Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 11/8/2016 8:24'(GMT+7)

Cử tri phản ánh nhiều vấn đề cấp thiết của đời sống, xã hội


Chiều 10/8, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Bát Xát sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV.

Tại buổi tiếp xúc, ông Vũ Xuân Cường, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã thông báo với cử tri huyện Bát Xát về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV. Tại kỳ họp, Quốc hội đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng như công tác nhân sự; xem xét, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm; xem xét chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội...

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát mà nhân dân một số xã trên địa bàn huyện Bát Xát phải gánh chịu do đợt mưa lũ những ngày qua. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã và sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng cho đồng bào vùng cao biên giới. Phó Chủ tịch đề nghị tỉnh, cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Bát Xát trước mắt cần quan tâm hơn nữa đến đời sống, sản xuất của đồng bào vùng thiên tai bão lũ. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tiếp thu ý kiến của cử tri để tập hợp, trình Quốc hội xem xét, đề nghị các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bát Xát bày tỏ phấn khởi trước thành công của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV; tin tưởng Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có nhiều quyết sách mạnh mẽ nâng cao đời sống nhân dân, đưa đất nước phát triển. Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững; nghiên cứu đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp do lĩnh vực này gặp thường gặp rủi ro cao. Nhiều cử tri Bát Xát cũng kiến nghị Nhà nước quan tâm đặc biệt, đầu tư giúp địa phương xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông, cầu cống, hệ thống thuỷ lợi, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Đặc biệt, Nhà nước cần có sự hỗ trợ vật tư nông nghiệp để nhân dân sớm sản xuất trở lại, tránh nguy cơ thiếu đói trong những tháng cuối năm 2016; tăng hỗ trợ chính sách tái định cư cho nhân dân trong vùng thiên tai về nơi ở mới. Nhân dân kiến nghị Nhà nước nghiên cứu đầu tư kè sông Hồng khu vực biên giới, tránh sạt lở; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã vùng cao, vùng biên nhằm bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới của Tổ quốc.

Sáng cùng ngày, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm hỏi và tặng quà nhân dân bị thiệt hại trong trận mưa lũ vừa qua tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát. Phó Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp đến thăm và tặng quà gia đình ông Lý Sài Kinh và hộ bà Tẩn Sử Mẩy ở thôn Trung Chải bị đất đá sạt lở vùi lấp, làm hỏng nhà cửa, đồ đạc; thăm hỏi, tặng quà cho 17 hộ gia đình ở thôn Sủng Hoảng 2 bị mất toàn bộ nhà cửa, tài sản. Trong số 17 hộ gia đình ở đây có gia đình ông Chảo Diếu Siểu có mẹ và con trai mất tích, đến nay chưa tìm thấy thi thể; gia đình bà Chảo Mẩy Thim có con mất tích đã tìm thấy thi thể và an táng theo phong tục địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ biểu dương tinh thần khẩn trương, chủ động của tỉnh, huyện Bát Xát và xã Phìn Ngan trong việc chỉ đạo, tổ chức các lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ, đặc biệt là các hoạt động cứu trợ, bố trí nơi ăn ở tạm thời đối với những hộ dân bị mất hoàn toàn nhà cửa. Phó chủ tịch Quốc Hội cũng lưu ý, thời gian tới, các cấp chính quyền huyện Bát Xát cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; rà soát những hộ trong vùng nguy hiểm, di chuyển đến nơi nơi an toàn, tránh thiệt hại về người.

* Ngày 10/8, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đầu đã có cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, gần 1.000 cử tri thành phố Quy Nhơn đã chuyển tới đoàn đại biểu Quốc hội nhiều ý kiến, bức xúc và mong muốn của nhân dân nơi đây. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các vấn đề thời sự “nóng” hiện nay như: vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; bảo vệ biên giới, biển đảo; bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng, bổ nhiệm nhân sự; các vấn đề còn tồn tại trong ngành giáo dục…

Cử tri Hoàng Tiến, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Quy Nhơn cho rằng: Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc tuyên truyền về biên giới, biển đảo, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Bình Định là một trong những tỉnh có lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước nên phải sớm có các biện pháp cụ thể để bảo vệ các ngư dân, tránh để tình trạng ngư dân bị tấn công trên biển.

Cử tri Võ Triết Luận, 84 tuổi, nguyên Giám đốc Sở lương thực Nghĩa Bình hoan nghênh việc Quốc hội quyết định bãi miễn một số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố không đủ tư cách trong thời gian gần đây. Ông Luận cho rằng nếu để những người có dư luận xấu trong Quốc hội thì nhân dân sẽ giảm niềm với Quốc hội... Một số đại biểu đã nêu lên những tồn tại trong ngành giáo dục, trong đó ngành cần quan tâm tới môn học Lịch sử trong chương trình các cấp phổ thông.

Phát biểu trước cử tri thành phố Quy Nhơn, đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ cảm ơn, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm mà cử tri đã nêu. Ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Chủ quyền biển đảo, Tổ quốc luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu và đang tích cực, đẩy mạnh đấu tranh. Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, xử lý những bất cập trong việc bổ nhiệm nhân sự, chống tham ô, tham nhũng… Về các vụ án kinh tế, môi trường lớn, ảnh hưởng nặng nề tới an sinh xã hội, đoàn đại biểu Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, truyền đạt ý kiến tới Quốc hội...

Riêng về lĩnh vực giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ với cương vị Bộ trưởng đã ghi nhận và gửi lời xin lỗi đến các cử tri vì những điều bất cập còn tồn tại trong ngành giáo dục hiện nay. Bộ trưởng cũng khẳng định, ngành luôn đặc biệt quan tâm tới môn học Lịch sử và sẽ đưa môn này về đúng với vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông. Về đổi mới trong đánh giá học sinh tiểu học, xây dựng mô hình trường học mới (VNEN), hiện Bộ đang lấy ý kiến của phụ huynh, học sinh, giáo viên và các chuyên gia để hoàn thiện... Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung vào 9 trọng tâm: Quy hoạch lại hệ thống giáo dục; nâng cao chất lượng giáo viên; phân luồng định hướng học sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; tăng cường học Ngoại ngữ; tự chủ đại học; quốc tế hóa, hội nhập giáo dục – đào tạo; tập trung đào tạo ngành mũi nhọn; nâng cấp, kiên cố hóa trường lớp.../.

Hồng Ninh - Quốc Dũng/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất