Thứ Ba, 8/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 30/10/2010 16:47'(GMT+7)

Cứu trợ lũ lụt - Chuyện đâu phải của riêng ai

Thành viên đoàn cứu trợ phát sữa cho trẻ em vùng lũ Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Thành viên đoàn cứu trợ phát sữa cho trẻ em vùng lũ Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Hàng tới tay dân, ấm lòng người đi cứu trợ

Ấm lòng - đó là điều mà bất cứ thành viên nào trong đoàn cứu trợ đều cảm nhận được sau khi phát quà tận tay mỗi người dân. Cho dù vật chất không lớn - mỗi gia đình được nhận một phần quà gồm 10kg gạo, nửa kg cá khô, mấy bộ quần áo, một số loại thuốc chữa bệnh, nếu gia đình có người già thì được nhận thêm hộp sữa - song, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nên nhận được quà ai ai cũng thấy vui. Hơn nữa, những phần quà ấy không chỉ đơn thuần là vật chất, mà còn chứa đựng trong đó nghĩa tình thơm thảo của những người có tấm lòng thiện nguyện, mong muốn được sẻ chia khó khăn với đồng bào.

Nơi đầu tiên đoàn đến cứu trợ là xã Sơn Thuỷ, huyện Hương Sơn. Ôm trên tay phần quà vừa nhận được, bác Trần Hữu Tiến, 53 tuổi, người ở xóm Long Thịnh rưng rưng xúc động: lũ lớn lại đến nhanh, lương thực ướt hết chú à. Nay được đoàn cứu trợ gạo, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, quần áo ấm, 7 nhân khẩu trong gia đình tôi yên tâm rồi.

Cùng tâm trạng với bác Tiến, bà Đặng Thị Lan, 72 tuổi, sống đơn thân ở xã Sơn Mai (cũng thuộc huyện Hương Sơn) xúc động: gạo, thuốc chữa bệnh là những thứ bà con vùng lũ chúng tôi đang mong mỏi, nay đã được đoàn cứu trợ mang về, quả là quý hoá quá.

Những ngày sau đó, tại các địa phương khác, mọi thành viên trong đoàn cứu trợ đều cảm nhận được niềm vui, xen lẫn xúc động của nhân dân khi được nhận những phần quà mang nặng nghĩa đồng bào. Ngoài phần quà theo tiêu chuẩn, đoàn cứu trợ còn tặng tiền mặt từ 500 nghìn đến 2,5 triệu đồng cho hàng chục gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 3 huyện nói trên: Đó là một gia đình ở Sơn Thuỷ (Hương Sơn) có con trai út đang học lớp 9 bị lũ cuốn trôi trên đường đến trường; là một gia đình ở xã Đức Lạng (Đức Thọ) có nhà sập, mẹ là thương binh 4/4 vừa qua đời được hơn 100 ngày, người con trai bị tật nguyền có vợ đang mang bầu, chừng 1 tháng nữa sẽ sinh; là một hộ có nhà bị lũ cuốn trôi ở xã Đức Lạc (Đức Thọ), cả gia đình đang sống tạm ở chuồng bò…

Thêm ấm lòng khi được thấy những ánh mắt lấp lánh niềm vui của các em học sinh trường tiểu học Sơn An (xã Sơn An, huyện Hương Sơn) bên những trang vở mới vừa nhận từ đoàn cứu trợ. Tại trường Tiểu học Thuỷ Mai (huyện Hương Sơn), cháu Bùi Thị Thanh Huyền, học sinh lớp 8, tay mân mê mấy tập vở còn thơm mùi giấy, miệng nói với chúng tôi: nhiều bạn trong trường cháu nhà ngập, sách vở hư hết. Nay có vở mới để viết rồi, chúng cháu mừng lắm.

Với hành trình 4 ngày liên tục, đoàn cứu trợ đã kịp thời chuyển đến bà con những vùng chịu thiệt hại do lũ lụt hơn 5 tấn gạo, 250 kg cá khô, 12000 vở học sinh, 6000 bút viết, 450 hộp sữa, hơn 3000 bộ quần áo, một số lượng lớn thuốc y tế và gần 100 triệu đồng tiền mặt, qua đó giúp bà con vùng lũ khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống…

Để hàng cứu trợ đến được với dân

Ngày đầu của hành trình, trên chiếc xe bus dẫn 2 chiếc xe tải chở hàng cứu trợ hướng về Hà Tĩnh, nét mặt anh Đoàn Tử Hoan, Giám đốc nhà sách Đông Tây vẫn hiển hiện nỗi lo. Hỏi ra mới biết, hiện anh chưa có đủ danh sách các địa phương chịu hậu quả nặng nề, để cứu trợ bà con như mong muốn. Anh tâm sự:

- Gọi về huyện Đức Thọ, gặp được một cán bộ huyện, anh ta nói cứ mang hàng về huyện, có người sẽ tiếp nhận.

Khi anh Hoan đề nghị được trực tiếp chuyển hàng đến tận tay nhân dân, anh cán bộ huyện kia tỏ ra không mấy mặn mà. Đến khi anh Hoan xin được cung cấp danh sách những xã khó khăn nhất của huyện và số điện thoại của lãnh đạo các xã đó, vị cán bộ huyện nói sẽ gọi lại sau.

- Mong mỏi danh sách ấy từng giờ, nhưng đã mấy ngày rồi, vị cán bộ nọ vẫn không hề gọi lại, anh Đoàn Tử Hoan bức xúc.

Rồi anh Hoan kể tiếp, khi anh gọi điện về một xã, đề nghị được về cứu trợ, một cán bộ xã yêu cầu được cấp kinh phí làm đường giao thông:

- Khi tôi nói chúng tôi là các cá nhân có lòng hảo tâm, nguồn hỗ trợ hạn hẹp nên chỉ có thể cứu đói cho dân và đề nghị xã lập danh sách các hộ cần cứu trợ, vị cán bộ này hẹn sẽ gọi lại sau, song đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Đoàn cứu trợ về nghỉ tại thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn) để ngày hôm sau đi phát hàng cứu trợ tại xã Sơn Thuỷ, gần thị trấn. Vào một nhà nghỉ, đoàn đề nghị cho ghép 4 người một phòng, người đứng quầy lễ tân, trông điệu bộ có lẽ là chủ nhà nghỉ không đồng ý.

- Chúng tôi đi cứu trợ chứ không phải đi nghỉ mát, bớt được phòng nào, tiết kiệm được đồng đó cho bà con vùng lũ, anh Đoàn Tử Hoan giải thích.

Lời giải thích mang đầy trách nhiệm ấy vẫn không thể khơi lên lòng trắc ẩn của người đứng quầy lễ tân ấy.

Nhiều thành viên trong đoàn lắc đầu, ngán ngẩm nói với nhau: Không lẽ người này không thương nhân dân trên chính địa phương họ bằng những người cách đây gần 350 km.

Tại những địa phương đoàn đi qua, việc phân phối hàng cho nhân dân gặp khá nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, cá biệt, tại một vài xã, người đi cứu trợ vẫn thấy buồn lòng. Tại xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, có những người dân vào nhận hàng đến 2, 3 lần bằng cách thay áo để trở thành … người khác; có những trường hợp lên nhận hàng không phải là người như danh sách xã cung cấp, mặc dù có cán bộ đại diện cho xã đó cùng tham gia cấp hàng cứu trợ. Dẫu vẫn biết, đây là thời điểm rất khó khăn với bà con vùng lũ, nhưng giá như mỗi người chỉ tự giác nhận một phần quà thì chắc hẳn sẽ có thêm những hộ khó khăn khác được ấm bụng, ấm lòng…

Khi đến thôn Yên Thọ, xã Đức Lạng, Đức Thọ, anh Đặng Quang Trung-Trưởng thôn, bộc bạch với chúng tôi: Những ngày lũ lớn, có bà con của Đức Lạng ra tỉnh lộ 5, nài nỉ xin hàng cứu trợ trên đường qua đây về huyện Vũ Quang. Chúng tôi đã phải quán triệt bà con, rằng đừng gây khó cho các đoàn cứu trợ. Nhưng chúng tôi vẫn mong các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh đầy đủ, chính xác hơn về những nơi cần cứu trợ.

Anh Trung thổ lộ: Có lẽ do Vũ Quang được tuyên truyền nhiều trên truyền hình nên các đoàn xe cứu trợ đều hướng về đó, mặc dù bên này sông Ngàn Sâu là xã Đức Lạng của Đức Thọ, bên kia sông là xã Đức Bồng của huyện Vũ Quang, cả hai xã đều thiệt hại nặng do lũ dữ.

Trên đường trở về Hà Nội sau những ngày cứu trợ, anh Đoàn Tử Hoan cho biết: Với những xã lập phiếu nhận quà cho nhân dân, việc cấp phát hàng cứu trợ thuận lợi hơn do vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tránh tình trạng một hộ nhận nhiều phần quà, trong khi còn nhiều hộ khác đang chờ được đưa vào danh sách nhận quà từ những đoàn cứu trợ tiếp theo.

Nghĩ đến những chiếc phiếu ấy, chúng tôi cứ ao ước, giá huyện nào cũng thông báo kịp thời, chính xác các xã khó khăn, khi đoàn cứu trợ yêu cầu; cấp xã lại nắm chắc các hộ cần được giúp đỡ để lập phiếu nhận hàng cho bà con, chắc hẳn sẽ có nhiều hơn những gia đình khó khăn có thêm miếng cơm, manh áo.

Cũng trên cung đường trở về Hà Nội, anh Đoàn Tử Hoan, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện- một thành viên trong đoàn, liên lục nhận được câu hỏi có cùng nội dung từ các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm: Chúng tôi muốn đi cứu trợ đồng bào miền Trung, các anh tư vấn giúp phải làm thế nào cho hiệu quả?

Theo Hoàng Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất