Thứ Bảy, 23/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Chủ Nhật, 17/1/2016 21:17'(GMT+7)

Cụm đảo chìm Đá Tây - trái tim của Việt Nam trên Biển Đông

Đảo Đá Tây. (Ảnh: TTXVN)

Đảo Đá Tây. (Ảnh: TTXVN)

Đối với ngư dân các tỉnh miền Trung, vùng biển này không chỉ là ngư trường truyền thống mà còn được xem là ngôi nhà trên biển của chính ngư dân.

Đảo chìm Đá Tây nằm trên bãi ngầm san hô rộng lớn. Khi thủy triều lên, rặng san hô bị ngập sâu trong nước biển. Thủy triều xuống, rặng san hô lại nổi lên như tường lũy trên biển và hình thành ở phía trong tường lũy ấy một hồ nước biển rộng lớn. Đây chính là nơi trú ẩn an toàn của tàu cá ngư dân trong mỗi mùa mưa bão.

Nơi đây là khu neo đậu an toàn đối với phương tiện tàu thuyền và cũng là nơi ngư dân nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng khác làm nhiệm vụ trên đảo về lương thực, thực phẩm, nước uống, cấp cứu, cung ứng thuốc chữa bệnh. Vì vậy, ngư dân khi đánh bắt trên biển đều xem đây như là ngôi nhà của mình.

Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây C, Thượng úy Lâm Văn Mạnh cho biết, hiện nay ở khu vực cụm đảo Đá Tây, Đội nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty hải sản Trường Sa, Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Đây thực sự là chỗ dựa vững chắc, kết hợp giữa khai thác hải sản của ngư dân với góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trong quá trình vươn khơi bám biển dài ngày.

Thượng úy Lâm Văn Mạnh cho biết thêm, trong các trận bão hồi cuối năm 2015 vừa qua, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… đã được cán bộ, chiến sỹ trên đảo hướng dẫn luồng lạch để đưa tàu thuyền vào âu neo đậu này an toàn.

Trước đó, năm 2014, để tránh siêu bão Hai yan, tàu thuyền của ngư dân cũng vào trú kín khu neo đậu một cách an toàn, bão tan lại tiếp tục đánh bắt hải sản.

Không chỉ là nơi trú tránh bão an toàn cho ngư dân làm ăn dài ngày trên biển, nhiều năm qua, Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây còn là nơi tiếp nhận, thu mua các loại hải sản ngư dân khai thác được; đồng thời đây cũng là nơi cung cấp vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với giá cả bằng ở đất liền để ngư dân tiếp tục bám giữ ngư trường khơi xa.

Nhờ được thu mua sản phẩm ngay trên biển, được cung cấp nhiên liệu, vật tư, nước ngọt, lương thực thực phẩm nên tàu cá của ngư dân không phải quay về đất liền để tiêu thụ sản phẩm. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, đồng thời tăng thời gian bám biển khai thác nguồn lợi hải sản, thu nhập của mỗi lao động trên tàu nhờ đó cũng tăng lên đáng kể.

Từng đưa phương tiện vào tiếp nhiên liệu, lương thực và nước uống, thuyền trưởng tàu cá BT 98700, anh Nguyễn Văn Sông, quê ở đảo Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận, chia sẻ, nhờ có khu dịch vụ hậu cần này, ngư dân kịp thời tiêu thụ sản phẩm cũng như tiếp thêm vật tư, nhiên liệu, lương thực thực phẩm mà không cần phải quay về đất liền. Nhờ đó, hiệu quả của mỗi chuyến bám biển dài ngày tăng lên đáng kể.

Gắn bó nhiều năm với biển đảo Tổ quốc, Thuyền trưởng tàu 561 của Vùng 4 Hải quân, Đại úy Hoàng Đình Duyến chia sẻ: Giữa biển đảo xa khơi của Tổ quốc, giữa ngư trường truyền thống rộng lớn của ngư dân, cán bộ, chiến sỹ trên tàu 561 và cán bộ, công nhân viên Đội nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá Công ty Hải sản Trường Sa, Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ trên cụm đảo Đá Tây và các lực lượng khác luôn xác định nhiệm vụ chính trị của mình gắn liền với việc giúp đỡ ngư dân trong quá trình làm ăn trên biển.

Năm 2015 vừa qua, tàu 561 đã hàng trăm lần hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh cho ngư dân; nhiều trường hợp ngư dân bị bệnh nặng được cấp cứu kịp thời nên không bị ảnh hưởng đến tính mạng.

Điển hình là vào đầu tháng 9/2015, ngư dân Nguyễn Thành Trung bị trượt chân ngã và bị chấn thương sọ não. Nhận được tin, tàu 561 đã tiếp cận và kịp thời đưa bệnh nhân vào sơ cứu tại Bệnh xá đảo Trường Sa, sau đó bệnh nhân được máy bay đưa về đất liền để điều trị.

Mới đây nhất, vào ngày 8/1/2016, khi đang đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa truyền thống của mình, ngư dân Trần Ngọc Quang, quê ở Nghệ An, lên cơn đau bụng dữ dội. Nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu cá, lực lượng trực canh của Trạm cứu hộ cứu nạn Trường Sa đã phối hợp với tàu tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng tiếp cận tàu cá và đưa bệnh nhân Quang vào Bệnh xá thị trấn Trường Sa để cấp cứu kịp thời.

Các ngư dân khi khai thác hải sản trên ngư trường biển Trường Sa, Hoàng Sa nói chung và ngư trường xung quanh đảo Đá Tây nói riêng, không chỉ yên tâm bám biển mà còn luôn coi cán bộ, chiến sỹ trên tàu, trên đảo là người nhà và coi nơi trú ẩn tàu thuyền khi trời có bão tố là ngôi nhà thân yêu của mình./.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất