(TG) – Sáng ngày 27/8, tại Hà Nội, Báo
Khoa học và Đời sống (Báo KH&ĐS) tổ chức trao giải cuộc thi “Bách
niên giai lão 2016”. Đây là cuộc thi nhằm truyền tải đến người cao tuổi
khắp cả nước những kinh nghiệm tinh túy nhất để có một tuổi già như ý.
Phát biểu tại Lễ trao giải ông Nguyễn Minh Quang - Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống (Báo KH&ĐS) cho biết: Bắt đầu từ 1/7/2015, Báo KH&ĐS phối hợp
cùng Công ty TNHH Tuệ Linh đã phát động cuộc thi ''Bách niên giai
lão''. Đối tượng của cuộc thi là những cặp vợ chồng có bí quyết chung
sống với nhau hạnh phúc có tuổi đời thấp nhất từ 50 tuổi trở lên. Khi phát động cuộc thi, Báo KH&ĐS đã có những tìm hiểu rất kỹ về đối tượng người cao tuổi ở Việt Nam, hơn nữa, đây cũng là đối tượng đặc biệt quan tâm tới Báo KH&ĐS vì những tư vấn thiết thực, hữu ích qua những bài viết dễ hiểu, dễ áp dụng.
Theo các điều tra về người cao tuổi ở Việt Nam thì đa phần một người cùng lúc có nhiều bệnh, trung bình mỗi người bị 4 bệnh. Thế nhưng ý thức đi khám định kỳ kém, có nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì kinh tế eo hẹp và chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe. Thậm chí nhiều người có bệnh cũng kệ, nghĩ rằng đó là bệnh già, có tuổi thì có bệnh. Chính vì vậy, họ chỉ đi khám chữa khi bệnh đã quá nặng, nên chi phí phải bỏ ra là rất lớn.
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đang trong bối cảnh già hóa dân số. Thế nhưng đa phần người cao tuổi ở Việt Nam chưa có thói quen tích lũy để chuẩn bị cho tuổi già. Tỉ lệ người cao tuổi có lương hưu, có trợ cấp xã hội là khoảng trên 30%. Hiện cũng chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Đây là con số thấp so với các nước khác.
“Người cao tuổi đừng coi cao tuổi là dấu chấm hết của cuộc đời. Người Nhật Bản đón nhận giai đoạn này với tinh thần lạc quan rất lớn vì họ cho rằng, đây mới chính là giai đoạn để sống cho bản thân mình. Muốn vẽ, muốn học tiếng Anh, khiêu vũ... thì đây mới là giai đoạn để thực hiện. Tất nhiên để làm được điều đó thì phải có sức khỏe và điều kiện kinh tế tốt”. Bà Trần Bích Thủy nhấn mạnh.
|
Tiết mục văn nghệ tại Lễ trao giải “Bách niên giai lão 2016” (Ảnh DP)
|
Ở Việt Nam, người cao tuổi được chia ra các nhóm theo độ tuổi, từ 60-69 là nhóm người cao tuổi còn trẻ, nhóm 70-79 là người cao tuổi trung bình. Nhóm 80 trở lên là người già. Không nên gọi tất cả nhóm người cao tuổi là người già. Nhóm 60-69 tuổi là nhóm có sức khoẻ còn tốt, thì phải tạo điều kiện để họ phát huy tham gia lao động sản xuất, nhóm trung bình thì phải vừa chăm sóc, vừa phát huy, còn nhóm người già thì thiên về chăm sóc.
Ông Nguyễn Minh Quang - Tổng Biên tập Báo KH&ĐS nhấn mạnh: Làm thế nào để nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi là mục đích cao cả mà cuộc thi ''Bách niên giao lão'' hướng tới. Thông qua 157 bài viết được đăng tải trên tổng số hơn 2.000 bài dự thi gửi về, Báo KH&ĐS cùng nhà tài trợ Tuệ Linh đã truyền tải đến người cao tuổi khắp cả nước những kinh nghiệm tinh túy nhất để có một tuổi già như ý.
Ông Nguyễn Minh Quang - Tổng Biên tập Báo KH&ĐS cho biết, khi trò chuyện với cuộc thi ''Bách niên giai lão'' về bí quyết của mình, GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục chia sẻ: Ngoài thời gian làm việc mỗi ngày, ông dành thời gian từ 5 đến 7h sáng tập yoga, sau 4h chiều thì đi bộ. Ông cùng với bà tập luyện nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe. Bà luôn nhắc nhở ông không ăn quá no, không để quá đói./.
Duy Phong