Thứ Sáu, 11/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 3/12/2019 17:13'(GMT+7)

Cử tri phấn khởi về kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh đáng quan tâm và đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển Thủ đô trong những năm tới.

Kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh

Tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã trình bày Báo cáo công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2019, nhiệm vụ năm 2020 và kiến nghị với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội những vấn đề cử tri quan tâm.

Cử tri Thủ đô mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa về công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực: giáo dục đạo đức đảng viên; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng các không gian ngầm để giải quyết vấn đề giao thông; rà soát đẩy nhanh thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Cử tri Thủ đô cũng mong muốn thành phố kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vụ việc vi phạm về đất đai, xây dựng sai phép; thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai.

Đáng chú ý, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục giám sát về công tác giải ngân; nợ đọng thuế; xây dựng quy hoạch đô thị; dự án treo nhiều năm không thực hiện; giám sát tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án về giao thông trọng điểm.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục có giải pháp, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường" bằng các hành động, việc làm thiết thực, cụ thể.

Có các giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước; thực hiện phân loại, xử lý rác thải, nhất là ở nơi đông dân cư; có cơ chế hiệu quả để thu hút đầu tư công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có biện pháp quyết liệt hơn ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, thực phẩm tăng trọng tại các cơ sở kinh doanh; kiểm tra vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn công nghiệp, trường học.

Thêm vào đó, Ủy ban Nhân dân thành phố nên kiến nghị với Chính phủ và có giải pháp, cơ chế về sửa chữa, cải tạo những khu chung cư cũ đã hư hỏng, xuống cấp gây nguy hiểm cho người dân.

Liên quan đến việc thực hiện kiện toàn, sắp xếp thôn, tổ dân phố và bố trí cán bộ theo đề án của Thành ủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố nghiên cứu, khảo sát kỹ, lắng nghe ý kiến tâm, tư nguyện vọng của nhân dân, triển khai có lộ trình và quy mô hợp lý, coi trọng chất lượng và hiệu quả công việc.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư của các cơ quan chức năng của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những vụ việc tồn đọng chưa giải quyết dứt điểm như việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chung cư và tranh chấp sở hữu chung, riêng, quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư với cư dân.

Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần có chỉ đạo, triển khai những giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, về kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội của Quốc hội cần được tuyên truyền sâu rộng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã đề nghị Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu có cơ chế, đảm bảo phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở.

Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô dự kiến vượt kế hoạch

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 của thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,46%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; năm 2020 Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên.

Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước, cao nhất kể từ 30 năm mở cửa và hội nhập; khách du lịch tiếp tục tăng khá.

Đáng chú ý, 7/22 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch. Đó là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người; vốn đầu tư xã hội; xuất khẩu; bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm nghèo; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị; nước sạch khu vực nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại và hạn chế. Đó là bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy có xu hướng chậm lại từ đầu tháng Chín vừa qua nhưng diễn biến vẫn phức tạp, đàn lợn giảm hơn 33% tổng đàn so với cùng kỳ.

Tỷ lệ giao đất dịch vụ, giải ngân xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, những tồn tại, hạn chế trên có nguyên nhân khách quan là do quy trình thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng theo các luật mới có nhiều thay đổi làm kéo dài thời gian thẩm định và ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bên cạnh đó còn hạn chế do việc di dân cơ học lớn tạo ra áp lực lên toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là khu vực nội thành; quy mô, khối lượng, tính chất phức tạp của những công việc hằng ngày phải giải quyết càng lớn, với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do giải quyết công việc thiếu tập trung, thiếu sáng tạo, chưa thực sự quyết liệt ở một số đơn vị; chủ đầu tư một số dự án còn thiếu chủ động, thiếu tính chuyên nghiệp; sự phối hợp giữa ngành với ngành, ngành với cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực được phân công, phân cấp, ủy quyền còn bị động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả.

Năm 2020, thành phố xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên; đổi mới đồng bộ giáo dục và đào tạo.

Thành phố cũng xác định thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công.

Một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2020 được thành phố đề ra là: GRDP bình quân đầu người đạt trên 136 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trên 10,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%./.

 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất