Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 14/12/2009 19:28'(GMT+7)

Đắc Nông cần đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Trở lại thăm đồng bào, đồng chí ở tỉnh Đắc Nông sau 4 năm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vui mừng trước những đổi thay mạnh mẽ ở vùng đất nam Tây Nguyên. Tại xã Quảng Khê, huyện Đắc Glong, Tổng Bí thư đã có cuộc gặp thật gần gũi với nhân dân, các thầy giáo, cô giáo và các cháu học sinh tại trụ sở của xã.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Đắc Glong và xã Quảng Khê, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trao đổi về cách nghĩ, cách làm xây dựng cuộc sống. Theo Tổng Bí thư, với một tỉnh mà nông nghiệp vẫn là chủ yếu như Đắc Nông thì rất cần thay đổi tư duy, tập quán làm ăn, canh tác của nhân dân thì mới có thể sớm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Để làm được điều này, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng cán bộ, kỹ sư, khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp là phải chung tay giúp đỡ, hỗ trợ bà con các dân tộc về giống, kỹ thuật, chăm sóc, vốn, tiêu thụ sản phẩm.

Làm việc với Ban Thường vụ tỉnh uỷ sáng nay (14/12) và nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh chiều nay, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá cao nỗ lực của toàn đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh xấp xỉ 15%/năm trong 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 10. Tổng Bí thư đồng tình với những suy nghĩ và cách đặt vấn đề của tỉnh là xin Trung ương cho cơ chế bên cạnh sự hỗ trợ hiện nay.  Điều đó là hợp lý để tỉnh khai thác các tiềm năng của mình. Tổng Bí thư phân tích Đắc Nông đang ở trên vùng tiềm năng rất lớn. Đó là, khoáng sản – mỏ lớn nhất là bô-xít, cùng với đó là hàng loạt mỏ, quặng khác. Bên cạnh đó Đắc Nông cũng còn tiềm năng rất lớn về thiên nhiên, là rừng, núi, đất ba zan, và cả vùng rộng lớn khí hậu chưa phân tích và hiểu hết.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phân tích thêm Đắc Nông là tỉnh mới thành lập được 6 năm đang trong quá trình tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí lao động, dân cư. Những thế mạnh mà tỉnh cần phát huy là phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; công nghiệp khai khoáng, năng lượng, du lịch... Do làm từ đầu nên tỉnh thuận lợi trong việc quy hoạch cả đô thị, nông thôn vì mục tiêu phát triển lâu dài.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải đặt quy hoạch vào tầm nhìn xa, tầm nhìn rộng, đặc biệt đây là vùng chủ yếu là nông lâm, thì phải gắn tư tưởng chỉ đạo lớn của Trung ương về Nghị quyết phát triển nông nghiệp-nông dân- nông thôn, để khi quy hoạch xong, đâu ra đấy rồi cuộc sống nông dân ổn định và nông thôn mới. Nông thôn mới của Đắc Nông có rất nhiều dân tộc anh em, thì phải giữ được bản sắc dân tộc, phát triển một cách bình đẳng, hài hòa. Và từ đó có sự đoàn kết, gắn bó với nhau trên cả vùng. Đó chính là cơ sở quan trọng, đảm bảo phát triển bền vững”.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và nhiều đồng chí thành viên trong đoàn công tác đều đặc biệt lưu ý tới vai trò quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, coi đây là yếu tố quyết định để có thể từng bước giải quyết khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Đắc Nông. Tỉnh Đắc Nông nói riêng, các tỉnh miền núi nói chung phải chú ý đào tạo cán bộ cơ sở. Đây là đội ngũ tin cậy của Đảng, là những người gần dân, sát dân nhất. Việc đào tạo cán bộ cho miền núi cũng phải có cơ chế riêng, cách làm phù hợp; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, cùng với việc xây dựng, thảo luận kỹ báo cáo, văn kiện của đại hội đảng bộ cấp mình và các dự thảo văn kiện của cấp trên, cần hết sức quan tâm công tác nhân sự.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tin tưởng trong nhiệm kỳ tới Đắc Nông sẽ cùng với các tỉnh khác trong khu vực chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo để xây dựng Tây Nguyên là vùng đất phát triển về kinh tế- xã hội, mạnh về chính trị, quốc phòng an ninh, từng bước trở thành “vùng kinh tế động lực của cả nước”.

Tỉnh Đắc Nông được thành lập ngày 1/1/2004. Là một tỉnh miền núi nằm ở Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 651.438ha, 130 km đường biên giới với nước bạn Căm-pu-chia. Theo báo cáo của Đảng bộ tỉnh, trong 4 năm từ 2006-2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh đạt 15,4%, trong đó công nghiệp-xây dựng tăng 42,3%, dịch vụ tăng 16,2%, nông-lâm nghiệp tăng 9,1%. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 14,6% và thu nhập bình quân đạt 13,8 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hàng năm 54%; riêng năm 2009 huy động vốn đạt 4.991 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 590 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2008. Đến cuối năm 2009, đã có 99% thôn, buôn của tỉnh có điện lưới quốc gia, 89% số hộ được sử dụng điện. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 19,4%, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 90% số thôn, buôn… Định hướng phát triển năm 2010, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, triển khai nhanh một số dự án trọng điểm; triển khai xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô tại các đô thị của tỉnh như thị xã Gia Nghĩa, các thị trấn Đăk Mil, Ea T linh và Kiến Đức; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng-kinh doanh, thương mại-dịch vụ. Tỉnh cũng sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đô thị; tập trung phát triển đô thị Gia Nghĩa là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa- xã hội và quốc phòng-an ninh của tỉnh./
.

Theo VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất