Vấn đề nổi cộm hiện nay trong việc khai khoáng ở vùng Đông Bắc Việt Nam
là tổn thất về tài nguyên; máy móc thiết bị sử dụng trong khai khoáng
lạc hậu; việc khai khoáng gây tổn thất về rừng, đất nông nghiệp cũng như
cảnh quan môi trường...
Ngày 16/10, tại Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên, Bộ Môi
trường Đức phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo quốc tế với
chủ đề “Tiêu chuẩn trong việc bảo vệ đất.”
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; các nhà
khoa học đến từ các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu trong lĩnh vực địa chất,
khoáng sản, thổ nhưỡng cùng các nhà nghiên cứu, giáo viên của các trường
đại học một số tỉnh trong và ngoài nước.
Hội thảo được tổ chức với mục đích tìm ra giải pháp tổng hợp để cải tạo
phục hồi môi trường đất sau khai thác khoáng sản và nghiên cứu ứng dụng
tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo phục hồi đất bằng biện pháp sinh
học.
Ngoài ra, thông qua hội thảo, các nhà khoa học cũng sẽ nghiên cứu chọn
ra loại cây năng lượng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên
đất sau khai khoáng như cây keo, cây cao lương ngọt, sắn, cây Jatropha,
cây họ dâu, cây bản địa.
Đồng thời, hội thảo cũng sẽ xác định các biện pháp kỹ thuật canh tác tại
một số mỏ ở khu vực miền núi, việc quản lý diện tích sau khai thác, xác
định chủ thể sở hữu đất.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng giới thiệu những kinh nghiệm trong tiếp cận
với các tiêu chuẩn và giá trị giới hạn về bảo vệ đất dưới góc độ cơ quan
quản lý của Tổng cục Môi trường Liên bang Đức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi một số vấn đề liên quan
đến việc bảo vệ đất như tiêu chuẩn bảo vệ đất của Đức dưới góc độ pháp
luật; hệ thống hóa các giá trị về đất ở của Đức; sự ô nhiễm kim loại
nặng tại diện tích đất bị khai khoáng ở Việt Nam; các giá trị giới hạn
trong việc bảo vệ đất qua cái nhìn của nhà tư vấn.
Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề nổi cộm hiện nay trong việc khai khoáng ở
vùng Đông Bắc Việt Nam là tổn thất về tài nguyên; máy móc thiết bị sử
dụng trong khai khoáng lạc hậu; việc khai khoáng gây tổn thất về rừng,
đất nông nghiệp cũng như cảnh quan môi trường, làm biến đổi địa hình,
dòng mặt; gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng; việc phục hồi,
hoàn nguyên môi trường sau khai thác chưa triệt để.
Để khắc phục tình trạng này, các đại biểu cho rằng cần sử dụng tối đa
công cụ pháp lý về bảo vệ môi trường như Luật Bảo vệ môi trường 2005;
Luật Khoáng sản 2010; các văn bản pháp lý đã quy định quản lý; hệ thống
các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi đi vào thực hiện khai thác,
các đơn vị khai thác phải có bước đánh giá tác động của việc khai thác
đối với vùng được khai thác; sử dụng công nghệ thích hợp để bảo vệ môi
trường; thực hiện thuế, phí tài nguyên, chất thải; ký quỹ phục hồi môi trường; phân cấp quản lý hoạt động cấp phép và giám sát./.
(TTXVN)