Về tên nước, ý kiến của các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội đều tán thành với
phương án tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam. Các ý kiến đồng nhất tên gọi này, thể hiện rõ hình thức chính thể của nước
ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ; đồng thời tiếp tục
khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã
hội.
Thời gian qua, hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp 1992 đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý dân chủ, sâu rộng
trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị.
Tiếp tục chương trình Kỳ
họp thứ 5, sáng 4/6, Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp 1992. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo nhân
dân, cử tri cả nước cùng theo dõi.
Tên nước; Hội đồng Hiến pháp, các cơ quan tư pháp... là những vấn đề nhận được
đông đảo các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận.
Giữ nguyên tên nước, tránh lãng phí thủ tục hành chính không cần thiết
Về tên nước, ý kiến của các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội đều tán thành với
phương án tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam. Các ý kiến đồng nhất tên gọi này, thể hiện rõ hình thức chính thể của nước
ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ; đồng thời tiếp tục
khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã
hội.
Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân
dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc,
đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Thượng tọa Thích Bảo
Nghiêm (Hà Nội) tán thành với quan điểm tiếp tục quy định tên nước là Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Hiến pháp 1992.
Thượng tọa cho biết
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã xây dựng phương châm hoạt động của mình dựa
trên cơ sở tên nước như trên, đó là Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Phương
châm này đã nhận được sự tán đồng của đông đảo cộng đồng tăng ni, phật tử trong
nước và ra sức thực hiện, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Quàng Thị Nguyên (Sơn La) cho rằng việc thay
đổi tên nước trong thời điểm hiện nay là không cần thiết và sẽ làm phát sinh
thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp. Hơn nữa, việc quy định tên
nước như hiện nay là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và
phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đề xuất xây dựng Hội đồng bảo hiến để giám sát việc tuân thủ Hiến pháp
Là một quan điểm mới, việc xây dựng Hội đồng Hiến pháp cũng nhận được nhiều ý
kiến khác nhau xung quanh sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động
của thiết chế này.
Những ý kiến đồng tình với quan điểm này cho rằng, quy định
về Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo không mâu thuẫn với quy định Quốc hội là
cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà
nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan
trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Có ý kiến đề nghị
cần thành lập cơ quan bảo hiến độc lập (Tòa án Hiến pháp) có chức năng phán
quyết về các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Các
đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho
phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phân tích chúng ta đang xây dựng Nhà nước
theo mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc bổ sung chế định bảo
hiến độc lập là bước đổi mới cần thiết, phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị cần đặt tên thiết chế này là Hội đồng Bảo hiến
(Hội đồng bảo vệ hiến pháp); đồng thời bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ Hội đồng
Bảo hiến báo cáo kết quả hoạt động đối với Quốc hội.
Đại biểu đề nghị Chủ tịch
nước sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo hiến, để thay mặt Hội đồng này
kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật và yêu cầu các cơ quan hủy bỏ
những văn bản vi hiến.
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị cần bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối
với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, cần nghiên
cứu mô hình bảo hiến độc lập.
Cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum)
cho rằng việc thành lập Hội đồng Bảo hiến là phù hợp nhưng cần tăng thêm quyền
hạn cho Hội đồng này với các thẩm quyền: đình chỉ, hủy bỏ văn bản vi hiến của
các cơ quan Nhà nước khi đã đề nghị hủy bỏ mà không được thực thi.
Buổi thảo luận sáng nay cũng ghi nhận những ý kiến không đồng tình với việc
thành lập Hội đồng Hiến pháp.
Các đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp), Nguyễn
Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng chưa cần thiết phải thành lập Hội đồng Hiến pháp
mà chỉ cần duy trì cơ chế bảo hiến hiện hành. Bởi vì, việc bổ sung thiết chế mới
này trong khi chưa rõ vị trí, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, cơ chế phối hợp với
các cơ quan khác dễ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, cồng kềnh bộ máy,
không đạt hiệu quả.
Đề nghị thêm với Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho
rằng cần thành lập những thiết chế độc lập để đảm bảo tính khách quan, đáng tin
cậy trong hiệu quả hoạt động của những cơ quan này.
Bổ sung chức năng kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật của Viện Kiểm sát
Thảo luận về nội dung hoàn thiện cơ quan tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng Hiến
pháp cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Tòa án, Viện
Kiểm sát theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách
tư pháp đến năm 2020.
Đại biểu Huỳnh Thành đề xuất cần đưa vào dự thảo quy định Viện Kiểm sát Nhân dân
thực hiện quyền công tố và những việc khác theo luật định. Việc bổ sung như vậy
sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Viện Kiểm sát thực hiện những việc khác khi
được Quốc hội xét thấy cần thiết, giao nhiệm vụ. Từ đó, quy định cụ thể trong
luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân và những luật khác có liên quan như kiểm sát
văn bản quy phạm pháp luật, thống kê tội phạm…
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần khẳng
định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Tòa án, Viện Kiểm sát là cơ quan tư
pháp; hoặc khẳng định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Điều luật trong dự
thảo cũng nên quy định chức năng nhiệm vụ chung của hai cơ quan này. Ngoài việc
kiểm sát các hoạt động tư pháp, giữ quyền công tố, cần bổ sung thêm thẩm quyền
kiểm soát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại hội
trường./.
Quang Vũ-Hồng Cường (TTXVN)