Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 3/6/2013 22:33'(GMT+7)

Cử tri nói gì qua phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Tâm (đoàn Nghệ An) phát biểu ý kiến trong phiên họp chiều 3/6 của Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Tâm (đoàn Nghệ An) phát biểu ý kiến trong phiên họp chiều 3/6 của Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

 Chế độ chính trị - Vấn đề cử tri quan tâm

Ông Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: “Nên giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”. Theo ông, việc đổi tên nước là không cần thiết, điều cốt lõi vẫn chính là đường lối dẫn dắt nhân dân đi đến cuộc sống ấm no hạnh phúc. Việc đổi tên nước trong thời điểm hiện tại sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong tư duy của người dân, đồng thời gây tốn kém chi phí khi phải thay đổi Quốc huy, Quốc hiệu... trên các văn bản giấy tờ.

Đại tá Phan Thành Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Bình Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí tỉnh Bình Dương bày tỏ tâm đắc với các ý kiến thảo luận tại Quốc hội khẳng định giữ nguyên tên nước là “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Điều 4 của Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Theo ông Huỳnh Bình Minh, lịch sử nước nhà cho thấy, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh mới lãnh đạo toàn dân ta giành độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, mang lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc của người dân.

Thể hiện đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội về quy định tên nước, vai trò của Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Hoàng Khắc Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho rằng, giữ nguyên tên nước ta là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Về vai trò của Đảng, Đảng ta không chỉ là lực lượng lãnh đạo mà còn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng không chỉ gắn bó, liên hệ mật thiết với các tầng lớp nhân dân, mà còn là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình đối với đất nước, đối với nhân dân. Tuy nhiên Hiến pháp cần phải hiến định rõ về cơ chế để Đảng thực thi đầy đủ vai trò lãnh đạo của mình, nhưng cũng phải hiến định rõ cơ chế để nhân dân giám sát, tham gia xây dựng Đảng.

Riêng về vị trí, vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều 9, chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Cương lĩnh chính trị bổ sung và phát triển năm 2011 về vị trí, vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Vì vậy Hiến pháp lần này cần phải thể hiện rõ vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tầng lớp nhân dân. Mặt trận đại diện tập hợp, xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, tăng cường đồng thuận xã hội để động viên nhân dân xây dựng bảo vệ tổ quốc, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần phải có cơ chế đảm bảo cho Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội hoạt động và phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Đồng ý với ý kiến của đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai), ông Trần Văn Lũy (66 tuổi, thương binh hạng 4/4, ở khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đề nghị giữ lại Điều 10 của Hiến pháp năm 1992 quy định chi tiết về vai trò của công đoàn. Việc khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp là một điều cần thiết, tất yếu, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, vừa thể hiện tinh thần tiếp thu Hiến pháp 1992 mà không trái quy định của pháp luật.

Đảm bảo tính kế thừa và phù hợp xu thế phát triển mới của đất nước

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, vừa kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó, vừa phù hợp xu thế phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, Dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ, về nội dung tại Chương IX “Chính quyền địa phương”, cần bàn luận thêm để có những quy định phù hợp hơn đáp ứng xu thế phát triển và từ thực tiễn đòi hỏi. Nên đổi cụm từ “HĐND và UBND” thành “chính quyền địa phương”. Dự thảo Hiến pháp lần này đã đổi tên Chương IX: “HĐND và UBND” thành “Chính quyền địa phương” nhưng tại các điều khoản trong dự thảo vẫn còn giữ cụm từ HĐND và UBND. Theo đó, mô hình tổ chức bộ máy cơ quan chính quyền địa phương hầu như giống nhau ở tất cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), gồm HĐND và UBND. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc hình thành mô hình chính quyền đô thị mà tinh thần Hiến pháp hướng tới. Nếu dự thảo chỉ quy định chung là chính quyền địa phương và để Luật điều chỉnh thì Hiến pháp dễ dàng áp dụng trong thực tiễn, có tính linh hoạt cao và không bị lỗi thời, mở đường cho việc phát triển tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước ở địa phương phù hợp với xu thế phát triển của thời đại...

Đề cập đến vấn đề "tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp", Tiến sỹ Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thanh Hóa cho rằng: Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là đúng với thực tế để bảo vệ sự đúng đắn của Hiến pháp mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều làm. Tuy nhiên, quy định nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp chỉ kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản pháp quy do các cơ quan ban hành và kiến nghị xem xét lại các văn bản để bổ sung, chỉnh sửa và nếu sai chỉ yêu cầu hủy bỏ thì không có ý nghĩa thực tiễn. Những nhiệm vụ này có thể giao cho Ủy ban pháp luật của Quốc hội thực hiện, có sự đánh giá, giám sát là đủ. Vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp phải như Toà án Hiến pháp của các nước, phải độc lập phán quyết, Hội đồng Hiến pháp còn có quyền kiểm tra trách nhiệm tập thể, cá nhân của các cơ quan, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Cần phải quy định trong Hiến pháp về Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, các chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch của Hội đồng là do Quốc hội bầu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Tấn Sáng, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, cho rằng, để bảo đảm tính ổn định lâu dài, nội dung của Hiến pháp cần viết ngắn gọn lại. Cụ thể, Lời nói đầu, cần viết cô đọng lại từ 5 đến 10 dòng, trong đó nêu rõ mục đích của việc xây dựng Hiến pháp là tạo ra “khế ước xã hội” - ý chí của nhân dân, chứ không phải ý chí của Nhà nước, là sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể cấu thành xã hội Nhà nước vì mục tiêu: giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, cởi mở với thế giới, tôn trọng lẫn nhau… nhằm xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tán thành việc Quốc hội tiếp tục tiến hành các phiên thảo luận để lấy ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dù trước đó đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, ông Trương Phước Ánh, Chủ nhiệm Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng đề nghị bỏ cụm từ “không được lợi dụng" tại các Điều 16, 23, 31, 64, với lý do, việc đưa những cụm từ này vào Hiến pháp dễ dẫn đến tình trạng suy diễn, tùy tiện làm ảnh hưởng đến quyền công dân./.

Kim Anh, Chí Tưởng, Mai Hương, Văn Sơn (thực hiện)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất