Ngày 19/12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị công bố và triển khai quy hoạch phát triển nhân lực TP Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2020.
Đề án quy hoạch phát triển nhân lực TP đặt ra mục tiêu có 21% lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, 16% trung cấp chuyên nghiệp, 33% công nhân kỹ thuật.
Đề án cũng đặt mục tiêu đào tạo mới 8.000 thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó có 2.000 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo; đào tạo mới 200 thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài làm việc trong khu vực công của TP.
Đồng thời, hình thành các nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ cao, có khả năng tư vấn hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực KT-XH.
Đà Nẵng hiện có 8 trường đại học với khoảng 80.000 sinh viên; có 14 trường cao đẳng trung ương và địa phương với khoảng 35.000 sinh viên; 62 cơ sở đào tạo nghề với các cấp từ cao đẳng, trung cấp, trung tâm và cơ sở dạy nghề.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, phát triển nguồn nhân lực của TP Đà Nẵng còn nhiều hạn chế khi việc thành lập mới, mở rộng, nâng cấp các cơ sở đào tạo còn nhiều bất cập; quy mô, ngành nghề, mục tiêu đào tạo chưa sát với yêu cầu thực tế; chưa tạo sự liên kết giữa đào tạo và người sử dụng lao động; mạng lưới cơ sở đào tạo phát triển thiếu quy hoạch, nhiều cơ sở đào tạo nhỏ, manh mún; chưa có cơ sở đào tạo đại học - sau đại học đạt chuẩn quốc tế, chất lượng đào tạo sau đại học còn hạn chế.
TP vẫn thiếu lực lượng chuyên gia đầu ngành, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; thiếu người có khả năng hoạch định chính sách. Cơ cấu, phân bổ nhân lực giữa các ngành, địa phương chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu nhân lực cục bộ.
Hiện đội ngũ nhân lực có trình độ đại học trở lên của Đà Nẵng là 62.353 người, chiếm 6,48% dân số và chiếm 12,96% lực lượng lao động toàn TP.
Thông qua các cơ chế và chính sách ưu đãi, Đà Nẵng đã thu hút, tiếp nhận, bố trí công tác cho 959 người (gồm 11 tiến sĩ, 165 thạc sĩ, 783 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc) và 146 học viên đào tạo theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, tổ chức 23 lượt thi tuyển và đã chọn được 86 người (trong 267 người dự thi) bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị. |
Để đạt mục tiêu trên, dự kiến đến năm 2020 TP cần 6.841 tỉ đồng cho công tác đào tạo nhân lực ở các cấp học và 17.630 tỉ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở đào tạo.
Nguồn vốn này có thể huy động từ sự hỗ trợ của trung ương, sự đầu tư của TP, nguồn thu của người học và nguồn huy động từ chủ trương xã hội hoá.
Trong đó, đáng chú ý là Đà Nẵng sẽ trích một phần vốn thu được trong việc đấu thầu quyền sử dụng đất, khai thác quỹ đất, đấu giá đất các cơ sở đào tạo cũ có giá trị cao... để xây dựng trường, lớp ở những nơi phù hợp với yêu cầu và cảnh quan sư phạm. TP cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ về đất đai, tài chính cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
Đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đào tạo nghề, ngân sách TP ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
TP sẽ thành lập Ban chỉ đạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 để giúp UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai tổ chức thực hiện đề án; thành lập Trung tâm Dự báo nhân lực (trực thuộc Sở LĐTBXH) nhằm dự báo nhu cầu lao động (quy mô, trình độ, ngành nghề...) cho từng năm và từng giai đoạn cụ thể.
Theo Chinhphu.vn