Thứ Ba, 8/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 28/10/2010 20:45'(GMT+7)

Cứu trợ - Cần phối hợp tốt với chính quyền

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Việc người dân lao vào giành giật hàng cứu trợ ở xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh vào ngày 23-10 vừa qua có thể chỉ là cá biệt nhưng vẫn cho thấy  khía cạnh bất cập trong công tác cứu trợ cho bà con nhân dân vùng ngập lũ hiện nay.

Có mặt tại vùng ngập lũ, chúng tôi nhận thấy các lực lượng cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ luôn kịp thời có mặt tại nơi nguy hiểm, tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn; đồng thời chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân kể từ khi nước lũ bắt đầu dâng cao. Song, có một thực tế là ca-nô cao tốc, xuồng, thuyền loại lớn của lực lượng chức năng không thể nào len lỏi đến được những hộ gia đình ở sâu trong thôn, xóm. Do vậy đa số những hộ dân ở hai bên đường cơ động của phương tiện cứu trợ loại lớn thường nhận được hàng cứu trợ, còn những hộ dân ở sâu trong xóm, nếu muốn nhận hàng cứu trợ thì phải tự bơi xuồng nhỏ ra tiếp cận; những hộ gia đình neo đơn, người già, trẻ em hay không có xuồng nhỏ thì đành trông chờ những người may mắn nhận được hàng cứu trợ san sẻ cho… Điều này tạo nên tình trạng không công bằng, gây tâm lý ức chế trong nhân dân.

Những ngày qua, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đã tích cực quyên góp, chở hàng cứu trợ vượt hàng ngàn ki-lô-mét đến tận vùng ngập lũ. Tất cả những tổ chức và cá nhân này đều muốn những thùng mì tôm, nước uống, thuốc men, áo quần mà mình mang đến được nhanh chóng trao tận tay cho người dân. Vì thế, họ tự tổ chức chuyển hàng lên phương tiện cứu trợ, trực tiếp trao tận tay bà con hoặc ủy thác cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương tổ chức cấp phát đến bà con.

Chúng ta ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động từ thiện vì cộng đồng đó. Song, để hàng cứu trợ đến được với người dân một cách nhanh chóng, công bằng, và đến được với những người dân thực sự khó khăn, nhất thiết phải phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở từ thôn, xóm đến xã, phường. Trong thực tế, có xảy ra hiện tượng xà xẻo, ăn bớt tiền, hàng cứu trợ của người dân, những hiện tượng đó đã gây mất lòng tin của nhân dân và cần nghiêm khắc xử lý. Song, chỉ có chính quyền cơ sở mới nắm chắc tình hình tại địa phương, xác địch rõ mức độ thiệt hại và hoàn cảnh của từng hộ gia đình để cấp phát hàng cứu trợ một cách phù hợp. Nếu như các tổ chức, cá nhân từ thiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở rà soát, lập danh sách những người dân theo các mức độ thiệt hại, có hoàn cảnh khó khăn nhất; hoặc những người đã (hoặc chưa) được cấp phát hàng cứu trợ trong các đợt trước, để có kế hoạch điều phối, phân bổ chủng loại mặt hàng cứu trợ một cách hợp lý, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân… Mặt khác, những tổ chức, doanh nghiệp có lồng ghép chương trình cứu trợ và hoạt động quảng bá thương hiệu, nên cân nhắc lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp, tránh gây phản cảm và lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức.

Về phía chính quyền cơ sở, dư luận nhân dân cho rằng cần phải công tâm, công bằng và tích cực, chủ động trong tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ. Trong khi người dân đang đói, khát mà hàng cứu trợ còn tồn đọng nhiều ở trụ sở UBND xã là một sự thiếu trách nhiệm. Càng không thể chấp nhận trong khi người dân đang đói, khát mà cán bộ các cấp xà xẻo, ăn bớt, tham những tiền, hàng cứu trợ! Vì thế, cần phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, đồng thời giải quyết nhanh những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ; kịp thời kiến nghị, đề xuất, làm tham mưu cho cấp trên giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng, quyền hạn của mình.

Mô hình cấp phiếu nhận hàng cứu trợ cho người dân là một cách làm sáng tạo, phù hợp và có hiệu quả mà nhiều nơi đã học tập, làm theo. Câu chuyện ở xã Sơn Mỹ thật đáng buồn. Chắc chắn điều đó đã không xảy ra nếu doanh nghiệp phối hợp tốt với chính quyền xã, tổ chức cấp phát hàng cứu trợ một cách khoa học, bảo đảm công bằng cho người dân.

(Theo: Trần Hoài/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất