Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 20/4/2014 21:52'(GMT+7)

Đà Nẵng: những tín hiệu tích cực từ xây dựng nông thôn mới

Đồng chí Võ Công Trí tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng NTM tại Đà Nẵng thời gian qua

Đồng chí Võ Công Trí tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng NTM tại Đà Nẵng thời gian qua

Vừa qua, tại huyện Hòa Vang, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU, ngày 19/3/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố”.

Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố”, đến nay tại huyện Hòa Vang (huyện nông thôn duy nhất của TP Đà Nẵng) đã có 2 xã hoàn thành xã nông thôn mới là Hòa Châu và Hòa Tiến (đạt 19/19 tiêu chí); các xã còn lại đạt từ 11 đến 15 tiêu chí, trong đó Hòa Phước đạt 14 tiêu chí (tăng 7 tiêu chí so với thời gian trước khi có Chỉ thị 18-CT/TU), Hòa Nhơn đạt 14 tiêu chí (tăng 6 tiêu chí), Hòa Phong đạt 13 tiêu chí (tăng 4 tiêu chí), Hòa Khương đạt 13 tiêu chí (tăng 8 tiêu chí), Hòa Phú đạt 15 tiêu chí (tăng 6 tiêu chí), Hòa Sơn đạt 13 tiêu chí (tăng 9 tiêu chí), Hòa Liên đạt 14 tiêu chí (tăng 8 tiêu chí), Hòa Ninh đạt 12 tiêu chí (tăng 7 tiêu chí), Hòa Bắc đạt 11 tiêu chí (tăng 6 tiêu chí).

Theo các đại biểu dự Hội nghị, những kết quả đạt được kể trên là sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chí trị, sự đồng thuận và tích cực tham gia của các tổ chức kinh tế- xã hội, các doanh nghiệp và người dân TP, đặc biệt là người dân Hòa Vang.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Văn Toàn, Bí thư huyện ủy Hòa Vang, công tác xây dựng nông thôn mới tại Hòa Vang chỉ thực sự khởi sắc, chuyển biến tích cực kể từ khi có Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Trên cơ sở những định hướng, chỉ đạo mà Chỉ thị đã nêu ra, đã tạo được động lực, khí thế mới để cả hệ thống chính trị của TP Đà Nẵng và huyện Hòa Vang vào cuộc. Đặc biệt, với những cơ chế, chính sách mới ra đời nhằm để cụ thể hóa chủ trương của Chỉ thị 18-CT/TU đã tạo nhiều thuận lợi để Hòa Vang huy động sự đóng góp của xã hội và người dân vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Để khẳng định những kết quả đạt được trong thời gian qua có vai trò to lớn của các sở, ban, ngành TP nhận hỗ trợ cho các xã, đồng thời nêu ra những kết quả, thuận lợi, khó khăn của công tác xây dựng nông thôn mới hiện nay và các đề xuất, kiến nghị để Chỉ thị 18-CT/TU tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần để công tác xây dựng nông thôn mới tại Hòa Vang thực sự bền vững, đi vào chiều sâu, tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận làm rõ các vấn đề này.

Riêng về các nguồn lực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới, đồng chí Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới TP Đà Nẵng khẳng định, trước khi có Chỉ thị 18-CT/TU, tổng các nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn của TP Đà Nẵng gần 170 tỷ đồng/năm (trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước gần 159 tỷ đồng, vốn của các tổ chức hỗ trợ gần 11 tỷ đồng). Sau khi Chỉ thị 18-CT/TU ra đời, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho chơ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tăng nhanh qua các năm. Cụ thể: năm 2012 vốn đầu tư đạt 347 tỷ đồng, tăng 178 tỷ đồng so với năm 2011 (tăng 2,05 lần); năm 2013 vốn đầu tuw đạt 605 tỷ đồng, tăng 257 tỷ đồng so với năm 2012 (tăng gần 1,74 tỷ đồng). Từ các nguồn vốn trên, địa phương có điều kiện để từng bước đẩy mạnh công tác quy hoạch và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, đào tạo nghề, xây dựng các mô hình sản xuất và các vùng chuyên canh nông nghiệp hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Đây cũng là cơ sở để thời gian tới huyện Hòa Vang nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung tiếp tục đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa, tạo ra nền tảng, tiền đề để xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng Đà Nẵng thành TP môi trường, TP đáng sống trong tương lai không xa.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao những kết quả mà các cấp, các ngành và nhân dân TP đã đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cũng khẳng định, Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sau khi ra đời đã nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, qua đó tạo thuận lợi để công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP phát huy tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn. Theo đồng chí, đến nay cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của TP đã được đầu tư phát triển khá mạnh, phục vụ tốt hơn yêu cầu sản xuất và đời sống dân sinh. Đà Nẵng cũng đã hoàn thành công tác rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; đã lồng ghép quy hoạch phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng chuyên canh sản xuất an toàn, vùng nuôi trồng thủy sản… trong quy hoạch phát triển nông thôn mới tại 11/11 xã nông thôn của TP.

Đồng chí nhấn mạnh: “Một chuyển biến quan trọng là đã xây dựng được các đề án, dự án, phương án phát triển sản xuất; trong đó có một số đề án triển khai có hiệu quả như: Đề án cải tạo vườn tạp, Đề án dồn điền đổi thửa; triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản có hiệu quả như mô hình trồng hoa cúc, hoa lily, trồng nấm rôm, nấm sò, trồng dưa hấu, nuôi trồng thủy sản… Thông qua các các chương trình, dự án phát triển sản xuất này đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 20,86 triệu đồng/năm tại địa bàn nông thôn (tăng 2 triệu đồng so với 2012), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,52% (theo chuẩn của TP) xuống còn 10,3% năm 2013, đưa tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt 95,2%. Ngoài ra, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa cũng đã từng bước có những chuyển biến cao hơn”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, nổi lên là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương vẫn còn lung túng, chưa hiệu quả; trong chỉ đạo còn nặng về xây dựng hạ tầng, dự án mà chưa chú ý nhiều nhiều đến chất lượng đời sống văn hoám, tinh thần của người dân; nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới tuy lớn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; nguồn lực từ sự đóng góp của dân, sự tham gia của doanh nghiệp, các cấp, các ngành tuy khá hơn nhưng tỷ trọng chưa tương xứng tổng mức đầu tư, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào ngân sách Nhà nước mà chưa phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; một số tiêu chí đã đạt được tại các đại phương chưa thực sự bền vững; chưa kịp thời nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Võ Công Trí yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao nhận thức về mục tiêu, quan điểm và các giải pháp về xây dựng nông thôn mới mà Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đặt ra. Đồng thời quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để cùng đồng thuận, tích cực đóng góp công sức, vật chất để xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần lưu ý chỉ đạo các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã và đang được triển khai, đề xuất thêm những giải pháp phù hợp; trong đó cần chú ý làm tốt công tác xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn, quan tâm vấn đề sản xuất và chuyển đổi cây trông, vật nuôi hiệu quả; chú trọng công tác bảo vệ môi trường; hỗ trợ các chính sách về vay vốn, tín dụng cho nông dân mở rộng sản xuất; tích cực phát huy sức đóng góp của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác vào xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí lưu ý, xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với quy hoạch đô thị; đồng thời xã hội hóa nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái phải được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đây là những việc làm khó, lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao và sự kiên trì để thực hiện.

Dịp này, UBND thành phố Đà Nẵng đã tặng Bằng khen cho 27 tập thể và 17 cá nhân (trong đó có 10 gia đình nông dân) có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP trong thời gian qua./.

Đăng Tình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất