Từ năm 2004 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cử 616 người đi học theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sau 14 năm thực hiện, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả rất cơ bản, góp phần trẻ hóa, đội ngũ cán bộ có trình độ, dám nghĩ, dám làm.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng khoa tiếng Hàn và Đại học Kinh tế Đà Nẵng, năm 2013, Nguyễn Thị Minh Dung được tuyển dụng vào làm việc ở Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng.
Năm 2015, Dung được thành phố cử đi đào tạo thạc sĩ một năm rưỡi tại Hàn Quốc theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trở về nước, Dung vào làm việc tại Ban quản lý Khu công nghệ cao. Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết, công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo ở nước ngoài nên có nhiều thuận lợi. Với trình độ tiếng Hàn khá tốt, Dung mở lớp dạy tiếng Hàn kiếm thêm thu nhập. Nguyễn Thị Mỹ Dung cho rằng, ngoài được bố trí việc làm, nhà ở cho những thành viên tham gia Đề án, thành phố nên có chính sách giữ chân người giỏi ở khu vực công trước sức hút khá hấp dẫn của khu vực tư nhân hiện nay.
"Cần phải sâu sát hơn trong việc quản lý học viên. Họ được bố trí tại cơ quan nào cần phải theo dõi sự luân chuyển cũng như sự phát triển của học viên. Ngoài ra, yêu cầu học viên phải báo cáo kết quả công tác của họ và tổng hợp những đề xuất nguyện vọng của họ. Những kiến nghị này cần phải được trả lời gián tiếp hoặc trực tiếp. Từ đó học viên cảm thấy có sự gắn kết giữa học viên với lãnh đạo thành phố cũng như Trung tâm phát triển nguồn nhân lực", Mỹ Dung kiến nghị.
Từ năm 2004 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cử 616 người đi học theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện đã có 460 học viên được bố trí công tác. Trong đó, 207 học viên tuyển dụng vào công chức, viên chức. Đã có 60 người trở thành cán bộ quản lý. Nhiều người tiếp tục được cử đi học bậc cao hơn.
Có thể nói, sau 14 năm thực hiện, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng đã kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho thành phố, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều học viên được đào tạo và làm việc ở môi trường Quốc tế nay trở về làm việc tại địa phương đã phát huy tích cực, tác phong làm việc năng động, chuyên nghiệp.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, ngân sách thành phố đã dành một khoản chi rất lớn để đưa hơn 1000 học sinh đi đào tạo trong nước và nước ngoài ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường với mong muốn 10, 20 hay 30 năm sau có một lực lượng, cán bộ chủ chốt đủ mạnh.
"Cơ chế chính sách của chúng ta cũng tương đối mạnh trong giai đoạn đầu để hỗ trợ. Các mặt kém của đề án còn bộc lộ chúng ta tiếp tục khắc phục. Cho đến bây giờ cơ bản chính sách phát triển nguồn nhân lực đã mang lại những hiệu quả và những thành công rất cơ bản ", Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong qúa trình triển khai Đề án này cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách cũng như chế độ đãi ngộ và hiệu quả sử dụng. Theo một số học viên tham gia Đề án, việc đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao thời gian qua còn dàn trải, chưa phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Một số cơ quan, đơn vị thiếu mặn mà trong việc tiếp nhận và sử dụng học viên Đề án.
Anh Lê Hữu Thành người tham gia Đề án này đang công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng cho rằng, để thu hút người tài giỏi, ngoài yếu tố thu nhập còn phải tạo môi trường làm việc hấp dẫn hơn. Lê Hữu Thành cho rằng: "Khi học ở nước ngoài học viên có rất nhiều cơ hội mời chào sau khi học xong. Học viên hoàn toàn có khả năng làm việc và trả lại kinh phí cho thành phố. Khi học viên trở về đây tinh thần cống hiến rất lớn. Tuy nhiên có những vấn đề về bố trí nhân sự và những vấn đề khác, có một số bạn không được bố trí kịp thời. Tình hình công tác không được như mong đợi nên tinh thần sẽ giảm sút".
Một thực tế đáng lo ngại là nhiều học viên tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng không thực hiện đúng cam kết ban đầu. Nhiều người có tư tưởng làm việc cho xong hợp đồng đã ký rồi bỏ ra ngoài tìm công việc khác với mức lương cao hơn.
Không ít trường hợp chấp nhận bồi hoàn kinh phí đào tạo cho thành phố để xin rời Đề án. Đến tháng 10 năm nay, 108 học viên đã xin rút khỏi Đề án, trong đó 52 người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố. Hầu hết các trường hợp xin rút khỏi Đề án đều tìm đến nơi làm việc mới có mức lương cao và môi trường làm việc phù hợp hơn. Đến nay, các học viên xin rút khỏi Đề án đã nộp lại cho thành phố gần 90 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang rà soát lại việc bố trí công tác cho phù hợp, phát huy năng lực từng học viên gắn với tinh giản biên chế theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Ông Chiến nhấn mạnh "Đề án phát triển nguồn nhân lực có bổ sung kịp thời nguồn nhân lực cho khu vực công của thành phố nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức, đáp ứng một phần về nhu cầu nhân lực, một số lĩnh vực mũi nhọn. Ví dụ như công nghệ thông tin, du lịch, y tế. Một số bạ./.n đã từng làm việc ở môi trường Quốc tế, do vậy khi các bạn về làm việc trong nước đã có hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng môi trường làm việc năng động chuyên nghiệp"./.
Theo vov.vn