Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp
quốc António Guterres sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21/10 đến
ngày 22/10/2022.
Đây là chuyến thăm quan trọng của người đứng đầu tổ chức đa phương
lớn nhất thế giới, như phát biểu của ông António Guterres trước chuyến
thăm, đó là thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của Liên hợp
quốc đối với quan hệ đối tác Việt Nam - Liên hợp quốc trong 45 năm qua,
khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của
Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc
chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa
bình và phát triển trên thế giới.
ĐÓI TÁC MẠNH MẼ CỦA LIÊN HỢP QUỐC
Tổng Thư ký Liên hợp
quốc António Guterres từng khẳng định, Việt Nam luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Đây
là nhận định hoàn toàn chính xác, bởi ngay từ trước năm 1977, việc gia
nhập Liên hợp quốc luôn là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối
ngoại của Việt Nam.
Chỉ 4 ngày sau khóa họp đầu tiên Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày
14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
đã nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc.
31 năm sau ngày gửi đơn xin gia nhập này, trải qua 2 cuộc kháng chiến
bảo vệ Tổ quốc với nhiều mất mát, hy sinh, lá cờ Việt Nam mới chính
thức tung bay trước trụ sở Liên hợp quốc.
Cách đây 45 năm, ngày 21/9/1977, Thời báo New York Times đăng tin "Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc khi Đại hội đồng lần thứ 32 khai mạc" trong mục đầu tiên trên trang số 2.
Bản tin này viết: "Những tràng pháo tay vang dội khắp khán phòng,
những bài phát biểu liên hồi vang lên. Tất cả những điều này đã phản ánh
tình cảm của đa số các thành viên dành cho Việt Nam".
Đây là một dấu mốc đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Bởi khi ấy, Việt
Nam mới giải phóng đất nước được 2 năm. Không chỉ đối mặt với nhiều khó
khăn về kinh tế, kỹ thuật,… Việt Nam còn đang chịu lệnh cấm vận của
nhiều nước.
Việc gia nhập Liên hợp quốc không chỉ giúp Việt Nam nhận được nhiều
sự hỗ trợ trong việc tái thiết đất nước, mà còn là một sự công nhận với
một quốc gia thống nhất và độc lập, hòa bình.
Ngay sau khi tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự
đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên để Đại hội đồng Liên hợp
quốc khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ
chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất
xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh
tế–xã hội của 55 đất nước. Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc
năm 1977, song một số tổ chức quốc tế đã viện trợ cho Việt Nam từ năm
1975.
Những cái tên như UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của
Liên hợp quốc), UNDP (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc), UNICEF
(Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc), FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp
Liên hợp quốc), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) hay UNFPA (Quỹ Dân số Liên
hợp quốc)... đã trở nên quen thuộc, thành một phần trong hồi ức của
nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Cùng với sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức trực thuộc hệ thống
Liên hợp quốc, Việt Nam đã tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài để cùng
nội lực bên trong chuyển mình mạnh mẽ từ một trong những quốc gia nghèo
nàn, lạc hậu sau chiến tranh, trở thành quốc gia thu nhập trung bình và
đang hướng đến mục tiêu năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp
hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045
(kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập
cao.
Đại
sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc chụp ảnh lưu niệm cùng
Đại sứ các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ
2020-2021. (Ảnh: TTXVN)
45 năm trôi qua, lịch sử mối quan hệ đối tác hợp tác giữa Việt Nam và
Liên hợp quốc đã có một hành trình với đầy ắp, sâu đậm những dấu ấn của
Liên hợp quốc đối với tiến trình phục hồi sau chiến tranh, rồi đi đến
đổi mới, hội nhập sâu rộng, toàn diện với đời sống quốc tế của Việt Nam.
Đây đã trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO HƠN NỮA HIỆU QUẢ HỢP TÁC
Hiện nay, thông qua phối hợp với Văn phòng Điều Phối viên Liên hợp
quốc, các quỹ, chương trình Liên hợp quốc, Việt Nam đã thông qua các
Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển
Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng
Liên hợp quốc (UNICEF) giai đoạn 2022-2026 và Khung hợp tác phát triển
bền vững Việt Nam-Liên hợp quốc (trước đây là Kế hoạch Chiến lược chung)
giai đoạn 2022-2026.
Khung hợp tác tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực
hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2021-2025 và các Mục
tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Chương trình bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: Phát triển xã hội bao
trùm; Chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường;
Chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi nền kinh tế; Quản trị và tiếp
cận công lý.
Tổng ngân sách của Chương trình này là hơn 542 triệu USD, trong đó có
hơn 293 triệu USD có sẵn và hơn 248 triệu USD cần huy động thêm.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp
quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã tham gia, thúc đẩy các
sáng kiến đa phương quan trọng, nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính đưa ra cam kết tại Hội nghị COP 26 về việc đạt phát thải
ròng bằng "0" vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải
mêtan, Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về Rừng và Sử dụng đất, Tuyên
bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích
ứng toàn cầu.
Trong đại dịch COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận viện trợ hơn
61,7 triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX (vượt con số cam
kết ban đầu của COVAX là 38,9 triệu liều) và vật tư y tế trị giá 45
triệu USD từ các tổ chức Liên hợp quốc.
Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế
giới (WHO) đã và đang hỗ trợ Việt Nam trên 5 lĩnh vực gồm chuẩn bị khẩn
cấp y tế cộng đồng, giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với
dịch bệnh, phòng thí nghiệm, kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý
lâm sàng, truyền thông rủi ro.
Các tổ chức Liên hợp quốc cũng đưa ra hướng dẫn phòng, chống COVID-19
cho trẻ em, người lao động và toàn xã hội, có 2 báo cáo tổng hợp đánh
giá tác động của COVID-19 tại Việt Nam và khuyến nghị biện pháp ứng phó.
Đặc biệt, tháng 2/2022, Tổng Giám đốc WHO tuyên bố Việt Nam là một
trong những nước đang phát triển được nhận chuyển giao công nghệ sản
xuất vaccine mRNA.
Về phần mình, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung
của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu
vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người: Việt Nam đã tích cực tham gia
thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10
phê chuẩn Hiệp ước.
Lễ
xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường
thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Abyei và Nam Sudan tháng
4/2022. (Ảnh: TTXVN)
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 493 lượt sỹ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên
hợp quốc; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam
Sudan và 1 đội công binh tại Phái bộ ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa
Nam Sudan và Sudan); là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao
nhất trong các nước cử quân.
Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) với với số phiếu cao kỷ lục 192/193
phiếu ủng hộ và hoàn thành xuất sắc cương vị này, thể hiện trách nhiệm
cao, trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế
và khu vực.
Việt Nam đã lồng ghép được các lợi ích, ưu tiên thông qua việc chủ
trì, thúc đẩy các sáng kiến, văn kiện tại Hội đồng Bảo an, gắn kết vai
trò ASEAN trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an, khẳng định năng lực
điều hành, từng bước thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại
Hội đồng Bảo an với nhiều dấu ấn tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên
hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát
định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về
quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Việt Nam đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan
Liên hợp quốc như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính Thế
giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng
Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và
chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban
Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027; và mới đây đã
được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2023-2025, một số cơ chế của Liên hợp quốc như Ủy ban Ranh giới thềm lục
địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan
quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027
Việt Nam cũng phối hợp tốt với Liên hợp quốc trong công cuộc chống
đại dịch COVID-19, trong đó, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy
ngày 27/12 hằng năm là ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và đã được
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 112 quốc gia đồng thuận.
Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của
Liên hợp quốc và 1 triệu USD cho COVAX, đang chuẩn bị đóng góp tự nguyện
thêm 500.000 USD cho COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh
nhân theo cơ chế MEDEVAC của Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD
cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi
chiến sự tại Ukraine, cụ thể: 100.000 USD cho Quỹ ứng phó khẩn cấp
trung tâm (CERF); 100.000 USD cho Tổ chức Y tế Thế giới; 100.000 USD cho
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc; và 200.000 USD của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ Ukraine.
Có thể nói, hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc đang đạt kết quả tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu,
lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai
trò, tiếng nói và "dấu ấn" đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Những kết quả này cùng với chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng Thư
ký António Guterres sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung
của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn
tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích
cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và
góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới./.
TTXVN