Quảng cáo thực phẩm chức năng chữa “bách bệnh”
Nhiều nghệ sỹ Việt đã tận dụng sự nổi tiếng và mạng xã hội như Facebook có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt người theo dõi để quảng cáo. Nhiều trường hợp trong số họ bị chỉ trích vì quảng cáo tiền ảo hoặc sản phẩm kém chất lượng. Thậm chí, giới nghệ sỹ lẫn KOLs từng rộ vụ dụ fan "bói tử vi" nhưng thực chất quảng cáo bán đồ phong thủy.
Giữa năm 2021, dư luận xôn xao về thông tin nghệ sỹ hải nổi tiếng V.D livestream quảng cáo cho một sản phẩm được cho là là "tiêu tan u xơ, u nang" nhưng lại sử dụng bệnh án giả hoặc một nữ diễn viên trong phim "Quỳnh Búp bê" rất miệt mài livestream quảng cáo cho nhiều sản phẩm đủ các thể loại khác nhau, từ kem dưỡng da tay, kem trộn, thuốc phòng chống xơ vữa động mạch… với những công dụng được thổi phồng.
Liên quan tới lời quảng cáo mà nhiều người "hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh thay vì chỉ là thực phẩm chức năng", năm 2021, NSND Hồng Vân từng phải viết trên trang cá nhân thư xin lỗi khán giả và thừa nhận đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ tin cậy của sản phẩm khi quảng cáo. Nghệ sỹ Quyền Linh cũng gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ sau khi đăng video trên trang cá nhân đề cập nhiều tác dụng của một sản phẩm hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Nghệ sỹ này thừa nhận đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường.
Dư luận đặt câu hỏi: Vậy quyền lợi của người dân, người tiêu dùng có được bảo vệ trước "rừng" thông tin quảng cáo sai sự thật?
Tại thảo luận Tổ về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra ngày 2/11, ĐBQH đoàn Hà Nội, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết: Cơ chế bảo vệ người tiêu dùng thời giann qua còn quá phức tạp, không tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng nên nhiều người có tâm lý ngại đi “đòi” quyền lợi; các chế tài xử phạt đối với các cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe.
“Chính nhận thức, cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa làm tốt nên chỉ làm hại cho người tiêu dùng. Như lĩnh vực văn hóa, tôi thấy văn nghệ sỹ ‘yếu đuối’ lắm! ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng nên dễ chi phối nhận thức hành vi của người tiêu dùng nên cần phải chấn chỉnh”, ĐBQH Bùi Hoài Sơn nêu vấn đề và lưu ý, các quy định của dự thảo Luật cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhất là trong môi trường số, kinh tế số.
Góp ý về Quy định “xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” được quy định tại Điều 18 của dự thảo Luật, ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) dẫn chứng: “Vừa rồi, xuất hiện rất nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bách bệnh do các nghệ sỹ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra, các sản phẩm này không có chức năng như vậy và nghệ sỹ bị ảnh hưởng uy tín chỉ xin lỗi là xong”. Vì vậy, ĐBQH Đỗ Huy Khánh đề xuất: Cần xử lý những nghệ sỹ vi phạm để không tái diễn; đồng thời cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật.
Tại Tổ Hà Nội, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu về Điều 7, trong đó tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương. “Ví dụ về dịch vụ tế bào gốc, làm đẹp bằng tế bào gốc nhiều khi hiệu quả không đúng như quảng cáo. Người tiêu dùng không khéo sẽ tốn hàng chục triệu, có thể đến hàng trăm triệu nhưng hiệu quả không như mong muốn. Việc làm đẹp, trẻ hóa làn da bằng tế bào gốc còn rất mơ hồ nhưng nhiều nơi đã đưa vào áp dụng”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí trăn trở. Do vậy, theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng: Cần phải có biện pháp bảo vệ rõ ràng.
Theo ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội) quan tâm đến đối tượng cần được bảo vệ chính là người cao tuổi bởi đây là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất khi quan tâm đến các sản phẩm về chữa bệnh. "95% người cao tuổi có 2,9 bệnh nền, cho nên các sản phẩm về thuốc hiện nay nếu không được tư vấn thì rất khó lựa chọn", ĐBQH Trương Xuân Cừ trăn trở.
|
Thảo luận Tổ của đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức |
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh ) nhắc lại vụ thuốc giả trị ung thư H-Capita và nhiều loại dược phẩm giả, dược phẩm kém chất lượng mấy năm trước chưa được giải quyết thoả đáng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Thậm chí, một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc này đã được cấp phép, chứng nhận. Từ kinh nghiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, ĐBQH Phong Lan nhìn nhận: Vấn đề hóc búa nhất liên quan đến bán hàng online, kiểm soát các cửa hàng "ảo" trên mạng, đặc biệt với thực phẩm. Tuy nhiên dự thảo Luật này chưa đưa ra những giải pháp và chế tài đủ mạnh. Theo đó, Luật này cần hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Nhà nước, xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép - bước đầu tiên để bảo vệ người tiêu dùng, cho tới kiểm tra, giám sát, xử lý.
Lợi dụng người nổi tiếng, thương hiệu truyền hình uy tín để ghép hình quảng cáo
|
Lương y cam kết chữa bệnh tiểu đường chỉ trong 1 - 2 ngày là tiền triển; đồng thời lồng thương hiệu của Đài truyền hình VTV để đăng clip quảng cáo để người xem lầm tưởng là quảng cáo trên kênh của Truyền hình Quốc gia. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức chụp màn hình. |
Thời gian qua, nhiều diễn viên, người nổi tiếng bức xúc trước một số vụ việc lợi dụng người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để quảng cáo trên mạng thời gian qua, đồng thời đề nghị cần có quy định để bảo vệ hình ảnh của họ.
Tháng 11/2020, trên Facebook cá nhân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng bức xúc khi hình ảnh của ông bị lấy ra để quảng cáo cho sản phẩm của một công ty dược. Gần đây, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu trên Facebook cá nhân của mình cũng thể hiện thái độ khi hình ảnh Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, bố ông, lại bị lợi dụng để quảng cáo cho loại thuốc chữa xương khớp. ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu quan điểm: “Làm gì thì làm, buôn gì thì buôn nhưng đừng vì tiền bạc mà làm hại sức khoẻ người khác. Bố tôi không bị khớp và chắc chắn không bao giờ quảng cáo bất cứ loại thuốc nào”.
“Việc lấy hình ảnh của người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để ghép với sản phẩm quảng cáo, trong khi không mua, không dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm thế nào cần phải bị xử lý mạnh. Bởi sử dụng hình ảnh của họ mà không được phép để quảng cáo sản phẩm có thể làm oan người có ảnh hưởng. Thông thường, tâm lý người tiêu dùng tưởng người nổi tiếng đã quảng cáo là sản phẩm phải tốt thật nên tin tưởng mua và vô tình ‘tiền mất tật mang”, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết.
Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng: Luật cần bảo vệ người có ảnh hưởng cũng có nghĩa là bảo vệ người tiêu dùng không bị mắc bẫy của hành vi quảng cáo trá hình; đồng thời đề nghị Luật này cần làm rõ trách nhiệm của cả 3 bên: Doanh nghiệp cung ứng hàng hoá dịch vụ, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, bổ sung, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Nhà nước xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép - bước đầu tiên để bảo vệ người tiêu dùng, cho đến kiểm tra, giám sát, xử lý.
TTXVN