Gần 62 triệu cử tri của nước CHLB Ðức sẽ đi bỏ phiếu để bầu 598 nghị sĩ
Quốc hội nhiệm kỳ 18 tại Ðức; đồng thời xác định ai sẽ là Thủ tướng mới
để tiếp tục hành trình đưa kinh tế Ðức và Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone)
ra khỏi "thời kỳ đen tối".
Những phân tích trước thềm bầu cử cho thấy khả năng sẽ có những "kịch bản bất ngờ" diễn ra sau cuộc bầu cử quan trọng này.
Cuộc bầu cử tại Ðức lần này có tới 34 đảng phái tham gia tranh cử, song thực tế đây chỉ là "cuộc đua song mã" giữa hai đảng đối đầu lớn nhất trong Quốc hội là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Trong bối cảnh nền kinh tế Ðức đang chuyển biến tốt, với tốc độ tăng trưởng 0,7% trong quý 2 vừa qua; tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp là 6,8%, nước Ðức vẫn "chắc chân" với mức xếp hạng tín nhiệm ba chữ A, lợi thế có vẻ đang nghiêng về phía đảng của đương kim Thủ tướng A.Méc-ken.
Tuy nhiên, những phân tích và kết quả thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử cho thấy, "cuộc đua song mã" nói trên vẫn chứa đựng nhiều bất ngờ và ngay cả sự thay đổi tương quan lực lượng ở những đảng nhỏ, cũng sẽ tạo nên những "kịch bản chính trị" rất khác cho nước Ðức sau bầu cử. Kết quả thăm dò dư luận mà kênh truyền hình ZDF vừa công bố chỉ ba ngày trước ngày bầu cử cho thấy, có tới một phần ba số cử tri Ðức còn do dự, chưa biết sẽ bỏ phiếu cho chính trị gia hay đảng phái nào. Theo đó, liên minh cầm quyền Ðen-Vàng (CDU/CSU-FDP) chỉ nhỉnh hơn đúng 1% số phiếu ủng hộ so với các đảng đối lập là SPD (27%), đảng Xanh (9%) và Cánh tả (8,5%). Vấn đề khó đoán định và sẽ quyết định lớn đến tương lai của CDU là liệu đối tác liên minh FDP có vượt qua ngưỡng 5% để có đại diện trong Quốc hội hay không, khi mà đảng này mới đây vừa bị loại khỏi nghị viện bang Bay-en. Một điều khiến CDU quan ngại nữa là khả năng đảng "Sự lựa chọn cho nước Ðức" (AfD), vốn phản đối đồng tiền chung châu Âu (ơ-rô), có thể vào được Quốc hội, đồng nghĩa với việc số ghế trong Quốc hội sẽ bị chia nhỏ hơn. Không những thế, một khi đảng này vào Quốc hội, họ sẽ là "kỳ đà cản mũi" đối với kế hoạch phục hưng, bảo toàn đồng ơ-rô của bà Méc-ken.
Trong trường hợp liên minh trung hữu của Thủ tướng Méc-ken không giành được đủ số ghế để duy trì quyền lực, một "kịch bản ngoài ý muốn" có thể xảy ra là CDU buộc phải liên minh với đảng đối lập SPD. Như vậy, nước Ðức sẽ được dẫn dắt bởi một "đại liên minh" cầm quyền. Trên thực tế, bà Méc-ken đã từng "cùng chiến tuyến" với liên minh này trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên làm Thủ tướng. Song, với cử tri Ðức thì việc hai "kẻ đối lập" mạnh mẽ như CDU và SPD cùng lãnh đạo và đối đầu các khó khăn của đất nước, dường như lại là một tin vui. Viện Thăm dò dư luận Forsa nhận định rằng, kịch bản một đại liên minh được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi cử tri rất kỳ vọng vào các chính sách hướng tới sự đồng thuận chung.
Tuy nhiên, bất luận "kịch bản chính trị" nào xảy ra tại nước Ðức, thì tân Thủ tướng sau cuộc bầu cử này cũng phải tiếp tục một hành trình nhiều gian khó là thúc đẩy kinh tế Ðức và khu vực phục hồi nhanh chóng; giải quyết các vấn đề "cơm áo gạo tiền" đang được cử tri vô cùng quan tâm. Cuộc "chạm trán" trực tiếp duy nhất trên truyền hình, kéo dài 90 phút giữa ứng cử viên Thủ tướng của CDU, bà A.Méc-ken và ông P.Xtai-bruých, ứng cử viên của SPD trước bầu cử đã thu hút số lượng kỷ lục cử tri xem truyền hình là 40,3%. Ðiều này cho thấy, cử tri Ðức rất quan tâm cuộc bầu cử và kỳ vọng vị Thủ tướng mới sẽ mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho người dân, nâng cao hơn nữa vị thế đất nước. Theo đó, những vấn đề luôn được các ứng cử viên Thủ tướng nhấn mạnh nhất trong các đợt tranh cử vừa qua là: cải cách chính sách tiền lương, chính sách thuế thu nhập; quan điểm, thái độ của nước Ðức đối với cuộc chiến tại Xy-ri; cách thức đưa Eurozone ra khỏi khủng hoảng kinh tế...
Nước Ðức vốn là "đầu tàu" kinh tế khu vực, là một trong những quốc gia lãnh đạo châu Âu. Do vậy, "kịch bản" bầu cử lần này không chỉ tác động đến nước Ðức, mà còn có ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của Eurozone. Chính sách "thắt lưng buộc bụng" kiên quyết và cứng rắn mà chính quyền Béc-lin khởi xướng trong nhiệm kỳ vừa qua của bà Méc-ken dẫu gây nhiều tranh cãi, song đang chứng tỏ tính đúng đắn khi Eurozone đã ra khỏi "bão suy thoái" kinh tế trong quý 2 vừa qua. Nếu bà Méc-ken tiếp tục "yên vị" trên ghế Thủ tướng nhiệm kỳ tới, chắc chắn đường hướng đưa "con tàu Eurozone" ra khỏi khủng hoảng sẽ tiếp tục được duy trì. Trong trường hợp "người đàn bà thép" của châu Âu này thất cử, chưa thể đoán định được những "kịch bản" mới cho kinh tế khu vực.
Thời gian vừa qua, "bàn cờ chính trị" ở châu Âu đã liên tục được sắp xếp lại. Chính phủ ở các nước Tây Ban Nha, Pháp, I-ta-li-a... cùng các vị Thủ tướng liên tiếp "khăn gói ra đi" do sức ép từ cử tri, sâu xa hơn là từ khủng hoảng kinh tế. Giờ đây, liệu bà Méc-ken có trở thành một "ngoại lệ"? Liệu bà có vượt qua cố Thủ tướng Anh M.Thát-chơ để trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Lục địa già nắm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp? Câu trả lời đang nằm ở những lá phiếu hôm nay của gần 62 triệu cử tri Ðức.
Theo Nhân dân