Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, sau hơn 8 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn.
Chưa đủ thông tin thị trường để định giá đất ở các địa phương
Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn địa biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang cho rằng, chưa có đủ dữ liệu thông tin của thị trường để làm căn cứ xác định giá đất ở các địa phương, vùng miền. Vì vậy, khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ nội dung này. Việc xác định tính toán giá đất cần do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội thực hiện, đơn cử như Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trở lên.
Một trong những bất cập là thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay là đang tồn tại cơ chế hai giá đất. Một là giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá Nhà nước quy định. Thực tế cho thấy, sự chênh lệch rất lớn giữa hai loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đề cập về bỏ khung giá đất ở trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, vấn đề quan tâm và đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước là tiêu chí nào để định giá đất sát với thị trường và nên giao cho đơn vị, cơ quan nào thực hiện.
Còn đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam cho rằng, về giao đất, cho thuê đất được quy định tại Điều 64, 65, 66 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật đang mở ra một số trường hợp giao đất không qua đấu giá, đấu thầu đất, có cả trường hợp đặc biệt, vì ưu đãi đầu tư và một số chính sách xã hội đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đất không qua đấu thầu, đấu giá.
Tránh tiêu cực, tham nhũng trong việc giao đất, cho thuê đất
Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn lý do, sự cần thiết quy định về việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với một số trường hợp mà dự thảo Luật nêu. Đại biểu đề nghị những vấn đề này cần phải được lý giải hết sức tường minh, tránh tiêu cực, tham nhũng trong việc giao đất, cho thuê đất.
Cũng theo đại biểu Trần Văn Khải, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 70, Điều 71 của dự thảo Luật lần này chưa thể hiện rõ mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất, chưa bám sát và chưa thể chế hóa được tinh thần, đường lối, chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về vấn đề này.
“Đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, bất ổn xã hội, nhất là khi thu hồi đất, đặc biệt là đất ở của người dân để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, về nguyên tắc, việc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại khoản 2 Điều 81 dự thảo luật, cụ thể: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, đại biểu Trần Văn Khải nói.
Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam.
Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ như thế nào là đảm bảo cuộc sống điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quy định rõ tiêu chí để đánh giá, định lượng việc bồi thường tạo lập chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Có như vậy mới thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, bảo đảm tính khả thi, tránh khiếu kiện kéo dài.
Cũng theo đại biểu Trần Văn Khải, về giá đất quy định tại mục 2 Chương X trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Có thể nói, giá đất là nội dung phức tạp và khó nhất.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, đại biểu Trần Văn Khải cho biết, từ Điều 132 đến Điều 136 chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất như yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan xác định giá đất vì giá đất rất quan trọng nhưng dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề này, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hiện nay, việc áp dụng các quy định của Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn cũng có nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, có thể ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng và quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời liên quan đến sự hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Đây cũng là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải kỳ vọng, tại Kỳ họp này, việc xem xét, cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo hoàn thiện luật theo tiêu chí ngày càng sát hơn với thực tiễn./.
Theo baotintuc.vn