1. Các giai đoạn phát triển của cuộc xung đột ở Xyri.
Từ tháng 1.2011, ở Xyri đã có một số cuộc biểu tình của một bộ phận người dân với quy mô nhỏ tỏ thái độ bất bình đối với chính quyền Bashar al Assad do kinh tế, đời sống khó khăn và một phần do thiếu dân chủ và không công bằng trong phân phối các nguồn lợi, của cải, tài nguyên quốc gia.
Đến nay cuộc xung đột ở Xyri đã phát triển qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có đặc điểm nổi bật: - Giai đoạn 1 từ đầu 2011 đến cuối tháng 3.2012. Trong giai đoạn này lại có thể chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn: 1. Từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2011. Trong thời gian này, ở Xyri luôn diễn ra các cuộc biểu tình đường phố (phi bạo lực là chủ yếu) phản đối Chính quyền Assad. Trong thời gian này, đụng độ giữa lực lượng của chính quyền và những người biểu tình có gây thương vong nhưng không đáng kể; 2. Từ cuối năm 2011, đặc biệt từ đầu 2012, một bộ phận sĩ quan, binh lính của chính quyền Assad đào ngũ và gia nhập lực lượng nổi dậy chống chính phủ. Bắt đầu từ đây, biểu tình, bạo loạn, xung đột vũ trang giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ liên tiếp diễn ra xen kẽ nhau. Hậu quả là số người thương vong liên tục tăng, nhưng cũng chỉ hàng ngàn người.
Trong giai đoạn 1, nhất là từ năm 2012, Mỹ và các đồng minh Tây Âu (chủ yếu là Anh và Pháp) và các đồng minh khu vực của Mỹ (Gioocdani, Arập Xêut, Cata, Thổ Nhĩ Kỳ…) đã hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy về mọi mặt như: cung cấp tài chính, vũ khí loại nhỏ, cung cấp thông tin tình báo, huấn luyện cho quân nổi dậy, cung cấp thuốc men, đạn dược và các phương tiện thông tin, các phương tiện chiến đấu… Đồng thời, Mỹ và các đồng minh gia tăng sức ép với chính quyền Damat thông qua các kênh ngoại giao và các lệnh trừng phạt về kinh tế, an ninh.
Nhưng dù sao, cuộc xung đột ở Xyri từ đầu 2011 đến cuối tháng 3.2012 vẫn mang đặc điểm nổi bật của một cuộc xung đột nội bộ một quốc gia.
- Giai đoạn 2 của cuộc xung đột ở Xyri từ 1.4.2012 đến 8.9.2013.
Mỹ và các đồng minh Tây Âu, chủ yếu là Anh và Pháp, đã thúc đẩy việc thành lập nhóm “những người bạn của Xyri” gồm có Mỹ (giữ vai trò thủ lĩnh) các đồng minh phương Tây, các đồng minh khu vực Trung Đông của Mỹ và tổ chức Hội nghị ngoại trưởng các quốc gia thuộc “nhóm những người bạn của Xyri” vào ngày 1.4.2012 ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tại cuộc họp này, ngoại trưởng các nước đã tuyên bố cam kết hỗ trợ tài chính và hậu cần cho lực lượng nổi dậy chống chính quyền Assad, chủ yếu cho cái gọi là “Quân đội Xyri Tự do”, đồng thời yêu cầu ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
Ngay sau hội nghị 1.4.2012, Ngoại trưởng Mỹ H.Clintơn đã tuyên bố “Chúng tôi nghĩ ông Assad phải ra đi”. Tuyên bố này là một thông điệp đối với chính quyền Damat và cộng đồng quốc tế là Oasinhtơn và các đồng minh của họ sẽ theo đuổi mục tiêu loại bỏ ông Assad. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được hiểu là sự cam kết mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh trong việc hậu thuẫn và hỗ trợ mọi mặt cho lực lượng nổi dậy chống chính quyền Assad và làm cho cuộc xung đột ở Xyri ngày càng khốc liệt, đẫm máu.
Trong giai đoạn 2 này, cần lưu ý đến sự dịch chuyển tương quan lực lượng trên chiến trường ở Xyri. Cuối 2012 đến đầu 2013, lực lượng nổi dậy giành thế chủ động trên chiến trường, quân chính phủ Assad phải bị động đối phó. Cùng lúc đó, một số nhân vật cấp cao giữ vị trí chủ chốt trong chính quyền Assad rời bỏ Damat và chạy về gia nhập lực lượng nổi dậy hoặc chạy ra nước ngoài. Vì thế, một vài chính khách có máu mặt ở Oasinhtơn đã lớn tiếng tuyên bố: Chính quyền Assad chỉ còn tính từng ngày!.
Từ khoảng tháng 3.2013 đến nay, quân đội Xyri đã giành lại thế chủ động và liên tiếp đẩy lùi lực lượng nổi dậy tại nhiều vùng chiến lược trọng điểm. Trên chiến trường, tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía quân đội của Tổng thống Bashar al Assad, quân nổi dậy phải co cụm chống đỡ, phòng ngự và đứng trước nguy cơ tan rã.
Để cứu quân nổi dậy và lập lại thế cân bằng trên chiến trường, Oasinhtơn vội vàng tuyên bố viện trợ quân sự khẩn cấp cho lực lượng nổi dậy (nói là viện trợ quân sự phi sát thương). Hùa theo Mỹ, EU vội vàng tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với lực lượng nổi dậy. Mỹ, EU và các đồng minh khu vực (Arập Xêut, Gioodani, Thổ Nhĩ Kỳ…) ồ ạt cung cấp tài chính và cung cấp vũ khí, các phương tiện chiến tranh cho quân nổi dậy. Họ còn đưa lính đặc nhiệm, các “thợ bậc cao” chuyên nghề đánh lén, lật đổ vào Xyri để hỗ trợ quân nổi dậy hòng lật lại thế cờ trên chiến trường.
Mặc dù Mỹ và các đồng minh đã làm mọi việc có thể, trừ can thiệp quân sự, nhưng trên chiến trường, thế và lực ngày càng nghiêng về lực lượng của Assad, quân nổi dậy ngày một lún sâu vào bị động chống đỡ. Nếu không có can thiệp quân sự từ bên ngoài (như trường hợp Libi 2011), thì gần như không thể loại bỏ được Assad. Mỹ và các đồng minh phải tạo cớ để can thiệp vào Xyri và việc vu cáo chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học là “hợp lý” nhất! Đó là nguồn gốc của sự kiện sử dụng vũ khí hóa học ngày 21.8.2013 ở ngoại ô Damat.
Khác với giai đoạn 1 (đầu năm 2011 đến tháng 3.2012), ở giai đoạn 2 từ 1.4.2012 đến 20.8.2013, cuộc xung đột quân sự ở Xyri không còn là việc nội bộ của quốc gia này mà đã có sự tham gia công khai của nhiều nước do Mỹ dẫn dắt, chủ trì.
- Giai đoạn ba của cuộc xung đột quân sự ở Xyri bắt đầu từ 21.8.2013, khi lực lượng nổi dậy tố cáo (đúng ra là vu cáo) chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học ngày 21.8.2013 ở ngoại ô thủ đô Damat làm hơn một ngàn người chết.
Ngay lập tức, chính quyền Damat cho rằng lực lượng nổi dậy đã vu cáo để tạo cớ cho Mỹ tấn công quân sự vào Xyri và khẳng định chính lực lượng nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học ngày 21.8.2013 ở ngoại ô Damat rồi đổ vấy cho quân đội Assad.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki – Moon đã cử các thanh sát viên đến Damat để điều tra xem có phải vũ khí hóa học đã được sử dụng ngày 21.8.2013 tại ngoại ô Damat và xem ai đã sử dụng.
Mặc dù chưa có kết luận của các thanh sát viên LHQ, Tổng thống B.Obama vẫn ra lệnh đặt cỗ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ ở trạng thái chuẩn bị chiến tranh (trước giờ G) và hướng tên lửa, nòng súng về phía Damat.
Ngày 9.9.2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa sáng kiến “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” với nội dung chủ yếu là chính quyền Bashar al - Assad khai báo đầy đủ và đặt toàn bộ kho vũ khí hóa học dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, đổi lại Mỹ và các đồng minh không tấn công quân sự.
Tổng thống B.Obama và Tổng thống Assad chấp nhận sáng kiến của Tổng thống V.Putin và 14.9.2013 tại Geneve Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc hủy bỏ kho vũ khí hóc học của Xyri.
Ngày 21.9.2013, Tổng thống Bashar al Assad đã chuyển đến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon hồ sơ về toàn bộ kho vũ khí hóa học của Xyri và đến 14.10.2013 Xyri sẽ trở thành thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc 1993 về cấm sản xuất, tàng trữ, vân chuyển và sử dụng vũ khí hóa học.
Từ 19.9.2013, Hội đồng Bảo an LHQ bắt đầu thảo luận về việc giải giáp vũ khí hóa học của Xyri. Mỹ và Anh, Pháp đưa ra bản dự thảo Nghị quyết của HĐBA trong đó có nội dung sẽ tấn công quân sự nếu chính quyền Assad không thực hiện cam kết. Nga kiên quyết phản đối việc tấn công quân sự đối với Xyri. Cuộc tranh cãi về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm giải giáp kho vũ khí hóa học của Xyri mới bắt đầu và có lẽ còn lâu mới đạt được thỏa thuận.
Cuộc xung đột đẫm máu ở Xyri đã chính thức được quốc tế hóa trong giai đoạn ba bắt đầu từ ngày 21.8.2013.
2. Tại sao cuộc xung đột ở Xyri lại khó dài và khốc liệt hơn Tuynidi, Ai Cập, Libi?
Trước khi lý giải vấn đề này, cũng nên nói đôi điều về một vài khái niệm, thuật ngữ liên quan.
Ở phương Tây, người ta gọi là “mùa xuân Arập” để chỉ các biến động chính trị tại các quốc gia thuộc vòng cung Bắc Phi – Trung Đông diễn ra từ tháng 1.2011, từ Tuynidi qua Ai Cập đến Libi và đang dừng lại ở Xyri. Một số nơi khác, người ta gọi là “cách mạng màu”, cũng có người cho đó là các cuộc cách mạng. “Mùa xuân Ảrập” là cách nói khái quát nặng về biểu tượng, nhân cách hóa theo kiểu văn học, về thực chất không phản ánh được bản chất các sự kiện đã và đang diễn ra.
Nếu gán cho các đảo lộn ở Tuynidi, Ai Cập, Libi là các cuộc cách mạng có vẻ gượng ép và cũng chưa phản ánh đúng bản chất các sự kiện. Cách mạng là lật đổ, phá bỏ cái cũ đã lạc hậu và đang cản trở xã hội phát triển tiến lên và thay vào đó cái mới tốt đẹp hơn. Lực lượng làm cách mạng thông qua bộ tham mưu của họ phải đưa ra được cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược một cách mạch lạc để xây dựng xã hội mới. Những người tham gia lật đổ Ben Ali, Muharack, Gadhafi mới làm được mỗi một việc là xóa bỏ cái cũ lạc hậu, mà chưa đưa ra được cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược xây dựng đất nước sau khi đã đập tan cái cũ. Vì thế, gần ba năm sau khi đã lật đổ chế độ cũ, Tuynidi, Ai Cập, Libi vẫn chìm trong hỗn loạn và đến nay vẫn chưa thấy lối ra.
Do đó, có thể xem những sự kiện đã diễn ra ở Tuynidi, Ai Cập, Libi năm 2011 là những đảo lộn chính trị - xã hội mang tính cách mạng.
Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn mỗi ngày có 5.000 người dân Xyri tản cư sang các nước láng giềng, đã có 4,25 triệu dân Xyri tản cư trong nước, hơn 2 triệu dân Xyri di tản ra nước ngoài và hơn một trăm ngàn người chết. Những con số này vượt xa cả Tuynidi, Ai Cập, Libi cộng lại.
Cuộc xung đột ở Xyri khác với các cuộc xung đột đã diễn ra ở Tuynidi, Ai Cập và Libi ở mấy điểm sau đây:
- Một là, về tính chất tôn giáo của các cuộc xung đột.
Ở Tuynidi, Ai Cập và Libi, hơn 90% cư dân theo đạo Hồi dòng Sunni, các ông Ben Ali, Mubarack, Gadhafi và những nhân vật chủ chốt trong chính quyền của họ đều là những tín đồ đạo Hồi dòng Sunni. Nghĩa là những người theo đạo Hồi dòng Sunni lật đổ chính quyền của người Sunni.
Ngược lại, tại Xyri, Tổng thống Bashr al - Assad và các cộng sự chủ chốt của ông trong chính quyền Damat là tín đồ đạo Hồi dòng Shiite thiểu số, hơn 70% dân Xyri là tín đồ đạo Hồi dòng Sunni. Ở đây, người Sunni chiếm đa số nổi dậy chống chính quyền của người Shiite thiểu số.
Như vậy, khác với Tuynidi, Ai Cập và Libi, cuộc xung đột ở Xyri, nhất là ở giai đoạn đầu, mang đậm màu sắc một cuộc xung đột tôn giáo. Từ trước tới nay và ở khắp nơi trên hành tinh, mọi cuộc xung đột tôn giáo đều gay gắt, kéo dài và đẫm máu.
- Hai là, khác với Tuynidi, Ai Cập và Libi, Xyri có vị trí địa chính trị, địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Xyri nằm ở bờ Đông của Địa Trung Hải, nơi ngã ba của ba châu lục: châu Á, châu Phi, châu Âu, và ở tâm điểm của vòng cung Ảrập - Hồi giáo Bắc Phi - Trung Đông.
Mặc dù không giàu dầu mỏ, khí đốt như Irắc, Iran, Ảrập Xêut và các quốc gia Bắc Phi, Trung Đông khác, với vị trí địa chính trị,địa chiến lược nói trên, Xyri trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích hết sức gay gắt của các cường quốc thế giới, trước hết là Nga và Mỹ.
Từ 1970, thông qua một cuộc đảo chính không đổ máu, ông Hafez Assad (bố của Bashar al Assad) nắm quyền lực (tổng thống) ở Damat và ông đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với Liên Xô (mức độ dưới đồng minh trên bạn bè). Năm 2000, ông Bashar al Assad thừa kế chức Tổng thống từ cha mình và ông ta tiếp tục đường lối thắt chặt quan hệ với Nga và coi Ixraen và các đồng minh của Ixraen là kẻ thù của Xyri. Giữa Ixraen và Xyri đã xảy ra 4 cuộc chiến tranh vào các năm 1948, 1949, 1967, 1973 và sau cuộc chiến tranh 1967, Ixraen đã chiếm cao nguyên chiến lược Gô - lan của Xyri. Vì thế, Xyri luôn coi Ixraen là kẻ thù truyền kiếp.
Xyri cần thắt chặt quan hệ với Nga để đương đầu với Ixraen và các đối thủ khác ở khu vực (Ảrập Xêut, Gioocdani, Thổ Nhĩ Kỳ…). Ngược lại, Nga rất cần Xyri, vì Xyri là bạn thân thiết duy nhất của Nga ở Trung Đông, là nơi đứng chân của Nga ở Trung Đông, và Nga dùng Xyri làm nơi để ngăn chặn Mỹ và Tây Âu độc chiếm khu vực Trung Đông - nơi cận kề với Trung Á - sân sau của Nga. Nếu Mỹ và Tây Âu khuất phục được Xyri và Iran, thì họ sẽ tràn vào Trung Á, can thiệp vào các nước Cộng hòa tự trị của Nga và an ninh của Nga bị đe dọa hết sức nghiêm trọng trên toàn tuyến Tây Nam.
Đây là lý do chủ yếu khiến Nga, đã gần ba năm nay, luôn có thái độ kiên quyết phản đối Mỹ và Tây Âu can thiệp quân sự vào Xyri (Nga có thể bỏ rơi Libi nhưng không thể bỏ Xyri). Lợi ích kinh tế của Nga ở Xyri không lớn, chủ yếu là các hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng tỷ dola cho Damat, quan trọng nhất là lợi ích chính trị - an ninh.
Về phía đối diện với Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ý và các đồng minh khu vực (Ảrập Xêut, Thổ Nhĩ Kỳ, Gioocdani…), đã hơn hai thập niên nay, tìm mọi cách để loại bỏ Tổng tống Bashar al - Assad nhằm hai mục đích: 1. Chặt đứt trục liên minh Xyri - Iran tại Trung Đông, Damat là cánh tay phải của Teheran; 2. Đẩy lùi ảnh hưởng của Nga khỏi vòng cung Bắc Phi - Trung Đông.
Hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêut hợp tác với Mỹ và Tây Âu nhanh chóng loại bỏ Bashar al Assad có hai mục đích riêng (ngoài hai mục đích chung nói trên): 1. Loại Assad để làm suy yếu Iran, cường quốc khu vực thách thức vai trò của Thổ và Ảrập Xêut, tranh giành vai trò “minh chủ” ở khu vực; 2. Làm suy yếu lực lượng Hồi giáo dòng Shiite vì Iran là trung tâm sức mạnh của Hồi giáo Shiite tại vòng cung Bắc Phi - Trung Đông, còn Thổ và Ảrập Xêut là nơi tập trung sức mạnh của Hồi giáo Sunni.
Như vậy, tại Xyri tồn tại đồng thời các mâu thuẫn đối kháng hết sức gay gắt: mâu thuẫn tôn giáo trong nước cộng hưởng với mâu thuẫn lớn hơn giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shiite trong toàn bộ thế giới Hồi giáo; mâu thuẫn giữa các cường quốc khu vực cộng hưởng với mâu thuẫn giữa các cường quốc thế giới (chủ yếu giữa Mỹ và Nga) trong việc tranh giành ảnh hưởng tại Xyri - quốc gia có vị trí địa chính trị, địa chiến lược cực kỳ quan trọng.
- Nguyên nhân thứ ba làm cho cuộc xung đột ở Xyri kéo dài, gay gắt và đẫm máu là do tương quan lực lượng trên chiến trường.
Chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad cũng là một chính quyền dân chủ thấp, nhưng không tệ hại, không mất lòng dân chủ như Ben Ali ở Tuynidi hay H.Mubarack ở Ai Cập. Đa số người dân Xyri không muốn lật đổ Assad, mặc dù họ không vừa lòng với ông.
Chính quyền Assad có tiềm lực kinh tế khá, quan trọng hơn là sức mạnh quân sự. Tại Trung Đông, sức mạnh quân sự của chính quyền Damat chỉ đứng sau Ixraen và Iran. Sư đoàn thiết giáp số 4 và lực lượng Vệ binh Cộng hòa do Maher al - Assad, em trai Bashar al - Assad, chỉ huy là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ và được trang bị vũ khí và các phương tiện chiến tranh hiện đại. Quân đội Xyri được trang bị số lượng lớn tên lửa đất đối đất và đất đối không hiện đại. Không quân của Xyri với khoảng 200 máy bay MIG 21/25, khoảng 180 MIB 23/29 và khoảng hơn 100 máy bay tấn công SU - 22/24 đủ sức làm suy yếu lực lượng chủ lực của quân nổi dậy.
Quân nổi dậy chống chính quyền Assad là một lực lượng ô hợp gồm trên một ngàn nhóm nhỏ thuộc hơn 20 lực lượng khác nhau. Bọn họ chỉ thống nhất với nhau là lật đổ Assad, nhưng mâu thuẫn gay gắt với nhau về lợi ích. Trong lực lượng đối lập không có người nào đủ tầm trí tuệ và phẩm chất để làm ngọn cờ tập hợp lực lượng, cũng không có một lực lượng nào tử tế, họ chống Assad không vì đất nước, không một kẻ nào vì lợi ích của người dân Xyri; thậm chí, họ vừa chống Assad vừa chống nhau, tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của nhau, thủ tiêu nhau.
Trong thành phần của lực lượng nổi dậy chống Assad có rất nhiều nhóm thánh chiến Hồi giáo và các nhóm khủng bố quốc tế Al. Qaeda.
Tương quan lực lượng trên chiến trường ngày càng nghiêng về quân đội của Tổng thống Bashar al Assad, lực lượng nổi dậy, dù được Mỹ và các đồng minh Tây Âu và các đồng minh khu vực đã hậu thuẫn và hỗ trợ mọi mặt, nhưng vẫn ở thế yếu, chủ yếu có cụm chống đỡ một cách bị động.
Tóm lại, tại Xyri đang đồng thời tồn tại tất cả các mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu của thời đại, đó là: mâu thuẫn giữa sự áp đặt của siêu cường Mỹ lên thế giới và các lực lượng chống áp đặt trên thế giới (có thể xem đây là mâu thuẫn chủ yếu); mâu thuẫn giữa các cường quốc thế giới trong việc tranh giành các vị trí địa chính trị, địa chiến lược đặc biệt quan trọng của Xyri; mâu thuẫn giữa các cường quốc khu vực trong việc tranh giành ngôi vị “minh chủ”; mâu thuẫn giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shiite; mâu thuẫn sắc tộc, dân tộc trong đất nước Xyri nói riêng, ở khu vực nói chung; mâu thuẫn giữa đòi hỏi của người dân về một xã hội dân chủ, công bằng với nền chính trị thiếu dân chủ và do các nhóm lợi ích chi phối.
3. Xu hướng phát triển của cuộc xung đột ở Xyri.
Từ 9.9.2013 đến nay và trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế, trực tiếp và chủ yếu là Hội đồng Bảo an LHQ đang tìm cách hiện thực hóa sáng kiến “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” 9.9.2013 của Tổng thống V.Putin và thỏa thuận Nga - Mỹ ở Geneve 14.9.2013 về giải giáp kho vũ khí hóa học của Xyri.
Sáng kiến của Putin và thỏa thuận Nga - Mỹ chỉ mới là bước mở đầu, là ý tưởng, và dù có tốt đẹp bao nhiêu, thì việc hiện thực hóa ý tưởng cũng luôn gặp muôn vàn trắc trở, khó khăn, trong không ít trường hợp là bất khả thi. Hóa ra, con đường dài nhất không phải là từ trái đất đến sao Hỏa hay sao Kim, mà từ lời nói đến việc làm!
Có hai khó khăn lớn trong quá trình triển khai thỏa thuận Nga - Mỹ 14.9.2013 trong đó sự khác xa nhau, thậm chí đối lập nhau về nhận thức của các bên liên quan là khó nhất, là cản trở lớn nhất.
Về nhận thức, từ 2011 đến nay, Hội đồng Bảo an LHQ đã 3 lần thất bại trong việc ra nghị quyết trừng phạt Xyri do Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết.
Hiện nay, Mỹ, Anh và Pháp đưa ra dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ có vận dụng Chương 7 Hiến chương LHQ, cho phép thực hiện lệnh trừng phạt hoặc can thiệp quân sự nếu chính quyền Assad không thực hiện cam kết. Nga kiên quyết phản đối và chống lại mọi nghị quyết cho phép Mỹ và các đồng minh đe dọa dùng vũ lực và can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavior nói; “Họ không thấy trong bản thỏa thuận Nga - Mỹ cơ hội cứu thế giới thoát khỏi một khối lượng lớn vũ khí hóa học ở Xyri mà là cơ hội để làm những điều mà Nga và Trung Quốc sẽ không chấp thuận, cụ thể là thúc đẩy thông qua một nghị quyết liên quan tới (việc đe dọa) dùng vũ lực chống chế độ (ở Xyri) và che chở cho phe đối lập”.
Trước mắt là bế tắc trong việc ra nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc triệt thoái kho vũ khí hóa học khổng lồ (khoảng 1000 tấn) của Xyri.
Có một số câu hỏi: 1. Liệu Mỹ, Anh, Pháp và Nga, Trung Quốc có nhân nhượng và thỏa hiệp với nhau để có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Xyri không? Và 2. Nếu các cường quốc Thường trực Hội đồng Bảo an không thỏa hiệp, thỏa thuận được với nhau, các nghị quyết thứ 4, thứ 5… cùng chung số phận với các nghị quyết số 1, số 2, số 3 trong năm 2011 và 2012, thì Mỹ và các đồng minh có tấn công quân sự Xyri không?
Với câu hỏi thứ nhất: họ có thỏa hiệp với nhau không?
Cần lưu ý rằng: Xét sự vận động của tương quan lực lượng trên chiến trường Xyri và tính toán lợi ích chiến lược của các bên liên quan, tôi cho rằng khả năng đạt được thỏa hiệp của các cường quốc trong Hội đồng Bảo an LHQ có xác suất lớn.
Nhưng khi chưa đạt được thỏa thuận, thậm chí là không đạt được thỏa thuận, không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Xyri, thì Mỹ và các đồng minh có tấn công quân sự Xyri không? Khả năng này có xác suất xảy ra rất nhỏ nếu không muốn nói là không, ít ra từ nay đến cuối năm 2014. Tại sao?
Về đối nội, kinh tế Mỹ còn trì trễ, nợ công cực lớn (vượt tổng GDP quốc gia), cuộc chiến giữa Quốc hội và Nhà Trắng về trần nợ Chính phủ chưa thấy lối ra, chồng chất các vấn đề an sinh xã hội mà ông Obama đã hứa hẹn lúc vận động tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ II chưa được giải quyết, và đại đa số người dân Mỹ phản đối can thiệp quân sự vào Xyri.
Về đối ngoại, cuối năm 2014 Mỹ và liên quân phải rút toàn bộ lực lượng trực tiếp chiến đấu khỏi vũng lầy Apganixtan mà không để Taliban trở lại nắm quyền ở Cabul. Ba tháng cuối 2013 và sáu tháng đầu 2014, chính quyền Obama phải chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc “rút chạy” khỏi Apganixtan trong thể diện. Đó là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà Trắng, vấn đề Xyri chỉ xếp ở vị trí thứ hai, thậm chí là thứ ba.
Động binh tấn công quân sự Xyri không khó, nhưng không thể kết thúc cuộc chiến theo ý muốn. Với hậu họa khôn lường, trong cuộc đụng độ quân sự này, người thắng cuộc là Matxcơva và Bắc Kinh; còn Oasinhtơn là kẻ bại trận thảm hại. Chắc ông Obama và các cộng sự ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng tiên lượng được điều đó.
Như vậy, ít có khả năng Mỹ qua mặt Hội đồng Bảo an LHQ thực hiện tấn công quân sự Xyri (như ông Bush (con) đã làm năm 2003 đối với Irắc).
Đó là luận đoán theo logic thông thường. Thỉnh thoảng, do sĩ diện hão cộng với xúi bẩy của các “quân sư quạt mo” thuộc cánh tân bảo thủ, Nhà Trắng vẫn mù quáng chơi trò ú tìm giật cục khó đoán định. Đây là “máu” của những kẻ yêng hùng tự cho mình có quyền động binh bất chấp mọi lời can ngăn hợp lý. Do đó, không được chủ quan, phải theo sát tình hình và kịp thời phát hiện thay đổi thái độ của chính quyền Obama đối với cuộc xung đột Xyri.
Có một điều chắc chắn là: trong khi Nga và Mỹ còn tranh cãi về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Xyri, Mỹ, Anh, Pháp và các đồng minh Trung Đông (Arập Xêut, Thổ Nhĩ Kỳ, Cata, Gioocdani…) sẽ tăng cường tuồn vũ khí, các phương tiện chiến tranh, tài chính, hậu cần cho lực lượng nổi dậy; đồng thời cung cấp thông tin tình báo, đào tạo, huấn luyện cho “Quân đội Xyri Tự do” nhằm nhanh chóng thay đổi cục diện trên chiến trường có lợi cho quân nổi dậy, tiến tới đẩy quân của chính quyền Assad vào thế bị động đối phó.
Tóm lại, từ nay đến đầu 2014, ít có khả năng Mỹ tấn công quân sự Xyri; tại Hội đồng Bảo an LHQ, các cường quốc tiếp tục cuộc khẩu chiến gay gắt; ở Xyri, cuộc xung đột ngày càng khốc liệt, đẫm máu. Có thể đó là bức tranh chung của cuộc xung đột ở Xyri trong thời gian tới.
4. Vài điều rút ra từ cuộc xung đột ở Xyri.
Cuộc xung đột ở Xyri còn lâu mới kết thúc và không ai biết nó sẽ kết thúc thế nào. Quan sát, suy nghĩ, chiêm nghiệm cuộc xung đột ở Xyri 32 tháng từ nhiều góc độ khác nhau, sơ bộ có thể rút ra một số điều sau đây:
- Một là, bản chất “sen đầm quốc tế” của Nhà Trắng chưa thay đổi, cho dù Mỹ đã suy yếu trên mọi phương diện.
Mỹ can dự vào công việc của thế giới, của các khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, kể cả can thiệp, tấn công quân sự vào các nước độc lập có chủ quyền hoàn toàn không phải vì mục đích cứu nền dân chủ hay quảng bá, phổ biến giá trị dân chủ, mà tất cả vì lợi ích nước Mỹ, phục vụ lợi ích của siêu cường. Suharto độc tài và tàn bạo, Pinoche cũng độc tài, tàn bạo, và hai kẻ độc tài này đã giết hại hàng ngàn người dân vô tội ở Indonesia và Chile. Thế mà, Oasinhtơn đã hậu thuẫn, bảo lãnh, bảo trợ cho những kẻ đã nhuốm máu người dân họ trong suốt hai, ba chục năm.
Ben Ali (Tuynidi) và Mubarack (Ai Cập) độc tài và tàn bạo hơn Bashar al - Assad (Xyri). Cớ sao suốt hai, ba chục năm, Nhà Trắng luôn hậu thuẫn, hỗ trợ mọi mặt và viện trợ hàng chục tỷ dola cho Ben Ali và Mubarack; đồng thời dùng mọi thủ đoạn theo đuổi mục tiêu loại bỏ Bashar al - Assad?
Đơn giản vì Ben Ali và Muabarack cũng như nhiều người cầm quyền hiện nay ở Trung Đông tuân phục Oasinhtơn và phục vụ lợi ích của Mỹ tại khu vực chiến lược này. Ngược lại, bố con ông Bashar al Assad liên tục từ 1970 đến nay lại kết thân với Liên Xô trước đây, với Nga hiện nay; như vậy là “đắc tội” với Oasinhtơn. Nhà Trắng không bao giờ chấp nhận Bashar al Assad và họ tìm mọi cách để loại ông khỏi chính trường Xyri.
- Hai là, các ông chủ Nhà Trắng, người của Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, là người da trắng hay da màu, đàn ông hay đàn bà, đều là con tìn của các tập đoàn tài phiệt và các tổ hợp công nghiệp, quân sự, và mọi chính sách đối nội, chính sách đối ngoại của Tổng thống phải phục vụ lợi ích của các nhóm lợi ích khổng lồ này.
- Ba là, Nga đã giành lại vị thế của một cường quốc thế giới và là cường quốc duy nhất luôn thể hiện lập trường kiên quyết chống áp đặt của Mỹ để bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình và của các quốc gia khác.
- Bốn là, Trung Đông sẽ rơi vào vong xoáy bạo lực ngày càng khốc liệt, khó kiểm soát và còn kéo dài. Tại Xyri hội đủ nhiều mâu thuẫn đối kháng gay gắt: mâu thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn áp đặt và chống áp đặt, mâu thuẫn giữa các cường quốc khu vực tranh ngôi vị “minh chủ”, mâu thuẫn giữa các cường quốc thế giới trong việc tranh giành ảnh hưởng, lợi ích tại quốc gia có vị trí địa chính trị, địa chiến lược cực kỳ quan trọng.
- Năm là, nếu Mỹ can thiệp quân sự vào Xyri, dưới bất kỳ quy mô, tính chất nào, sẽ đẩy nhanh sự suy yếu của Mỹ, EU thêm chồng chất khó khăn, và mâu thuẫn giữa Mỹ và phương Tây với thế giới Hồi giáo ngày càng sâu sắc và không thể hàn gắn. Đó là điều kiện thuận lợi cho Al Qeada và các phần tử thánh chiến Hồi giáo mở rộng địa bàn hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tấn công lợi ích của mỹ và phương Tây ở khắp mọi nơi trên hành tinh.
Khi không có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an LHQ, việc tấn công quân sự Xyri, với bất kỳ quy mô và tính chất nào, cũng là hành động ngông cuồng quẫn trí của những kẻ có nhân cách thấp kém. Nói cách khác, đó là hành động tự lấy đá ghè vào chân mình.
Những điều trình bày ở trên không phải là tất cả, chỉ là một phần nhỏ của phần nổi của tảng băng chìm - canh bạc Xyri. Cần theo sát các sự kiện, khách quan và trung thực trong nghiên cứu để ngày càng có nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về cuộc xung đột ở Xyri.
PGS.TS Lê Văn Cương