Thứ Ba, 26/11/2024
Hoạt động đại hội đảng bộ các cấp
Thứ Sáu, 25/9/2015 9:14'(GMT+7)

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020: Tiếp tục thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Toàn cảnh Đại hội. (Ảnh: Ngọc Hải)

Toàn cảnh Đại hội. (Ảnh: Ngọc Hải)

Đại hội đã nghe đồng chí Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp – Nhiệm vụ và giải pháp”.


Đồng chí Lê Như Tuấn tham luận tại Đại hội.

Trong đó nêu bật những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đó là:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị và bà con nông dân về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các địa phương, đơn vị tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về tái cơ cấu nông nghiệp; phải thực hiện đồng bộ các đột phá về tổ chức sản xuất, đột phá về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đột phá về chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp và đột phá về đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó trọng tâm là đầu tư của doanh nghiệp.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các quy hoạch sản phẩm phải định hướng được thị trường, có tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển 20 sản phẩm có lợi thế của tỉnh, như: Lúa, ngô thâm canh năng suất, chất lượng cao; rau an toàn; hoa cây cảnh; mía thâm canh; cây ăn quả; cây thức ăn chăn nuôi; bò sữa; bò thịt chất lượng cao; lợn hướng nạc; gà lông màu; con nuôi đặc sản; rừng gỗ lớn; luồng thâm canh tập trung; quế; cây dược liệu; tôm he chân trắng; ngao Bến Tre; cá rô phi và sản phẩm hải sản khai thác.

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ, hợp tác xã, trang trại và doanh nghiệp; xây dựng các thương hiệu hàng hóa nông sản Xứ Thanh. Tháo gỡ khó khăn về thị trường và làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ các dự án của các tập đoàn và các công ty đầu tư vào nông nghiệp như: Vinamilk, TH true milk, Vingroup, FLC, Hoàng Anh Gia Lai và các doanh nghiệp chế biến khác.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM; tập trung các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp và nông thôn; ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư cho nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn; huy động có hiệu quả vốn đầu tư của khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác.

Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT, quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng bộ, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong 5 năm tới.

Đồng chí Nguyễn Quang Hải, Bí thư Huyện ủy Đông Sơn tham luận với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.


Đồng chí Nguyễn Quang Hải phát biểu tham luận.

Tham luận nêu một số giải pháp cụ thể, đó là:

Nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng và các tầng lớp nhân dân; trước hết, đối với cấp ủy và lãnh đạo chính quyền, đoàn thể các cấp, phải xác định việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để từ đó phải tiếp tục quan tâm đúng mức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của cấp mình, chuyển mạnh từ “học tập” sang “làm theo” Bác.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW. Tập trung tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, nhất là trong học tập phong cách của Người. Từ đó, tạo ra ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu. Nghiên cứu để đổi mới các phương pháp và hình thức tuyên truyền, giáo dục, xây dựng, phát hiện các mô hình, kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến. 

Chú trọng việc xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm của cấp ủy, các TCCSĐ. Bám sát chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hằng năm và điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả; từ đó hướng dẫn, định hướng các nội dung sinh hoạt chuyên đề về thực hiện Chỉ thị theo tháng, quý, năm, đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên lựa chọn, đăng ký việc làm theo cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh những hiện lệch lạc, làm lướt, hoặc thiếu quan tâm, triển khai hình thức.

Phát huy hơn nữa trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, các địa phương, đơn vị trong việc tu dưỡng, rèn luyện; phải là tấm gương để tạo sức lan toả, làm cho dân tin, dân theo. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đảng viên, TCCS đảng hàng năm gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, TTCSĐ với việc thực hiện Chỉ thị 03 và kết quả khắc phục sửa chữa khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trình bày tham luận “Giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”.


Đồng chí Lương Văn Tưởng trình bày tham luận.

Tham luận khẳng định, tuy đạt được những kết quả đáng mừng trong công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi. Song, khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao…Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh đối với công tác giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện miền núi, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, tiếp tục chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 09 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách, những kinh nghiệm hay cho người nghèo, vùng nghèo nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân trong công tác giảm nghèo.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế của miền núi nhằm cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người nghèo.

Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực miền núi, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Tiếp tục quan tâm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và các lĩnh vực y tế, văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội .

Cần tăng cường hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, huyện đảm bảo về cơ cấu, số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và thực hiện chủ trương điều động một số cán bộ trẻ có triển vọng đang công tác tại các huyện miền núi về tỉnh công tác có thời hạn để nâng cao trình độ, sau đó trở về địa phương công tác.

Cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thoát nghèo bằng chính nội lực của từng hộ nghèo là chủ yếu; nhà nước, cộng đồng hỗ trợ một phần thông qua các chính sách, tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ của cộng đồng để hộ nghèo thoát nghèo.

Tập trung giải quyết vấn đề hộ nghèo thiếu đất sản xuất.

Đồng chí Lưu Vũ Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Định trình bày tham luận “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn”.


Đồng chí Lưu Vũ Lâm phát biểu tham luận.

Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao được đề xuất bao gồm: 

Phân vùng quy hoạch khu NNCNC trong từng ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản), tập trung ứng dụng CNC trong nông nghiệp để phát triển các sản phẩm có lợi thế, triển khai xây dựng có hiệu quả khu NNCNC Lam Sơn – Sao Vàng 1000 ha, khu NNCNC Thị trấn Thống Nhất 1800 ha để tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy NNCNC phát triển.

Nghiên cứu lựa chọn một số lĩnh vực CNC trong nông nghiệp tạo ra bước đột phá trong NNCNC như: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghệ sản suất giống (trong đó tập trung cho ưu thế lai và biến đổi gen), kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi, theo hướng VietGap (như sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, chăn nuôi chuồng kín cùng vào, cùng ra...), công nghệ tưới tiết kiệm, tưới thông minh gắn với dinh dưỡng cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản và chế biến nông sản, công nghệ thông tin, tự động hóa trong các quy trình sản xuất.

Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, đào tạo và bồi dưỡng, hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nghệ đủ về số lượng, năm vững kỹ thuật công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển NNCNC. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, trung tâm nuôi cấy mô của Sở KH-CN và Công ty đường Lam Sơn.... tiến tới hình thành trung tâm nghiên cứu NNCNC của tỉnh đủ sức nghiên cứu ứng dụng NNCNC và sản xuất.

Lựa chọn các khâu đột phá, ứng dụng công nghệ có chọn lọc, khoa học và hợp lý, các tiến bộ NNCNC vào sản xuất. Thông qua hợp tác, liên kết trong và ngoài nước nhằm tranh thủ nguồn vốn, công nghệ tiên tiến để phát triển NNCNC gắn với đảm bảo VSATTP.

Đẩy mạnh quản lý của nhà nước trên lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý chất lượng VSATTP, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng phân khúc thị trường NNCNC, tăng cường liên kết giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Khoa học – Nông dân trong sản xuất NNCNC, tạo ra các sản phẩm chủ lực có khối lượng hàng hóa lớn góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả trên 1 ha canh tác; tăng thu nhập, nângg cao đời sống người nông dân.

Tỉnh cần có các cơ chế chính sách về hỗ trợ vốn, tín dụng ưu đãi, tích tụ đất đai, để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu, đầu tư, xây dựng các khu NNCNC đã được quy hoạch, từng bước hình thành thị trường khoa học NNCNC của tỉnh.

Cấp ủy chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cần nhận thức sâu sắc cơ hội – thách thức đan xen trong quá trình hội nhập, vai trò của khoa học công nghệ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực NNCNC gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Tham luận tại Đại hội, đồng chí Lê Thị Nương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nêu một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm “Phát huy vai trò của Phụ nữ trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.


Đồng chí Lê Thị Nương trình bày tham luận.

Theo đó, cần tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ, nam giới và cộng đồng trong xây dựng gia đình, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc gắn với thực hiện Nghị quyết liên tịch về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội và Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Quan tâm vận động phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh, đấu tranh xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân, gia đình; tích cực tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ trẻ em, kết hôn với người nước ngoài vì mục đích vụ lợi.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình truyền thông, dịch vụ gia đình phù hợp với đặc điểm đối tượng, vùng miền. Tổ chức hội thi, diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và biểu dương điển hình tiên tiến trong xây dựng gia đình. Quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, phụ nữ nghèo, phụ nữ cao tuổi, đơn thân, phụ nữ tàn tật, trẻ em mồ côi.

Đồng chí Ngô Xuân Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tham luận tại Đại hội với nội dung: “Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong các doanh nghiệp”.


Đồng chí Ngô Xuân Nhân tham luận tại Đại hội.

Tham luận đề cập đến một số giải pháp sau:

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Tại Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã chú trọng kiện toàn các cấp ủy, tổ chức đảng cho phù hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp, đơn vị. Công tác lựa chọn, bầu cấp ủy viên đảm bảo tiêu chuẩn quy định, thực sự là người tiêu biểu, thực đức, thực tài. Để có được cấp ủy trong các doanh nghiệp vừa đủ tiêu chuẩn vừa đảm bảo cơ cấu, cần có sự chủ động chuẩn bị ngay từ việc xây dựng quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện; trong quá trình hoạt động của cấp ủy cơ sở, kiên quyết thay thế những cấp ủy viên yếu về năng lực, kém về phẩm chất, không năng động, để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của cấp ủy. 
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí cấp ủy tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước không chi phối theo đúng quy định 287, 288 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X. Đối với các đảng bộ, chi bộ khu vực tư nhân vận dụng theo hướng khuyến khích các đồng chí đảng viên là chủ doanh nghiệp, hoặc trong hội đồng quản trị đủ năng lực, có uy tín tham gia cấp ủy, giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư đảng bộ, chi bộ.

Cấp ủy cơ sở phải ra nghị quyết đúng đắn, sát thực với chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và triển khai đến đông đảo cán bộ, đảng viên và người lao động trong doanh nghiệp biết và thực hiện. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đề ra các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, hiệu quả cao; kịp thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. 

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của tổ chức đảng, của tập thể cấp ủy, của từng cấp ủy viên trong từng loại hình doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân. Xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, ban giám đốc; trong đó xác định rõ mối quan hệ, phối hợp giữa cấp ủy đảng với lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là phối hợp trong xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; trong giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp. Phân công nhiệm vụ cho từng cấp ủy viên cụ thể, rõ ràng. Từ đó sẽ giúp hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuận lợi hơn, không bị động; các chương trình, kế hoạch của cấp ủy, tổ chức đảng đề ra cũng sát hợp với kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, hay cấp ủy và ban giám đốc, hội đồng quản trị sẽ cùng phối hợp lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của doanh nghiệp.

Chú trọng phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ trong sinh hoạt cấp ủy; nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên.

Lãnh đạo xây dựng các đoàn thể trong doanh nghiệp vững mạnh gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Bố trí được những đồng chí thực sự có năng lực làm công tác đoàn thể; chỉ đạo các đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua hướng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của doanh nghiệp; tăng cường phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp văn minh và hiện đại gắn với thương hiệu doanh nghiệp.

Làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy cơ sở và cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp. Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp ủy nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng với yêu cầu công tác Đảng trong thời kỳ mới.

Đồng chí Trịnh Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn trình bày tham luận về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Chi bộ Đảng ở nông thôn".


Đồng chí Trịnh Xuân Dũng phát biểu tham luận.

Đồng chí đề xuất một số giải pháp sau:

Tăng cường giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho mọi đảng viên. Trên cơ sở đó, nêu cao trách nhiệm và tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên trong lao động sản xuất, công tác, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm, thật sự là tấm gương để quần chúng noi theo. 
Lựa chọn và bố trí được bí thư chi bộ và cấp ủy là những đồng chí có sức khỏe, nhiệt tình, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức và lối sống lành mạnh, thật sự có năng lực, uy tín, nhất là năng lực thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới. Bí thư và chi ủy phải là trung tâm đoàn kết trong chi bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ và tính chất sinh hoạt chi bộ. Chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ cần chuẩn bị chu đáo, thảo luận kỹ nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung lãnh đạo trước khi báo cáo chi bộ. Trong tổ chức thực hiện phải phân việc cụ thể cho từng cấp uỷ viên và mỗi đảng viên sát với nhiệm vụ, khả năng từng người. Tùy nội dung để chọn hình thức sinh hoạt chi bộ cho phù hợp, cần coi trọng hình thức sinh hoạt chuyên đề để có thể bàn sâu, bàn kỹ một vấn đề cần tập trung lãnh đạo. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của chi bộ đối với mọi mặt hoạt động ở thôn. Thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm, thực hiện tự phê bình và phê bình đi đôi với tăng cường quản lý đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền. Qua đó, kịp thời biểu dương những điển hình làm giỏi, những gương đảng viên phấn đấu tốt; xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm đạo đức, vi phạm những điều đảng viên không được làm và pháp luật của Nhà nước. 

Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, nhất là việc góp ý kiến, phê bình cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết được toàn dân, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương một cách sáng tạo, hiệu quả nhất. Thông qua phong trào hoạt động của quần chúng để phát hiện những người ưu tú, thật sự tiêu biểu, gương mẫu trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất, tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, tăng cường sức trẻ cho chi bộ.

Đồng chí Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình bày tham luận với nội dung “Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh”.


Đồng chí Phạm Duy Phương trình bày tham luận.

Tham luận nêu một số giải pháp trọng tâm nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch bền vững; xây dựng hình ảnh con người và thiên nhiên Thanh Hóa thân thiện đối với khách du lịch. 

Thứ hai, đổi mới công tác xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Huy động các nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác… nhằm đa dạng và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch; Đẩy mạnh hợp tác liên kết các tỉnh/thành, các vùng, miền trong xúc tiến du lịch; Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ ngoại giao, Đại sứ quán, lãnh sự quán trong hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tập trung xây dựng và triển khai Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa và Đề án truyền thông nhằm tạo ra các chiến dịch truyền thông hiệu quả, sâu, rộng, có sức truyền tải các thông điệp giá trị của du lịch Thanh Hóa.

Thứ ba, Tăng cường kết nối, hoàn thiện, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tiến hành rà soát, thống kê, phân loại và xếp hạng tài nguyên du lịch; trên cơ sở đó huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo di tích, xây dựng các loại hình du lịch phù hợp với từng loại tài nguyên; hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mới, điển hình, đặc trưng của tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để từ đó tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan xây dựng sản phẩm du lịch cốt lõi, sự kiện du lịch thường niên gắn với thương hiệu du lịch Thanh Hóa, tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch như: phiên chợ quê, festival trò diễn dân gian…

Thứ tư, chú trọng công tác cải thiện môi trường du lịch. Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên về đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng, nhà nước và pháp luật cho người dân và du khách nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường du lịch xanh - sạch - an toàn - thân thiện - hấp dẫn; Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các cấp, các ngành liên quan xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử có văn hóa trong hoạt động du lịch; Áp dụng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt và triệt để trong việc thiết lập lại trật tự, giải quyết dứt điểm những vấn nạn ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo, ép khách.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tập trung huy động các nguồn lực phục vụ cho việc đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ lao động; nghiên cứu, xây dựng khung giáo trình đầy đủ, chuẩn mực, phù hợp trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho lao động trong du lịch đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo cơ chế, chính sách thu hút và giữ chân những những người có trình độ và năng lực chuyên môn cao phục vụ trong ngành du lịch.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác lập và triển khai quản lý quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch; Tập trung rà soát, đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư đã được cấp chứng nhận đầu tư nhưng chưa hoàn thành. Kiên quyết thu hồi đối với dự án đầu tư vi phạm; Tăng cường đáp ứng đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch theo thứ tự ưu tiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các điểm đến; Có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch đối với các loại hình kinh doanh du lịch sản phẩm du lịch cao cấp, sản phẩm du lịch mới; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước bằng các hình thức BOT, BTO, BT…

Xây dựng và hoàn chỉnh bộ máy chuyên môn về quản lý du lịch từ tỉnh đến cơ sở; Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa trong công tác phối hợp, chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý du lịch, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra; Đẩy mạnh công tác liên kết ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong tỉnh; liên kết vùng, miền; liên kết nhà nước và doanh nghiệp, liên kết doanh nghiệp và nhà trường trong công tác quản lý và phát triển du lịch.

Đồng chí Nguyễn Trung Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Hà Lai (Hà Trung) tham luận một số giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn.


Đồng chí Nguyễn Trung Tiến tham luận tại Đại hội.

Theo đó, cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề nông nghiệp và nông thôn. Đề nghị tỉnh có các chủ trương, các chính sách kích cầu trong sản xuất nông nghiệp. Quan tâm đến công tác công nghiệp hoá trong nông nghiệp, tạo điều kiện và cơ hội cho các địa phương học tập lẫn nhau, học tập mô hình điểm, vận dụng vào thực tế trong công tác lãnh đạo điều hành sản xuất nông nghiệp gắn với thực tiễn của địa phương. Quan tâm lãnh đạo, mở các khóa tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển các ngành nghề sản xuất, chế biến nông sản, đưa công nghệ mới, hiện đại vào đồng ruộng nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, giảm sức lao động, tăng năng xuất, tăng thu nhập cho nhà nông. Cần có giải pháp nhằm nâng cao đời sống, mức thu nhập và mức hưởng thụ vùng nông thôn. 

Cần quan tâm để có giải pháp thiết thực góp phần phát triển ngành nghề ở nông thôn. 

Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới. Trong đó có sự hỗ trợ phù hợp, tạo cơ hội để nhiều địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hậu xây dựng nông thôn mới, đúng với ý nghĩa và mục tiêu chương trình quốc gia đã đề ra.

Đồng chí Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận về một số giải pháp thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.


Đồng chí Phạm Thị Hằng trình bày tham luận.

Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ngành giáo dục trong việc quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá XI; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhằm giải quyết những khó khăn, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện.

Tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án đã được UBND và Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt như: Đề án quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các trường mầm non, phổ thông giai đoạn 2015-2020; Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề đến năm 2020; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo miền núi giai đoạn 2013-2020;

Đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và chịu trách nhiệm trước xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng, quản lý tốt là tiền đề để dạy tốt và học tốt; thực hiện thống nhất chức năng, nhiệm vụ của Phòng GD&ĐT theo Quyết định số 1268/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.

Thực hiện đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phảm chất người học. Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng: Khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc, lấy người học làm trung tâm trong hoạt động dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; tập trung dạy phương pháp học, phương pháp tư duy và tự học, phù hợp với từng cấp học. 

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bố trí, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa đến năm 2020; xây dựng quy hoạch và kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị và năng lực chuyên môn để thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực toàn xã hội để tăng cường CSVC, thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, xóa phòng học tạm. Đổi mới chế độ học phí, ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách, học phí cần bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho giảng dạy và học tập, bước đầu đủ bù đắp chi phí thường xuyên, khắc phục tình trạng kinh phí chi thường xuyên thấp như hiện nay.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giúp cho các cơ sở giáo dục triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng; đồng thời chấn chỉnh những tiêu cực, bức xúc xảy ra trong xã hội và xử lý nghiêm các hiện tượng sai phạm.

Đồng chí Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức trình bày tham luận về "Giải pháp xây dựng hình ảnh tốt đẹp về vùng đất và con người Xứ Thanh trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế”.


Đồng chí Nguyễn Mạnh An tham luận tại Đại hội.

Tham luận nêu nguyên nhân, sự cần thiết phải xây dựng hình ảnh tốt đẹp về vùng đất và con người xứ Thanh trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó đề các nhóm giải pháp cụ thể.

Trong đó, Nhóm giải pháp về nhận thức bao gồm: Nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tầng lớp nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tỉnh về vai trò của văn hóa trong sự phát triển của mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Tăng cường phát huy nguồn lực văn hóa tỉnh Thanh trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cần có một công trình nghiên cứu tìm hiểu con người xứ Thanh.

Nhóm giải pháp về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bao gồm: Xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp. Đào tạo và sử dụng nguồn lực con người hợp lý, khoa học. Tiếp tục nâng cao dân trí cho người dân Thanh Hoá theo tinh thần thượng tôn pháp luật và dân chủ hoá. Xây dựng và phát triển các dòng họ khoa bảng, các làng khoa bảng, nhằm phát huy truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng, tạo dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Nhóm giải pháp về xây dựng lối sống, văn hóa ứng xử trong đời sống và trong lao động-việc làm: Xây dựng hoàn thiện nền hành chính hiện đại để các nét đẹp của văn hoá truyền thống và hiện đại được phát huy; từ đó khuyến khích những yếu tố văn hóa đẹp phát triển. Xây dựng môi trường văn hóa thẩm mỹ. Xây dựng các chuẩn mực giá trị của con người Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới. 

Nhóm giải pháp về quảng bá hình ảnh người Thanh Hóa: Xây dựng chiến lược giáo dục ý thức tự tôn Thanh Hóa. Tăng cường quảng bá và giới thiệu văn hoá xứ Thanh. Xây dựng Bộ tư liệu về vùng đất và con người Thanh Hóa có tính pháp quy dưới dạng các công trình nghiên cứu.

Đồng chí Trịnh Huy Triều, Bí thư Thị ủy Sầm Sơn trình bày tham luận về"Giải pháp phát triển thị xã Sầm Sơn trở thành khu đô thị du lịch trọng điểm Quốc gia”.


Đồng chí Trịnh Huy Triều tham luận tại Đại hội.

Trong đó, đề xuất các giải pháp:

Trên cơ sở Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, từ đó có cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch; làm cơ sở để các địa phương ban hành các Nghị quyết về phát triển du lịch địa phương mình.

Thị xã cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, phát triển du lịch, tăng cường công tác quản lý nhà nước của các ban, ngành liên quan đối với du lịch. Tập trung cho các lĩnh vực: Tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong kinh doanh du lịch; quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn; đảm bảo ANTT, ATGT; đảm bảo mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường; đảm bảo trật tự thương mại, giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch. Lập và công bố các quy hoạch xây dựng, quản lý tốt việc xây dựng theo quy hoạch. Làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, GPMB các dự án, quản lý các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dự án quan trọng như: dự án FLC, đường Hồ Xuân Hương, Đại lộ Nam sông Mã... sớm hoàn thành. Xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới như dự án khu du lịch núi Trường Lệ, khu Liên hiệp TD-TT Sầm Sơn, khu Quảng trường biển... kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ để giao cho các nhà đầu tư có năng lực. Khuyến khích các khách sạn, nhà nghỉ đầu tư nâng cấp, nâng hạng; chỉnh trang, trang trí đô thị và các khu di tích, danh thắng trên địa bàn; xây dựng các khu trung tâm thương mại, dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh liên kết vùng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới đa dạng, hấp dẫn. Đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Hiệp hội Du lịch thị xã Sầm Sơn và các địa phương xây dựng các tour du lịch hoàn chỉnh, kết nối các điểm du lịch, di tích, danh thắng, làng nghề trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao trình độ quản lý Nhà nước và nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Lựa chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, đội ngũ hướng dẫn viên thực sự chuyên nghiệp. Tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng cho lao động phục vụ du lịch.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất