Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại
biểu Quốc hội nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của Chính phủ,
báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, tập trung thảo luận, phân
tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm tình hình của năm 2022, nhận rõ những
kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng
mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua; tìm ra nguyên nhân
khách quan, chủ quan và đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn.
Trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên
nhân; dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian
tới để xem xét, quyết định các quan điểm, định hướng lớn, các mục tiêu
tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp
chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công
cho năm 2023, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo
hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023, kế hoạch tài chính
trung hạn 3 năm 2023-2025.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần
đầu tại Kỳ họp này đều rất quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ
trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
và các Nghị quyết của Trung ương.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày
16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn
thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử
dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập
cao.
Trong quá trình thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật rất quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát chủ trương, định hướng của Đảng
và thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời thành các quy định cụ thể;
chỉ xem xét đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có định
hướng của Trung ương; kế thừa các quy định mang tính chất ổn định với
thực tiễn, phù hợp của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; khắc phục
các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể,
đồng bộ, chiến lược, lâu dài...
Tiếp nối và phát huy những thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần
thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với những quyết sách quan
trọng, cụ thể hóa nhiều nội dung cốt lõi và vấn đề lớn của Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng, Kỳ họp lần này của Quốc hội phải thể hiện đậm
nét, mang ý nghĩa lan tỏa tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, như phát biểu bế mạc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
gắn với những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát
tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Thủ
tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội năm 2023. (Ảnh: TTXVN)
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo
cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự
kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống
chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định
hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường
xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội,
các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt
của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia
tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài;
sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội trong 9
tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện
trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề
ra.
Báo cáo của Chính phủ nhận định tình hình thế giới năm 2023 dự báo
tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh,
kinh tế, xã hội. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi
và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ
tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh
vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%;
chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã
hội bình quân 5-6%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ
lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...
Để thực hiện các chỉ tiêu này, Chính phủ đưa ra một số nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu, trong đó tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô,
kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của
nền kinh tế; thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng
cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; cải thiện môi trường
đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ
luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung
phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ,
chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính phủ đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu
quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng
cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả
năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời tập trung
hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng
giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công
tác quy hoạch.
Cuối phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý
kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao, tin tưởng vào những nội dung quan
trọng đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XIII
quyết định; đồng thời nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và rất vui
mừng, phấn khởi khi nước ta đã kiểm soát được đại dịch COVID-19. Mọi
hoạt động kinh tế-xã hội trở lại gần như bình thường; dự báo 14/15 chỉ
tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 được hoàn thành và hoàn thành vượt mức, đời
sống của nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và nhân dân còn
bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng đối với nhiều vấn đề, trong đó có tình hình
dịch COVID-19 và gần đây xuất hiện một số bệnh mới, nguy hiểm như đậu
mùa khỉ, cúm A, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp do virus Adeno, có thể
dẫn tới tình trạng "dịch chồng dịch"...
Đối với tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc,
nhất là trong ngành y tế, giáo dục và tập trung ở các thành phố lớn,
vùng sâu, vùng xa, cử tri bày tỏ sự lo ngại.
Để tiếp tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng hơn nữa, trên
cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết 5 nội dung cụ thể.
Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ
đạo, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương theo tinh
thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động.
Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ
sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa, cơ chế tự
chủ tài chính, cơ chế đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục để sớm giải
quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết
bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Theo Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của
cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp
xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.640
kiến nghị cử tri. Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm
quyền xem xét giải quyết theo quy định.
Nội dung kiến nghị cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời
sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan
tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Tài nguyên và Môi
trường; Nội vụ; Nông nghiệp, nông thôn; Giáo dục, đào tạo... Đến nay, có
2.596/2.640 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 98,3%.
Trong phiên họp chiều 20/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết quan trọng.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam dự Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa
đổi), việc xây dựng Luật là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ
thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt
Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa
tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu
vực cũng như trên toàn thế giới.
Đồng thời, việc sửa đổi Luật cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và
Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật, qua
đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền/tài trợ
khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.
Dự thảo Luật gồm 4 chương, 65 điều.
Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Báo cáo thẩm tra của Ủy
ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu rõ: Đây là trường hợp đặc biệt
khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một
đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của
thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc
phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.
Đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị
quyết. Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục nghiên
cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây
Nguyên, trong đó lưu ý đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển
công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm
đối với một số cây trồng đặc thù...; ưu đãi đầu tư phát triển du lịch,
dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân
tộc; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội
(sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý, cần
kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa
những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ
họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực hiện trong quá trình
xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp được thực tiễn kiểm nghiệm,
chứng minh là đúng đắn và phù hợp nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp
quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm phân định rõ
thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho
đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, từ đó góp phần
nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.
Trong phiên họp chiều 20/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ
và Báo cáo thẩm tra Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà
nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách
trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.
Cuối phiên họp chiều, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự./.
TTXVN