Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố, chính quyền Cuba sẵn sàng giải quyết những bất hòa với Mỹ bằng con đường đối thoại, tuy nhiên quốc đảo này sẽ không bao giờ từ bỏ lí tưởng cách mạng của mình
“Tôi được bầu giữ chức Chủ tịch Cuba không phải để khôi phục Chủ Nghĩa Tư Bản tại Cuba, càng không phải để từ bỏ lý tưởng cách mạng của đất nước chúng tôi”, ông Raul khẳng định. Ông cũng nhấn mạnh rằng, ông sẽ gìn giữ, bảo vệ và tiếp tục hoàn thiện nền Chủ Nghĩa Xã Hội, chứ không phải hủy hoại nó.
Cũng theo lời chủ tịch Cuba, đây cũng chính là câu trả lời của ông đáp lại yêu cầu mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về việc Cuba phải cải cách hơn nữa trong vấn đề dân chủ và nhân quyền trước khi hai nước có thể đối thoại. Và đây cũng chính là “câu trả lời của tôi đối với Liên minh châu Âu (EU), những nước đang kêu gọi Cuba thực hiện các biện pháp đơn phương nhằm thay đổi chế độ chính trị và xã hội trong nước”, ông Raul khẳng định.
“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả những vấn đề trong các cuộc đối thoại, tuy nhiên chúng tôi sẽ không đưa nền chính trị và xã hội của Cuba ra bàn đàm phán. Cuba cũng không yêu cầu người Mỹ quan tâm đến việc này. Cả Cuba và Mỹ cần phải tôn trọng những khác biệt của nhau”, ông nói.
Chủ tịch Cuba cũng khẳng định rằng, ông sẽ luôn dõi theo những động thái của Mỹ mà trước tiên là Tổng thống Barack Obama.
Ông Raul cũng thừa nhận rằng, hiện nay sự xâm chiếm và những mỹ từ chống tại Cuba từ phía Mỹ đã giảm. Hai bên đã phục hồi cuộc đối thoại nghiêm túc và mang tính xây dựng trong vấn đề di cư.
Ngày 14/7, đàm phán giữa Mỹ - Cuba về vấn đề di cư vốn bị tạm ngừng từ năm 2003 đã chính thức được nối lại. Đối thoại về vấn đề di cư được Mỹ - Cuba tiến hành định kỳ 2 năm/lần cho đến năm 2003, khi Tổng thống Mỹ hồi đó là George W. Bush ra quyết định đình chỉ. Trong suốt 8 năm cầm quyền, ông George W.Bush luôn bác bỏ các đề xuất nối lại đàm phán. Nhưng kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống hồi tháng 1 năm nay, ông Barack Obama đã "thổi" một luồng sinh khí mới trong quan hệ hai nước bằng những lời hứa sẽ dần từng bước xóa bỏ cấm vận. Tổng thống Barack Obama cũng đã thực thi nhiều hành động cụ thể để thực hiện các lời kêu gọi xem xét lại chính sách đối ngoại với Cuba.
Cho đến nay, hầu hết chính phủ các nước trong khu vực đều ủng hộ chấm dứt cuộc cấm vận chống Cuba do Mỹ áp đặt từ năm 1962. Chính quyền một số nước Mỹ Latinh đã lựa chọn "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" là con đường phát triển đi tới tương lai. Vì thế, nếu cứ mãi đối đầu với Cuba, Washington sẽ lâm vào cảnh đối đầu với các nước trong khu vực và khó có thể kiểm soát được những hoạt động "sau lưng" mình.
Hơn nữa, xóa bỏ lệnh cấm vận với Cuba trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khủng hoảng sẽ giúp các công ty Mỹ tiếp cận thêm thị trường mới đầy tiềm năng đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Đối với Cuba, người dân sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là được mua bán, trao đổi hàng hóa Mỹ một cách thoải mái và với giá thành ưu đãi hơn...
Trên thực tế, hơn 70% người dân Mỹ cũng đồng tình với quan điểm dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài đối với người dân Cuba.
TH- Theo VZ