quy định pháp luật một cách
thuận lợi, dễ dàng. Những chủ đề, đề mục của Bộ pháp điển sau khi được
Chính phủ thông qua sẽ được đăng tải và duy trì, cập nhật thường xuyên,
liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí.
Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước được xây dựng và duy trì dưới hình
thức là Bộ pháp điển điện tử.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, tính đến thời điểm
hiện tại, Bộ Tư pháp đã thẩm định 20 đề mục và đang chuẩn bị trình Chính
phủ thông qua trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, các đề mục này được
đăng tải tại mục “Kết quả pháp điển đã thẩm định” trên Cổng thông tin
điện tử pháp điển để người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà
nước có thể tham khảo, tra cứu trước. Sau khi được Chính phủ thông qua,
các đề mục này sẽ được đăng tải tại Bộ pháp điển điện tử trên Cổng thông
tin điện tử pháp điện.
Cũng theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, theo lộ trình đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng Bộ pháp điển được thực hiện
trong 10 năm, từ năm 2014 đến 2023 và chia làm 3 giai đoạn. Trong đó,
giai đoạn 1 (2014 - 2017) 22 đề mục; giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn
thành 144 đề mục và giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục.
Tuy nhiên, với mong muốn khẩn trương đưa Bộ pháp điển vào khai thác,
sử dụng, đáp ứng nhu cầu tra cứu, áp dụng pháp luật của người dân và
doanh nghiệp, một số Bộ, ngành đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Tư
pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Cụ thể, có 96/243 đề mục thuộc giai
đoạn 2 và giai đoạn 3 được đưa vào kết hoạch hoàn thành trước năm 2018,
nâng tổng số đề mục phải hoàn thành trước năm 2018 lên 118 đề mục. /.
Theo ICTnews