(TG)- Trong những năm qua, Đà Nẵng có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh
chóng, nhưng nhìn chung chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị của
thành phố còn khá tốt. Kết quả này một phần là nhờ sự ra đời của hệ
thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường ở Trung ương kịp thời,
nhưng phần lớn là nhờ nỗ lực của thành phố với sự ra đời của Đề án "Xây
dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường".
Thành phố Đà Nẵng được vinh danh là thành phố bền vững về môi trường ASEAN của năm 2011 và là thành phố tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu "Thành phố môi trường" đến năm 2020. Thời gian qua, Đà Nẵng đã giải quyết an toàn các vấn đề môi trường cấp bách như tình trạng ngập úng do mưa, thu gom và xử lý triệt để các loại chất thải, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên để hướng tới một thành phố phát thải carbon thấp...
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đạt "thành phố thân thiện môi trường", đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước và không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố; ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, có đủ năng lực để xử lý và khắc phục các sự cố môi trường; tất cả người dân thành phố, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến làm ăn và sinh sống tại Đà Nẵng đều có ý thức công tác bảo vệ môi trường, xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường. Theo đó, Đà Nẵng tập trung thực hiện các giải pháp như: đẩy mạnh phổ biến, giáo dục bảo vệ môi trường, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, đảm bảo nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh giáo dục môi trường, biến đổi khí hậu trong các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo; vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, carbon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về môi trường, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ môi trường; tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tiết khiệm năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Ngoài ra, thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ môi trường, triển khai mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP), thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước trong xây dựng thành phố môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ môi trường; có cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường huy động vốn cho bảo vệ môi trường, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, chia sẻ: Thành phố môi trường là nơi đô thị không bị ô nhiễm, suy thoái môi trường và là nơi con người sống hài hòa với tự nhiên. Từ khái niệm nêu trên và trên cơ sở khả năng điều kiện của thành phố Đà Nẵng, mô hình thành phố môi trường mà Đà Nẵng hướng đến trong tương lai và trong quá trình chỉnh trang đô thị là thành phố thân thiện môi trường đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, quản lý tốt chất thải rắn, chú trọng không gian xanh đô thị và hướng đến phát thải carbon thấp. Đây là xu thế tất yếu, hướng đi của thành phố trong tương lai./.
Theo TTXVN