Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 8/11/2016 14:59'(GMT+7)

Cuộc duyệt binh có một không hai trong lịch sử nước Nga và thế giới

Toàn cảnh đội hình cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ cách đây 75 năm

Toàn cảnh đội hình cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ cách đây 75 năm

Cách đây vừa đúng 75 năm, sau khi chiếm hầu hết châu Âu, ngày 22-6-1941, phát xít Đức tung một lực lượng mạnh nhất bao gồm các lực lượng bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân và hải quân bất ngờ tấn công Liên Xô, vi phạm thô bạo các hiệp định đã ký kết trước đó giữa hai nước. Cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô của phát xít Đức mở màn cũng khởi đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và thiêng liêng của Liên Xô kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt, lôi cuốn hàng triệu người con Xô-Viết cùng nhân dân các quốc gia châu Âu tham gia.

Để phát huy tinh thần của Cách Mạng Tháng Mười, ngày 7/11/1941, nhân kỷ niệm 24 cuộc Cách mạng vĩ đại này, Chính phủ Liên Xô quyết định tổ chức cuộc duyệt binh đặc biệt trên Quảng trường Đỏ trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp của thời chiến khi quân phát xít Đức đã tiến sát cửa ngõ thủ đô Mat-xcơ-va. Từ Quảng trường Đỏ, sau khi kết thúc cuộc duyệt binh, các binh chủng của Hồng quân Liên Xô trong trang phục và vũ khí chiến đấu tham gia sự kiện này đã tiến thẳng ra mặt trận.

Vào thời điểm đó, có tin đồn rằng Xta-lin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã rời khỏi thành phố Mat-xcơ-va. Để xua tan những tin đồn đó và củng cố tinh thần của nhân dân trong cả nước, ngày 24-10-1941 Xta-lin cho triệu tập Tư lệnh Quân khu Mat-xcơ-va và ra lệnh bắt đầu chuẩn bị cho cuộc duyệt binh trong điều kiện giữ bí mật tuyệt đối. Ngày 6-11-1941, nghĩa là một ngày trước khi có cuộc duyệt binh, Hội đồng thành phố Mat-xcơ-va tiến hành cuộc họp như thường lệ để chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.

Nhưng cuộc họp lần này của Hội đồng thành phố Mat-xcơ-va không tổ chức ở Nhà hát Lớn như thường lệ mà là tại một ga tàu điện ngầm. Tại đây bàn ghế và mọi dịch vụ cần thiết được bố trí phục vụ Hội nghị. Hôm đó, Xta-lin đã có một bài phát biểu quan trọng và được phát trên Đài Phát thanh Mat-xcơ-va, sau đó được in thành các tờ truyền đơn để rải vào các khu vực bị quân phát xít Đức chiếm đóng. Trong bài phát biểu này, Xta-lin giải thích nguyên nhân chủ yếu mà Liên Xô tạm thời bị thất bại trong thời kỳ đầu chiến tranh. Đó là do xe tăng của Liên Xô tuy có chất lượng tốt hơn xe tăng của Đức nhưng quá ít về số lượng so với địch. Vì vậy mà quân Đức đã giành thắng lợi trong thời kỳ đầu. Trong phần kết luận, Xta-lin nhận định, thất bại của quân đội Đức là không thể tránh khỏi.

Sau khi kết thúc Hội nghị, Xta-lin thông báo cho các thành viên của Bộ Chính trị và Bí thư quận ủy Mat-xcơ-va về thời điểm bắt đầu cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ sẽ được thực hiện sớm hơn 2 giờ so với thường lệ, nghĩa là vào 8 giờ sáng. Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh được biết về kế hoạch này vào lúc 23 giờ đêm hôm trước. Còn đại diện của tầng lớp lao động được mời đến Quảng trường Đỏ để thông báo về cuộc diễn tập vào 5 giờ sáng ngày 7-11-1941.

Khó khăn lớn nhất đối với việc tổ chức cuộc duyệt binh chính là mối lo ngại quân Đức có thể tiến công vào Quảng trường Đỏ để tiêu diệt Ban lãnh đạo Liên Xô. Do đó, bắt đầu từ ngày 5-11-1941, Không quân Liên Xô đã tiến hành các cuộc ném bom vào các sân bay của quân Đức. Một ngày trước khi diễn ra cuộc duyệt binh, các chuyên gia dự báo thời tiết cho biết, ở Mat-xcơ-va nhiều mây và tuyết rơi nặng nên tình hình này đã phần nào giảm bớt mối lo ngại trên. Vào đêm trước ngày duyệt binh, Xta-lin đã trực tiếp ra lệnh thắp sáng các ngôi sao trên Điện Krem-li và dỡ bỏ hàng rào ngụy trang lăng mộ của Lê-nin.

Cuộc duyệt binh này không chỉ là cuộc duyệt binh ngắn nhất trong số các cuộc duyệt binh thời Xô-viết, mà còn là cuộc duyệt binh mạo hiểm nhất, bởi lẽ ngày hôm đó các đơn vị tiền duyên của phát xít Đức chỉ đứng chân cách thủ đô Mat-xcơ-va 50 km. Cuộc duyệt binh đó đã có tác động to lớn đối với cục diện chiến tranh, được xem như một chiến dịch quân sự cực kỳ quan trọng, góp phần nâng cao tinh thần của quân đội và nhân dân, chứng tỏ cho toàn thế giới biết rằng, Liên Xô không khuất phục trước hành động chiến tranh xâm lược của phát xít Đức. Ngày hôm đó, nhiều đơn vị quân đội tham gia duyệt binh đã tiến thẳng ra mặt trận.

Tham gia cuộc duyệt binh chưa từng có này có 15 chiếc xe tăng T-34; các tiểu đoàn học viên Trường Sĩ quan Chính trị Quân khu Mat-xcơ-va; Trường Sĩ quan Pháo binh mang tên Cờ Đỏ; trung đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 của Quân khu Mat-xcơ-va; trung đoàn thuộc Sư đoàn 332 mang tên Phrun-de; các đơn vị bộ binh, kỵ binh và xe tăng thuộc Sư đoàn mang tên Đơ-gie-gin-xki; tiểu đoàn đặc biệt của Hội đồng quân sự Bộ Quốc phòng; Tiểu đoàn cận vệ Cờ Đỏ; hai trung đoàn pháo binh thuộc khu vực phòng thủ Mat-xcơ-va; Trung đoàn phòng không; hai tiểu đoàn xe tăng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh và một số đơn vị khác.

Đích thân Xta-lin tiếp nhận cuộc duyệt binh. Ông nhấn mạnh, cuộc chiến tranh mà Liên Xô đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh chính nghĩa. Trong thời gian duyệt binh, Ban Tổ chức phải áp dụng các biện pháp an ninh đặc biệt, theo đó tất cả các binh sĩ tham gia duyệt binh không được mang theo đạn, kể cả xe tăng và pháo cũng được tháo hết đạn. Điều may mắn và kỳ lạ là ngay hôm đó, không một máy bay nào của quân Đức bay vào vùng trời Quảng Trường Đỏ, mặc dù hôm sau, Quân đoàn không quân tiêm kích số 6 và lực lượng Phòng không Mat-xcơ-va đã bắn rơi 34 máy bay của quân Đức ngay tại khu vực này.

Trong cuộc duyệt binh hôm đó, một chuyện xảy ra bất ngờ. Có ba chiếc xe tăng phải đi phía cuối đội hình. Trong khi đang chạy trên Quảng Trường Đỏ, một trong ba chiếc xe tăng đó bị trượt trên mặt đường lát đá trơn. Thế là hai chiếc xe tăng đi trước đã quay vòng lại để kéo cứu chiếc xe bị trượt, chứ không thể tiếp tục bám theo đội hình cuộc duyệt binh. Lý do là, các chiến sĩ lái những chiếc xe tăng T-34 này được lệnh từ mặt trận đi tới tham dự lễ duyệt binh. Họ tự hào và hồi hộp đến mức vẫn nghĩ mình đang ở trên mặt trận chứ không phải đang tham gia duyệt binh và vì thế, theo điều lệnh chiến đấu, một khi xe đồng đội bị lâm nạn, các xe khác phải cứu kéo giúp. Và họ đã quay lại giúp chiếc xe tăng bị trượt trên mặt đá ở Quảng Trường Đỏ.

Tin về sự cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Các tờ báo của Anh và Mỹ đưa tin nhận xét, việc Liên Xô tổ chức một cuộc duyệt binh ở Mat-xcơ-va ngay sát chiến tuyến của phát xít Đức là biểu hiện tuyệt vời về lòng gan dạ và dũng cảm của nhân dân Liên Xô.

Không thể đánh giá hết ý nghĩa cực kỳ quan trọng của cuộc duyệt binh đặc biệt này  trong lịch sử nước Nga và toàn thế giới. Hình ảnh của cuộc duyệt binh và bài phát biểu của Xta-lin sau đó được sử dụng để xây dựng bộ phim tư liệu mang tựa đề "Thất bại của quân đội Đức ở ngoại ô Mat-xcơ-va". Bộ phim này sau đó được nhận Giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá nhất thế giới vào năm 1942.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Chính phủ Liên bang Nga quyết định không tiến hành duyệt binh trên Quảng Trường Đỏ. Truyền thống duyệt binh chỉ được khôi phục lại vào ngày 9-5-1995 nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Sau đó, hàng năm, các cuộc duyệt binh lại được tiến hành trên Quảng trường Đỏ nhưng không có các đơn vị cơ giới. Mãi đến ngày 9-5-2008, các đơn vị cơ giới lại tham gia cuộc duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mat-xcơ-va./.

 

Đại tá Lê Thế Mẫu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất