Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 24/3/2010 21:10'(GMT+7)

Cục ATVSTP Bộ Y tế tổng kết công tác bảo đảm ATVSTP năm 2009, triển khai kế hoạch năm 2010

Năm 2009, kết quả đáng chú ý của công tác VSATTP là đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến Dự thảo Luật An toàn thực phẩm. Đồng thời, triển khai xây dựng được 24 quy chuẩn kỹ thuật về ATVSTP và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Theo báo cáo của Cục VSATTP, trong năm 2009 cả nước đã xảy ra 152 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.212 người mắc, 4.137 người đi viện và số người chết là 35. So sánh với năm 2008, tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng giảm về số vụ, số người mắc, số người đi viện và số trường hợp tử vong, cụ thể như sau: số vụ ngộ độc giảm 53 vụ (25,9%); số người mắc giảm 2.616 người (33,4%);số người đi viện giảm 1.888 người (31,3%); số người bị tử vong giảm 26 trường hợp ( 42,6%).

Năm 2009, công tác giám sát nguy cơ, thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã phát hiện, xác định được nhiều nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đe dọa tính mạng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như: sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai bị ô nhiễm; sản xuất, kinh doanh rượu có hàm lượng Methanol cao; nhập khẩu, kinh doanh phủ tạng động vật ô nhiễm; nhập khẩu, kinh doanh chân gà, giò heo bị ô nhiễm; chế biến, kinh doanh mực đông lạnh bị ô nhiễm; chế biến, bảo quản, kinh doanh mỡ, bì lợn ô nhiễm; sử dụng nấm độc...

Công tác phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đã được thiết lập bước đầu và duy trì hoạt động. Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh trong giai đoạn nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao (lễ, tết); công tác hậu kiểm chất lượng vệ sinh thực phẩm các nhóm nguy cơ cao đã được chủ động thiết lập và triển khai đồng bộ, trên các miền để chủ động phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong nước uống đóng chai, rượu, thịt và các sản phẩm từ thịt, thực phẩm chức năng; sữa và sản phẩm từ sữa.... Năm 2009, cũng là năm đầu tiên mở chiến dịch hậu kiểm tổ chức bài bản và có quy mô lớn. Thông qua đó, đánh giá được thực trạng công tác quản lý nhà nước về VSATTP, đưa ra cảnh báo nguy cơ và giải pháp nhằm tăng cường quản lý về VSATTP.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP luôn được đặt ở vị trí quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về VSATTP và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những hoạt động truyền thông được ghi nhận có nội dung và hình thức phong phú, đa dạng và có hiệu quả cao. Với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đưa các tin, bài, phóng sự đã phản ánh được những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nhạy cảm trong công tác bảo đảm chất lượng VSATTP, được truyền tải dưới nhiều hình thức và đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo dư luận và xã hội. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã được đẩy mạnh cả ở Trung ương và địa phương. Cục VSATTP đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc thi “Cả nước viết về VSATTP” thu hút được đông đảo người dân tham gia. Tháng hành động vì chất lượng, VSATTP năm 2009 với chủ đề “Cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhà nước-doanh nghiệp-người tiêu dùng” đã được tổ chức trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, trong năm 2009, tình hình ô nhiễm thực phẩm vẫn đang diễn biến phức tạp cả về số lượng và quy mô. Công tác VSATTP còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực; thanh tra chuyên ngành còn thiếu và yếu; hệ thống kiểm nghiệm VSATTP tuy có hệ thống labo kiểm nghiệm nhưng năng lực còn hạn chế; thực phẩm qua biên giới còn nhiều phức tạp gây khó khăn trong công tác quản lý; con số 9,4 triệu hộ sản xuất nhỏ cũng gây khó khăn cho quản lý vấn đề thực phẩm; cơ chế phối hợp còn nhiều lúng túng; sự tham gia của cơ quan địa phương còn chưa đồng đều, quyết liệt; kinh phí hạn chế, nhất là sự tự đầu tư của địa phương. Hiện 61/63 tỉnh thành chưa có kinh phí thêm vào VSATTP.

Cục trưởng Cục VSATTP, ông Nguyễn Công Khẩn cho biết mục tiêu chương trình VSATTP năm 2010 hướng đến các trọng tâm: Tăng cường hiệu quả công tác quản lý VSATTP thông qua xây dựng hành lang pháp lý; tăng cường xã hội hóa, phối hợp liên ngành và tăng cường nguồn lực. Ông cho biết, nguyên tắc triển khai mục tiêu chính là: chính quyền phải chủ trì, gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Y tế phải làm được vai trò tham mưu, đề xuất được các chính sách, giải pháp đảm bảo ATTP phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tăng cường giáo dục - tuyên truyền tới các đối tượng. Huy động các ngành, tổ chức tham gia vào các hoạt động ATTP. Có sự cam kết của chủ hộ, chủ cơ sở về việc thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn ATTP và thực hiện đầy đủ điều kiện VSATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; Duy trì kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP….

Hội nghị cũng đã nghe đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm – thủy sản báo cáo tình hình thực hiện năm 2009 và kế hoạch 2010 đối với 02 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP do Bộ NN&PTNT quản lý. Một số kinh nghiệm về công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Chi cục ATVSTP Thanh Hóa; kinh nghiệm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm tại Quảng Ninh…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục VSATTP cũng đã trình bày Kế hoạch “Tháng hành động vì chất lượng vệ an toàn thực phẩm năm 2010”. “Giữ vững cam kết về trách nhiệm của Doanh nghiệp với An toàn vệ sinh thực phẩm” là chủ đề Tháng VSATTP năm 2010. Theo kế hoạch, Tháng VSATTP diễn ra từ 15/4 đến 15/5/2010 trên phạm vi cả nước.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất