Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 11/8/2008 17:9'(GMT+7)

Cứu người vùng lũ- đối phó áp thấp nhiệt đới

Nỗ lực cứu tài sản cho dân

Nỗ lực cứu tài sản cho dân

Hiện nay, mực nước trên tất cả các sông suối của khu vực miền Bắc đang lên rất cao, mực nước sông Thao tại Yên Bái đã đạt mức đỉnh là 34,26m (trên báo động 3 là 2,26m, thấp hơn lũ lịch sử năm 1968 là 0,16 m) và đang xuống. Mực nước lúc 19 giờ ngày 10/8, trên sông Thao: tại Yên Bái là 34,17m trên báo động 3 là 2,17 m; tại Phú Thọ là 19,05m, trên mức báo động 3 là 0,15 m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,52 m, dưới báo động 3 là 0,28m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,31m, dưới báo động III là 0,49m.

Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội đang lên. Mực nước tại Hà Nội lúc 7h ngày 11/8 là 10,21m. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Thái Bình đang lên. Mực nước tại Phả Lại lúc 7h ngày 11/8 là 5,04m. Nhiều khả năng, lũ sông Thao đang ở mức đỉnh và biến đổi chậm, mực nước tại Yên Bái có khả năng xuống mức 33,9 m, trên mức báo động 3 là 1,9 m; tại Phú Thọ sẽ lên mức 19,1m, trên báo động 3 là 0,2 m. Ngoài ra, lũ sông Cầu, sông Thương, hạ du sông Thái Bình và hạ du sông Hồng tiếp tục lên.

Di chuyển vất vả trong thành phố Yên bái

Sáng nay (11/8), mực nước tại Đáp Cầu và Phủ Lạng Thương có khả năng lên 5,8m, ở mức báo động 3; tại Hà Nội lên mức 10,4 m, dưới báo động 2 là 0,1 m; tại Phả Lại lên mức 5,1 m, dưới mức báo động 3 là 0,4 m.

** Hồi 16 giờ ngày 11/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,2 đến 20,2 độ vĩ bắc; 107,0 đến 108,0 độ kinh đông, cách bờ biển Thái Bình – Thanh Hoá khoảng 180 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật trên cấp 7.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ. Trong 12 đến 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng – Thanh Hoá.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió xoáy mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Từ ngày mai (12/8) vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng – Thanh Hoá gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật trên cấp 6. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

** Vào đầu giờ sáng nay (11/8), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương để chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 18h hôm nay mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm gần 200 người chết, mất tích và bị thương. Trên 4.500 ngôi nhà bị ngập, sập đổ và hư hại, gần 8.700 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Hai tỉnh có số người bị chết nhiều nhất là Lào Cai 36 người và Yên Bái 33 người.

Tại Lào Cai, các tuyến Quốc lộ 41, 4D, 4E, 279, 70; các tỉnh lộ 156, 157, 158 và nhiều tuyến đường liên huyện bị ách tắc vì sạt lở, ngập lụt. Đến sáng nay, các ngả đường từ thành phố Lào Cai đi Sa Pa, Bát Sát và Bảo Thắng tuyến giao thông Lào Cai - Sapa, Lào Cai - Bát Sát và Lào Cai - Bảo Thắng đã thông tuyến. Tại Yên Bái, các Quốc lộ 37, 32, 32C và nhiều tỉnh lộ, đường liên huyện và đường liên xã vẫn còn bị đất đá vùi lấp, chìm sâu dưới nước. Tại Phú Thọ, các Quốc lộ 311, 318, 319B, 314C, 321, 32B, 32C, 320 bị ngập úng và sạt lở nghiêm trọng.

Các địa phương đã chuẩn bị lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết để đối phó với mưa lũ, nhưng vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng ách tắc giao thông, nên công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Quốc lộ 4 D qua Lào Cai đã thông xe; Quốc lộ 6 từ Điện Biên lên Lai Châu bị sạt lở nặng, chưa thông tuyến. Bộ Giao thông Vận tải đang cùng địa phương mở đường tránh để thông xe. Riêng tuyến đường Yên Bái - Lào Cai chậm nhất là sáng mai 12-8 thông xe. Khó khăn nhất là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội, đoạn đường ray bị trôi, phải khắc phục trong nhiều ngày nữa, rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước bị kẹt tại các ga.

Bến xe, bến tàu bị cô lập


Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao các địa phương, các bộ, ngành đã kịp thời, chủ động ứng phó với mưa lũ; yêu cầu các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh miền núi phía Bắc đặt công tác khắc phục hậu quả mưa lũ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu; cứu chữa kịp thời những người bị thương và khẩn trương vận chuyển lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa cũng như hành khách đang bị kẹt trên các quốc lộ, các bến tàu, nhất là trợ giúp khách du lịch nước ngoài.

Về việc khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo các lực lượng tại chỗ huy động phương tiện, thiết bị chuyên dùng, nhanh chóng thông xe tuyến đường từ Lào Cai qua quốc lộ 279 về Hà Nội; chậm nhất là sáng mai (12/8) thông xe toàn tuyến Quốc lộ 70, để hơn 1.000 hành khách đang bị kẹt đường đi - lại an toàn; Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương bố trí trực suốt ngày đêm; thường xuyên có lực lượng canh đê, ứng cứu kịp thời khi sự cố xảy ra. Trường hợp cấp cứu người bị thương khẩn cấp đưa lên bệnh viện tuyến trên, Chính phủ đảm bảo kinh phí để Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn có thể đưa người bị nạn bằng máy bay trực thăng; Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 2 tăng cường lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện đóng điện trở lại với những nơi đảm bảo an toàn; Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương đảm bảo an ninh trật tự vùng mưa lũ và khẩn trương đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Khách nước ngòai kẹt lại tại TP.Yên Bái

Hành khách đi tàu bị mắc kẹt tại ga Yên Bái



Yên Bái ngập chìm trong nước

Trưa nay (11/8), thành phố Yên Bái vẫn ngập chìm trong nước, mọi hoạt động đều bị đình trệ, và công tác cứu hộ, cứu nạn tại ngay thành phố cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều tuyến phố như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, phường Yên Ninh, người dân phải dùng thuyền để di chuyển vào tầng 2 ngôi nhà của mình. Còn ở khu trung tâm của thành phố vẫn bị cô lập hoàn toàn, do nước dâng cao.

Tại phường Yên Ninh, nơi lũ tràn về đầu tiên của thành phố Yên Bái vào sáng ngày 9/8 hiện nay nước vẫn ngập sâu từ 1,5 đến 2 mét. 250 hộ dân trong phường đều bị ngập, chỉ còn những nhà 2 - 3 tầng là có thể duy trì cuộc sống tạm trên tầng 2, còn những nhà 1 tầng người dân phải di tản.

Nước ngập khiến cuộc sống của người dân khó khăn, bị đảo lộn hoàn toàn. Những hộ dân có nhà 2 - 3 tầng sẵn lòng đón nhận những người ở khu vực ngập sâu hơn đến ở.

Bà Phạm Thị Hoạt ở Yên Ninh đã ba ngày nay cưu mang 6 người khác. Bà Hoạt nói: “Chưa thấy năm nào lũ ngập sâu thế cho nên chúng tôi không có dự phòng gì. Gia đình tôi phải chuyển đồ đạc lên tầng 2. Cuộc sống thì không có điện, không có nước, chị em ở chỗ khác đến đây rồi không đi được lại cũng phải ở tại đây để chống bão lụt”.

Ông Bùi Viết Nhưỡng, 74 tuổi, ở tổ 17 phường Nguyễn Thái Học cho biết: Từ đợt lũ lịch sử năm 1968, lần này nước lũ mới lên cao như vậy. Tuổi cao, nhưng khi biết người dân ở phường Yên Ninh bị ngập lụt hoàn toàn, hôm nào, ông cũng cố gắng đi thuyền sang tận nơi để thăm hỏi người dân ở đây. Còn hai đứa cháu của ông thì vắng nhà suốt từ hôm mùng 9/8 do phải đi cứu trợ, giúp đỡ những hộ dân ở phường Yên Ninh với những du khách nước ngoài bị kẹt xe, kẹt tàu, phải ở lại trong thành phố Yên Bái, dù không biết tiếng nước ngoài nhưng ông vẫn có cách giúp đỡ họ rất đặc biệt.

Đi giữa thành phố... nước

“Mấy người khách ngoại quốc vừa rồi là nhỡ tàu lên đây. Tôi giới thiệu họ với các nhà chung quanh để họ giúp đỡ, tạo điều kiện để bà con ngoại quốc đến đây, nhỡ tàu nhỡ xe nhưng mà vẫn được tôn trọng, quý mến” – ông Nhưỡng nói.

Hiện tại ở thành phố Yên Bái, trời không còn mưa, các cấp chính quyền và lực lượng công an dân phòng vẫn thường xuyên duy trì tuần tra buổi tối bằng thuyền, ca nô để đảm bảo an ninh, trật tự, đặc biệt là những khu vực nước dâng cao, và phải cắt điện.

Trung tá Nguyễn Duy Chính, Trưởng Công an phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, cho biết: Chúng tôi đã tính toán đề phòng kẻ gian dùng thuyền để trộm cắp tài sản của nhân dân, sử dụng đèn pha quét liên tục trên các khu đồi gò và có thể dùng các biện pháp biểu trưng lực lượng bằng công tác phòng ngừa. Cho đến giờ phút này chưa có nhà nào bị mất tài sản”.

Xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt này, 11 người bị chết, và 1 người bị mất tích.

** Lào Cai: Giúp dân ổn định cuộc sống sau khi lũ rút

Đến 10 giờ sáng nay, tại Lào Cai, mưa lũ đã làm 37 người chết, 40 người mất tích, 37 người bị thương, gần 800 ngôi nhà bị ngập và đất đá bị vùi lấp. Ngay khi nước bắt đầu rút, thành phố Lào Cai huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa và di chuyển đồ đạc, hỗ trợ vật chất để nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Ông Đỗ Trường Giang, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Lào Cai cho biết: “Sau khi lũ rút, chúng tôi đã thành lập 5 đoàn công tác xuống tất cả các xã phường. Đến nay thì hầu hết tất cả các hộ dân bị ngập lụt đã và đang khắc phục hậu quả, những nhà bị sập đổ theo phương châm 4 tại chỗ, dân quân cùng với chính quyền địa phương dựng lại nhà ở tạm và tất cả những hộ khó khăn thì đã được thành phố hỗ trợ 2 triệu đồng một nhà. Chúng tôi đã giúp đỡ mỗi hộ nghèo 500.000 đồng và bố trí nơi ở mới cho những hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở”.

Hoang tàn sau lũ

Thành phố Lào Cai chỉ đạo cho tất cả các nhà nghỉ, các khách sạn phải có trách nhiệm giúp đỡ những khách du lịch nước ngoài đang bị kẹt ở trên thành phố Lào Cai chưa thể đi được.

Huyện Bảo Yên (Lào Cai) cũng bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ này, 10 người chết, mất tích 12 người, bị thương 24 người. Lũ cuốn trôi hoàn toàn tài sản và nhà cửa của 85 hộ dân, sạt lở đá gây hư hỏng 160 nhà dân và làm ngập úng 45 nhà dân. Khoảng 1000 ha lúa của Bảo Yên bị ảnh hưởng, trong đó mất trắng là 500 ha.

Trước mắt, Bảo Yên hỗ trợ cho những gia đình có người bị chết, và mất tích là 3 triệu đồng/người, người bị thương là 1 triệu đồng/người. Đối với những gia đình bị mất hoàn toàn tài sản, do sạt lở đất, và do cuốn trôi, thì hỗ trợ 5 triệu đồng/gia đình.

** Phú Thọ: Quân khu 2 trao tặng hàng cứu trợ

Sáng nay tại xã Phước Xá, huyện Cẩm Khê, Trung tướng Lê Minh Cược, Chính uỷ Quân khu 2 thay mặt lực lượng vũ trang quân khu đã trao tặng hàng cứu trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị ngập ở tỉnh Phú Thọ.

Số hàng cứu trợ lần này gồm 5 tấn gạo, 1 tấn mỳ tôm, 500 kg lương khô, 2 cơ số thuốc, đồng thời hỗ trợ gia đình có người bị chết do mưa lũ, mỗi gia đình 1 triệu đồng, việc phân bổ hàng cứu trợ đến dân vùng bị thiên tai sẽ được UBND tỉnh Phú Thọ phân bổ đến các địa phương trên cơ sở thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra.

** Hà Giang: 9 người thiệt mạng

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Giang tiếp tục huy động lực lượng xuống các khu vực ngập lụt tại các huyện Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần, hỗ trợ người dân khắc phục. Là địa phương xảy ra nhiều điểm sạt lở trong đợt mưa lũ này, lực lượng cứu hộ tỉnh Hà Giang đang tích cực triển khai việc thông đường tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ. Mưa lũ tại Hà Giang làm 9 người thiệt mạng và hai người mất tích, riêng xã Nà Khương, huyện Quang Bình, có 8 người bị chết, và 2 người mất tích.

Ông Nguyễn Mạnh An, chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hà Giang cho biết: “Chúng tôi xuống tận nơi, động viên thăm hỏi gia đình bị nạn và trợ cấp tiền mai táng cho các gia đình bị nạn, tìm kiếm người bị mất tích. UBND các huyện đã đưa lương thực, thực phẩm đến đồng bào; giải quyết nhanh tình trạng ách tắc giao thông và sửa sang trường học chuẩn bị cho năm học sắp tới”./.

(VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất