Chủ Nhật, 22/9/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 2/12/2012 22:40'(GMT+7)

Hòa Bình: Đội ngũ trí thức góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh

Toàn cảnh thành phố Hòa Bình

Toàn cảnh thành phố Hòa Bình

Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và áp dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; những năm qua cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của đội ngũ trí thức; động viên khuyến khích đội ngũ trí thức tích cực đề xuất những giải pháp thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

 Trong những năm qua, đội ngũ trí thức của tỉnh Hòa Bình không ngừng được củng cố và nâng cao về số lượng cũng như chất lượng. Hiện nay, đội ngũ trí thức có trên 17 vạn người, tăng hơn 3,5 vạn người so với năm 2008; trong đó trí thức dân tộc Kinh chiếm 67%, trí thức là người dân tộc thiểu số chiếm 33%, trí thức ở khu vực thành thị chiếm 70%, còn lại 30% sống ở khu vực nông thôn. Về trình độ toàn tỉnh hiện có 7 tiến sỹ, 413 thạc sỹ, hơn 9.000 người có trình độ đại học và hơn 7.000 người có trình độ cao đẳng. Hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, đội ngũ trí thức đã và đang tiếp thêm sức mạnh góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. 
 
Đội ngũ trí thức trong các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp đã phát huy tốt vai trò và năng lực, không ngừng nâng cao chất lượng tham mưu phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Từ đó đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng được những luận cứ khoa học tạo thuận lợi cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới. 

 Ở lĩnh vực công nghiệp, đội ngũ trí thức đã có nhiều đóng góp trong công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền địa phương có các giải pháp thu hút các dự án đầu tư, hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đóng góp tích cực trong việc đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng hàng hóa và bảo vệ môi trường.

 Hoạt động của đội ngũ trí thức trong khối văn hóa, xã hội đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống cả về giá trị tinh thần và vật chất; bảo tồn và phát triển nền văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát huy năng lực trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ trí thức hoạt động trên lĩnh vực y tế thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng bước làm chủ thiết bị, công nghệ mới phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Trên lĩnh vực nông lâm nghiệp, từ năm 2008 đến nay, đội ngũ trí thức đã nghiên cứu, triển khai trên 30 đề tài khoa học cấp tỉnh và mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất có ý nghĩa thiết thực trong việc phát triển kinh tế đã và đang được áp dụng sâu rộng trên toàn tỉnh. Nhiều đề tài được đánh giá, xếp loại có tính ứng dụng cao, tiêu biểu như các đề tài: "Khảo nghiệm sản xuất hai giống lúa mới MĐ1 và MĐ25 tại tỉnh Hòa Bình nhằm phát triển giống lúa mới cho địa phương"; đề tài "Sản xuất hạt giống lúa Đài Bắc 8 cấp nguyên chủng cung ứng cho các xã vùng cao tỉnh Hòa Bình"; đề tài "Ứng dụng chuyển giao công nghệ chế biến sản xuất thức ăn dự trữ cho trâu, bò bằng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh, hạn chế trâu bò chết đói, chết rét vụ đông năm 2008"… Ngoài các đề tài khoa học triển khai từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, đội ngũ trí thức đã và đang triển khai hàng trăm đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khuyến nông-khuyến lâm bằng nguồn vốn của các dự án, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nước ngoài khác.

 Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10% trong đó ngành nông lâm nghiệp thủy sản tăng 4%; công nghiệp-xây dựng tăng 17,9%; dịch vụ tăng 11,3%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch, tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp chiếm 32,9%; công nghiệp-xây dựng chiếm 33%, các ngành dịch vụ 34,1%. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có bước phát triển mới, công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28%. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới đang phát triển rộng khắp. Quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo ổn định, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước được giữ vững.

Những kết quả trên tiếp tục khẳng định vai trò của trí thức trong đời sống xã hội, khẳng định trí thức đã có những đóng góp to lớn, thiết thực vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển kinh tế-xã hội, đưa tỉnh Hòa Bình từng bước phát triển vững chắc trên con đường hội nhập chung của cả nước.

Nguyễn Mạnh Khương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất